20/03/2024 02:47
Cận thị học đường là mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh khi tỷ lệ mắc cận thị học đường ngày một tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến học tập và sinh hoạt của các em.
Theo tổ chức y tế thế giới (WHO), Trên thế giới có khoảng 154 triệu người đang bị tật khúc xạ nhưng chưa được điều trị, trong đó có hơn 13 triệu là trẻ em. Châu Á là nơi có tỉ lệ mắc tật khúc xạ học đường cao nhất thế giới. Trong đó, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ cận thị cao, và có xu hướng gia tăng nhanh chóng, nhất là khu vực đô thị, số học sinh bị cận thị chiếm 40%. Tại khoa khám, bệnh viện Mắt tỉnh Đắk Lắk bình quân mỗi ngày có khoảng 10 đến 20 trường hợp học sinh đến thăm khám và đo thị lực về mắt. Con số này tăng lên từ sau dịch Covid- 19. Đa số đến viện trong tình trạng mắt nhìn mờ, khó nhìn được vật ở xa, nheo mắt, chảy nước mắt, trẻ hay dụi mắt.
|
Các gia đình và học sinh cần ý thức hơn trong việc kiểm soát, phát hiện sớm tật cận thị để có phương án chữa trị kịp thời. (ảnh: Đình Thi)
|
Cận thị là một tật của khúc xạ ở mắt. Người bị cận thị sẽ gặp khó khăn trong việc nhìn và ghi nhận các chi tiết hình ảnh ở xa, phải cố gắng điều tiết để thấy rõ như bộc lộ qua động tác nheo mắt. Đây là một tật khúc xạ thường gặp nhất, đặc biệt là ở lứa tuổi đi học, thanh thiếu niên.
Theo các chuyên gia y tế, cận thị gây ra nhiều hậu quả trong đời sống, cận thị nặng có thể kèm theo các biến chứng như lác, rách võng mạc, bong võng mạc, bong dịch kính… dẫn tới mù lòa. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do quá trình học tập và giải trí thiếu khoa học ở lứa tuổi học sinh. Khi đến trường các em phải học tập với cường độ cao trong điều kiện môi trường ánh sáng không bảo đảm, tư thế ngồi học không đúng, đọc sách với cự ly gần trong thời gian dài không nghỉ ngơi hợp lý, bàn ghế học sinh không phù hợp... Khi về nhà các em thường xem ti vi, chơi máy vi tính nhiều giờ liên tục với khoảng cách rất gần, hay đọc sách trong tư thế nằm ngửa, đọc ở những nơi không đủ ánh sáng, tự ý đeo kính cận không đúng tiêu cự. Chính những nguyên nhân trên đã ảnh hưởng xấu tới khả năng điều tiết của đôi mắt, dẫn tới cận thị học đường đang ngày càng gia tăng ở Việt Nam trong những năm gần đây.
Theo các bác sĩ chuyên khoa Mắt, dấu hiệu của cận thị học đường rất dễ nhận biết. Đối với các bạn nhỏ, thường khi xem ti vi trẻ sẽ tiến lại gần ti vi hơn hoặc khi đọc sách, học bài trẻ thường cúi sát mặt xuống. Nhiều trẻ có biểu hiện nheo mắt hoặc nghiêng đầu khi học bài hoặc xem ti vi, nhiều trẻ có thể đọc nhầm dòng, sai dòng, viết không chính xác.
Trường hợp bé TTM 7 tuổi trú tại xã Nam Dong, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông bị cận thị và em phải đeo kính 4 độ đã 3 năm nay. Cứ đều đặn 6 tháng gia đình lại đưa em đến bệnh viện chuyên khoa Mắt để tái khám và cắt kính. Chị Lan, mẹ bé M cho biết, “Bé thường xem tivi, xem điện thoại với khoảng cách gần, thường xuyên dụi mắt, chảy nước mắt, rất nhạy cảm với ánh sáng, nheo mắt, lé mắt. Khi đọc phải lấy viết dò từng hàng, hay nghiêng đầu sang một bên, ngủ út hay giật mình”.
Tật cận thị có thể chữa trị bằng cách đeo kính có gọng, kính áp tròng hoặc phẫu thuật khúc xạ. Tùy thuộc vào mức độ cận thị, bạn có thể phải đeo kính có gọng hoặc kính áp tròng liên tục hoặc chỉ khi cần nhìn xa rõ, như lái xe, nhìn bảng khi học hoặc xem phim. Song, cận thị nặng có thể kèm theo các biến chứng như lác, rách võng mạc, bong võng mạc, bong dịch kính… dẫn tới mù lòa, việc đeo kính hoặc dùng thuốc đều không thể ngăn cản bệnh tiến triển. Các gia đình và học sinh cần ý thức hơn trong việc kiểm soát, phát hiện sớm tật cận thị để có phương án chữa trị kịp thời.
|
Bệnh cận thị hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng cách ngồi học đúng tư thế và giữ khoảng cách từ mắt đến sách vở. (ảnh: Đình Thi)
|
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Minh Hải – Khoa khám tổng hợp Bệnh viện Mắt tỉnh Đắk Lắk lưu ý, bệnh cận thị hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu có sự phối hợp tích cực giữa học sinh, gia đình và nhà trường như lớp học, góc học tập phải đủ những điều kiện cần thiết, kích thước lớp học; cách sắp xếp bàn ghế, bảng viết phù hợp với lứa tuổi học sinh để có thể ngồi đúng tư thế và giữ khoảng cách từ mắt đến sách vở.; đảm bảo đủ ánh sáng, chữ viết trên bảng và trong sách phải rõ nét, chiều cao ít nhất của chữ viết là 1/200 khoảng cách từ mắt tới chữ. Ví dụ, khoảng cách từ bảng tới học sinh là 8 m thì chiều cao tối thiểu của cỡ viết trên bảng phải là 4 cm. Chữ trong vở phải có chiều cao ít nhất 1,75 mm cho khoảng cách từ mắt đến vở là 35cm. Khi đọc sách buổi tối, cần đèn đủ sáng và có chụp phản chiều. Không dùng đèn ống neon, nên dùng bóng điện dây tóc. Không đọc sách có chữ quá nhỏ in trên giấy vàng hoặc đen. Duy trì mỗi tiết học 45 phút, sau đó nghỉ giải lao đưa mắt nhìn xa, hết co thắt thị giác rồi mới bước vào tiết học tiếp theo. Bỏ những thói quen có hại cho mắt như: Không nằm, quỳ để đọc sách hoặc viết bài; Không đọc sách báo, tài liệu khi đang đi trên ô tô, tàu hỏa, máy bay; Khi xem ti vi, video phải ngồi cách xa màn hình tối thiểu 2,5 m, nơi ánh sáng phòng phù hợp. Thời gian xem cần ngắt quãng, không quá 45-60 phút mỗi lần xem. Không tự ý dùng kính đeo mắt không đúng tiêu chuẩn. Khi đeo kính cần tuân thủ hướng dẫn của nhà chuyên môn.
Kim Oanh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác