20/03/2024 02:26
Tính đến ngày 19/3, toàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 226 ca mắc sốt xuất huyết. Số ca mắc sốt huyết được ghi nhận tại 15/15 huyện, thành phố, trong đó tập trung nhiều nhất tại huyện Krông Păc với 46 ca, Ea Kar 40 ca, thành phố BMT 31 ca. Để kiểm soát dịch bệnh sốt xuất huyết, Ngành y tế Đắk Lắk đã tăng cường các biện pháp phòng ngừa, không để dịch bệnh lây lan diện rộng và không để trường hợp nào tử vong.
Là một trong ba địa phương ghi nhận số trường hợp mắc sốt xuất huyết cao nhất trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk (với 31 trường hợp mắc bệnh), hiện nay Trung tâm Y tế Thành phố Buôn Ma Thuột đang chỉ đạo Trạm y tế xã, phường triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, xử lý triệt để các ổ dịch không để dịch bùng phát ra diện rộng. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, tập trung vào những nơi có ổ dịch cũ, có nguy cơ bùng phát dịch nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc mới.
|
Cán bộ y tế xã Ea Uy, huyện Krông Pắc tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết cho người dân. (ảnh: Đình Thi)
|
Bác sĩ Võ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm y tế thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, Trung tâm đã chỉ đạo cho Trạm y tế các xã, phường và phòng truyền thông của Trung tâm tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết trên các phương tiện thông tin đại chúng như Zalo, Facebook và trên website. Đồng thời, vận động người dân tích cực tham gia vệ sinh môi trường, tổ chức các chiến dịch diện lăng quăng bọ gậy trong từng hộ gia đình.
“Trung tâm y tế đã tham mưu cho UBND thành phố xây dựng kế hoạch và triển khai kế hoạch phòng chống dịch, phòng chống sốt xuất huyết đến cơ quan, đơn vị, doang nghiệp, trường học và UBND các xã, phường. Đồng thời, tập trung tuyên truyền để người dân chủ động công tác vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng bọ gậy; tăng cường công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh xã, phường nhằm hướng dẫn cách phòng bệnh sốt xuất huyết, nhắc nhở người dân vệ sinh các vật dụng, dụng cụ chứa nước của hộ gia đình hàng ngày, hàng tuần ”, bác sĩ Hùng nói.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến khá phức tạp, đến nay tất cả các huyện, thành phố trong toàn tỉnh đều đã ghi nhận số ca mắc bệnh. Hiện nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đang tích cực phối hợp với Trung tâm y tế các huyện, thành phố thực hiện giám sát, hỗ trợ, bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh; tiến hành khoanh vùng phun hóa chất diệt muỗi tại khu vực có chỉ số giám sát véc-tơ cao; theo dõi chặt chẽ tình hình sốt xuất huyết tại cơ sở .
Bác sĩ Trần Kim Long, Phó phụ trách Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm được biết đến từ nhiều năm nay. Bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Bệnh sốt xuất huyết lây truyền qua trung gian muỗi vằn, loại muỗi lưu hành vùng nhiệt đới.
“Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt. Do đó, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy tại hộ gia đình và nơi sinh sống với phương châm “không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết” nhằm tiêu diệt tác nhân gây bệnh”, bác sĩ Long chia sẻ.
|
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát dịch bệnh sốt xuất huyết trong cộng đồng. (ảnh: Đình Thi)
|
Trước tình hình bệnh dịch sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát, Bộ Y tế khuyến cáo cho mọi người dân, mỗi hộ gia đình chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh bằng cách:
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
- Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay kể cả ban ngày.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch.
- Khi bị sốt, xuất huyết… đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Bảo Trọng
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác