22/03/2024 07:14
Tiểu đêm là tình trạng thức dậy nhiều lần trong đêm để đi tiểu. Tiểu đêm nếu không được chữa trị sớm sẽ gây mất ngủ, mệt mỏi, cơ thể suy nhược, làm trầm trọng hơn các bệnh lý nền và thậm chí là bị suy thận…
Tiểu đêm là triệu chứng phổ biến ở cả nam lẫn nữ, đặc biệt là ở người trên 50 tuổi. Biểu hiện của bệnh lý này là thường xuyên thức dậy đi tiểu nhiều lần trong đêm. Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Hoàng, Trưởng Khoa ngoại thận tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên: Một người bình thường có thể ngủ từ 6-8 tiếng, không cần thức giấc giữa đêm để đi tiểu. Người mắc bệnh tiểu đêm sẽ thức dậy nhiều hơn một lần trong đêm để đi tiểu. Tình trạng này nếu kéo dài có thể làm người bệnh bị thiếu ngủ, mệt mỏi, có thể gây suy nhược cơ thể, đặc biệt nếu trì hoãn không chữa trị có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra từ các bệnh lý về thận, suy thận hoặc hoặc đối với những người đang có bệnh lý nền, như: huyết áp, tim mạch …thì sẽ làm bệnh trầm trọng hơn.
Ông V.T.N, 65 tuổi ở xã Quảng Điền, huyện Krông Bông đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để điều trị triệu chứng tiểu đêm. Một đêm ông N phải đi tiểu từ 2 đến 3 lần. Sau mỗi lần đi tiểu khi trở lại giường rất khó để ngủ lại. Dần dần theo thói quen cứ đến giờ đó ông N lại tỉnh ngủ để đi tiểu. Việc đi tiểu đêm thường xuyên khiến ông N rất mệt mỏi, mỗi ngày thức dậy đều uể oải, không muốn làm việc gì vì thiếu ngủ.
|
Tiểu đêm nếu không được chữa trị sớm sẽ làm trầm trọng hơn các bệnh lý nền. (ảnh: Bảo Trọng)
|
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng tiểu đêm, trong đó bệnh phì đại tuyến tiền liệt hoặc tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt gây ra tình trạng tiểu đêm. Bệnh ảnh hưởng tới 50% nam giới trong độ tuổi 51 – 60. Tỷ lệ này tăng đến 90% ở người bệnh trên 80 tuổi. Các vấn đề về tiết niệu như: tắc nghẽn bàng quang, bàng quang hoạt động quá mức gây co thắt bàng quang, nhiễm trùng bàng quang, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm bàng quang mô kẽ,… sẽ khiến bàng quang suy yếu, giữ nước tiểu kém, từ đó gia tăng tình trạng tiểu đêm. Ngoài ra, một số loại thuốc cũng có thể gây ra chứng tiểu đêm, đặc biệt là các loại thuốc lợi tiểu điều trị huyết áp hoặc điều trị ngoại biên.
Cũng theo bác sĩ Hoàng, chứng tiểu đêm không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà nó có thể gây ra một số những biến chứng nguy hiểm. Nếu tần suất tiểu đêm dày đặc nhưng không được chữa trị kịp thời, người bệnh có thể mắc các biến chứng như: Ảnh hưởng đến hệ thần kinh do phải thức dậy đi tiểu nhiều lần trong đêm làm gián đoạn giấc ngủ, lâu dần hệ thần kinh sẽ bị ảnh hưởng, trí nhớ sụt giảm, mệt mỏi khi thức dậy, giảm tỉnh táo, minh mẫn trong quá trình sinh hoạt và làm việc, bào mòn sức khoẻ dẫn đến suy giảm sức đề kháng; nhiều trường hợp bị suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, thậm chí gây rối loạn tâm thần. Ngoài ra, do đi tiểu nhiều lần trong đêm người lớn tuổi có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim, huyết áp, tim mạch và tăng tỷ lệ tử vong do đột quỵ như: tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim, ngã chấn thương… do thức dậy vào ban đêm, các cơ quan bộ phận đều giảm hoạt động, giảm linh hoạt, các giác quan đều kém tinh tế, có thể bị thay đổi đột ngột nhiệt độ trên giường và bên ngoài, mất thân nhiệt qua việc đi tiểu đêm, vấn đề đáng lo ngại nữa đó là gây mất ngủ cho người bên cạnh do việc thức dậy đi tiểu.
Chứng tiểu đêm khiến chúng ta phải thức giấc nhiều lần, ảnh hưởng lớn đến chất lượng giấc ngủ và sức khỏe tinh thần. Nếu tình trạng này kéo dài không thuyên giảm, bệnh nhân nên nhanh chóng đi khám để được bác sĩ tư vấn và điều trị kịp thời. Trước hết phải xác định được nguyên nhân dẫn đến tiểu đêm để từ đó thay đổi lối sống, thói quen kể cả việc sử dụng thuốc, trong một số trường hợp có thể cần phẫu thuật để điều trị bệnh kết hợp (như bệnh tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt đã có chỉ định cắt bướu). Về chế độ ăn uống: người bệnh cần hạn chế uống nước (ít nhất 2 tiếng) trước khi ngủ. Tránh sử dụng các thức uống lợi tiểu vào buổi tối như rượu bia, cà phê, trà,... Trong bữa ăn tối, tránh ăn mặn, hạn chế ăn các loại mặn, hạn chế ăn các loại trái cây nhiều nước như bưởi, dưa hấu, cam…Tập thói quen đi tiểu trước khi ngủ, kê cao chân khi ngủ. Thư giãn, giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, phấn khích trước khi ngủ. Nếu trong gia đình có người mắc bệnh tiểu đêm thì nên chuẩn bị lối đi thuận tiện từ chỗ ngủ đến nhà vệ sinh để tránh bị té ngã. Ngoài ra, người bệnh nên tăng cường tập thể dục để kiểm soát tốt cân nặng, tránh tình trạng thừa cân, béo phì. Nếu đang sử dụng các loại thuốc điều hòa huyết áp, bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ về tác dụng phụ lợi tiểu của thuốc. Các thuốc có tính lợi tiểu sẽ làm tăng số lần đi tiểu nếu được dùng vào buổi tối./.
Mỹ Hạnh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác