25/03/2024 03:54
Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em là một trong những nhiệm vụ quan trọng được ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk hết sức chú trọng. Thời gian qua, ngành Y tế đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tỷ lệ tử vong cả ở mẹ và bé, đặc biệt là tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em trên địa bàn.
Theo Bộ Y tế, trong những năm qua, việc thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản, Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng và hàng loạt các kế hoạch hành động quốc gia đã góp phần vào việc giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ em. Mặc dù Việt Nam đã có những bước tiến bộ trong việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, tuy nhiên công tác này còn có sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền, đặc biệt là ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tại tỉnh Đắk Lắk, theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, Đắk Lắk là 1 trong các tỉnh có tỷ lệ tử vong mẹ khá cao. Về tử vong mẹ, thống kê trong 3 năm giai đoạn 2021 - 2023 ghi nhận 21 trường hợp tử vong mẹ, trong đó năm 2021 ghi nhận 4 trường hợp, năm 2022 ghi nhận 10 trường hợp và năm 2023 có 7 trường hợp tử vong mẹ. Nguyên nhân tử vong mẹ chủ yếu là băng huyết sau sinh. Tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng 3 cao gấp 3,5 lần so với vùng 1, tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc thiểu số cao gấp 3 lần so với dân tộc Kinh. Đối với tử vong trẻ em, tỷ lệ tử tử vong sơ sinh còn cao, chiếm đến 50 - 60% tử vong trẻ em dưới 1 tuổi, khoảng 60 - 70% tử vong trẻ dưới 5 tuổi. Khoảng cách về tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở dân tộc thiểu số với dân tộc kinh ngày càng gia tăng. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh – Phó Trưởng khoa Sức khỏe sinh sản Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, nguyên nhân tỷ lệ tử vong mẹ và tử vong trẻ em trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá cao là do còn nhiều bà mẹ và trẻ sơ sinh chưa được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em bởi những khó khăn về kinh tế, phong tục, văn hóa và thiếu kiến thức về chăm sóc trong quá trình mang thai cũng như sinh đẻ. Thực tế chứng minh tỷ lệ trẻ tử vong dưới 1 tuổi thường liên quan nhiều đến các yếu tố dinh dưỡng, chăm sóc bà mẹ khi mang thai và sinh nở. Đồng thời, các tập quán chăm sóc lạc hậu của người dân tộc thiểu số với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai khiến tỷ lệ tử vong cao ở trẻ sơ sinh. Ví dụ như tập quán phổ biến của người dân tộc thiểu số là tự sinh con, không cần trợ giúp của chuyên viên y tế, cắt rốn trẻ sơ sinh bằng vật dụng chưa được khử trùng, mất vệ sinh, thiếu kiến thức chăm sóc trẻ sơ sinh...
|
Để giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em, khi mang thai và sinh con, các bà mẹ nên tới cơ sở y tế để sinh con an toàn. (ảnh: Quang Nhật)
|
Mặt khác, nạn tảo hôn vẫn còn diễn ra, việc kết hôn, sinh con sớm khi chưa phát triển hoàn thiện về mặt tâm, sinh lý có thể gây ra nhiều hệ lụy như: Đẻ non, thai nhi kém phát triển, suy dinh dưỡng, thể trạng yếu... dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Bên cạnh đó, tình hình thiếu nhân lực về các chuyên môn sản, nhi, gây mê hồi sức… thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị và năng lực còn hạn chế về cấp cứu sản khoa, sơ sinh trong công tác sàng lọc, phát hiện dấu hiệu nguy hiểm, chuyển tuyến, chẩn đoán, tiên lượng và xử trí các trường hợp. Ngoài ra, do đặc điểm về địa hình, giao thông đi lại khó khăn nên nhân viên y tế khó tiếp cận với người dân, rào cản văn hóa và hiểu biết hạn chế về các biến chứng thai sản cũng là những nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ tử vong mẹ và bé.
Nhằm tăng cường các hoạt động chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, giảm tỉ lệ tử vong đối với bà mẹ và trẻ em. Trong thời gian qua, ngành Y tế đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động và đạt được nhiều kết quả. Trong đó, đã triển khai 100% các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh thực hiện thường quy quy trình chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh (EENC) sau đẻ, sau mổ lấy thai, đạt 96,5%. Tổ chức tập huấn, cập nhật nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hành cho cán bộ y tế các tuyến với nhiều nội dung như: Người đỡ đẻ có kỹ năng; Hỗ trợ trẻ sơ sinh thở; Chăm sóc trẻ bằng phương pháp Kangaroo cho trẻ sinh non và nhẹ cân; Cách tiếp cận lồng ghép xử trí chăm sóc trẻ bệnh; Tư vấn, kỹ thuật xét nghiệm HIV, VGB, giang mai cho phụ nữ mang thai; Chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời; Khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em < 24 tháng tuổi; Thực hiện chăm sóc trước, trong và sau sinh cho bà mẹ và trẻ sơ sinh; Kiến thức và kỹ năng truyền thông chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em… Bên cạnh đó, ngành Y tế còn triển khai Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ và Tuần lễ làm mẹ an toàn nhằm giới thiệu, quảng bá rộng rãi hơn về lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em như khám thai định kỳ, quản lý thai nghén và giới thiệu chi tiết các cơ sở cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em sẵn có tại địa phương, đơn vị, bao gồm cả các dịch vụ chuyển tiếp, chuyển tuyến... để tăng số lượng bệnh nhân tiếp cận các dịch vụ này... Về dinh dưỡng cho trẻ, ngành Y tế cũng đã tiến hành khảo sát ban đầu mô hình dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời tại 22 xã thuộc khu vực III trên địa bàn tỉnh. Đồng thời giám sát hỗ trợ chuyên môn chăm sóc sức khỏe sinh sản tại 09 bệnh viện trong và ngoài công lập, 15/15 Trung tâm Y tế huyện và các trạm Y tế xã trên địa bàn tỉnh. Nội dung giám sát tập trung vào việc thực hiện hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và các quy định chuyên môn kỹ thuật khác của Bộ Y tế. Các hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, tạo sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn thể người dân về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng hợp lý, ưu tiên nhóm đối tượng dễ tổn thương như phụ nữ mang thai, bà mẹ nuôi con dưới 2 tuổi, trẻ em dưới 2 tuổi, các hộ gia đình ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
|
Khi mang thai, các thai phụ nên đến cơ sở y tế thăm khám thai định kỳ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con. (ảnh: Quang Nhật)
|
Cũng theo bác sĩ Mỹ Linh, để giảm tỉ lệ tử vong mẹ và tử vong trẻ em, thời gian tới, CDC sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật cho cán bộ y tế làm công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; Tăng cường và nâng cao chất lượng các dịch vụ truyền thông, tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ thường/mổ đẻ. Song song đó, sẽ đẩy mạnh việc triển khai các hoạt động Chương trình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời; Khám sức khỏe định kỳ cho trẻ dưới 24 tháng tuổi…. giám sát, hỗ trợ các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ, hiệu quả và đạt mục tiêu đề ra. Đồng thời chỉ đạo, giám sát hoạt động in cấp sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em cho các đối tượng miễn phí trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, đẩy mạnh hoạt động truyền thông cho người dân biết lợi ích và cách sử dụng sổ theo dõi (bao gồm cả phiên bản sổ giấy và sổ điện tử) để theo dõi sức khỏe cho phụ nữ trong thời gian mang thai và nuôi con nhỏ cũng như duy trì tốt công tác tiêm chủng mở rộng, phòng chống các bệnh truyền nhiễm, quản lý thai nghén. Quản lý, điều trị những trường hợp trẻ suy dinh dưỡng cấp tính nặng phòng chống suy dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em, trong đó đẩy mạnh việc nuôi con bằng sữa mẹ. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyển tuyến cấp cứu sản khoa và sơ sinh, kịp thời chấn chỉnh việc thực hiện quy trình dự phòng, phát hiện, và xử trí cấp cứu sản khoa và sơ sinh ở tất cả các cơ sở y tế, đặc biệt quy chế phối hợp giữa các chuyên ngành sản, nhi và hồi sức cấp cứu ở từng cơ sở y tế có đỡ đẻ, bao gồm cả các cơ sở y tế ngành, y tế tư nhân. Bên cạnh đó, CDC cũng sẽ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng và thực thi đầy đủ các chính sách đãi ngộ đối với cô đỡ thôn, bản, nhằm hỗ trợ, động viên cho đội ngũ này yên tâm công tác, tiếp tục cống hiến.
|
Cán bộ y tế hướng dẫn cho y tế thôn bản các bước chuyển tuyến cấp cứu sơ sinh. (ảnh: Quang Nhật)
|
Thực tế, để nâng cao hiệu quả về làm mẹ an toàn, đảm bảo sức khỏe và chất lượng sống cho cả bà mẹ và trẻ em không phải chỉ có ngành Y tế mà còn cần sự phối hợp thực hiện của chính quyền các cấp, các ban ngành đoàn thể, sự thay đổi nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hướng tới mục tiêu không một bà mẹ và trẻ em nào bị bỏ lại phía sau. Để làm mẹ an toàn và con sinh ra, phát triển khỏe mạnh, bác sĩ Mỹ Linh khuyến cáo phụ nữ khi nghi ngờ có thai cần đến khám lần đầu tại trạm Y tế xã, thị trấn để được quản lý thai nghén và hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe cho mẹ và thai nhi trong suốt thai kỳ. Trong quá trình mang thai mỗi thai phụ phải khám thai định kỳ tại cơ sở y tế ít nhất 4 lần/ thai kỳ, lần 1 trong 3 tháng đầu, lần 2 trong 3 tháng giữa, lần 3 và 4 trong 3 tháng cuối. Việc khám thường xuyên sẽ giúp theo dõi sức khoẻ bà mẹ và quá trình phát triển thai nhi, phát hiện dị tật sơ sinh, bệnh tật mẹ và xử trí kịp thời những tai biến có thể xảy ra. Bên cạnh đó, để đảm bảo sức khỏe cho mẹ, sự phát triển toàn diện cho thai nhi và em bé sơ sinh, cần ăn uống đủ các chất: thịt, cá, tôm, sữa, trứng, đậu, lạc, vừng, dầu ăn, rau xanh và hoa quả tươi, không hút thuốc lá, không uống rượu, bia, không sử dụng thuốc nếu không có chỉ định của bác sỹ. Bà mẹ cần tiêm phòng đầy đủ theo hướng dẫn của cán bộ y tế để phòng bệnh uốn ván cho cả con và mẹ. Khi sinh con, bà mẹ cần sinh đẻ tại cơ sở y tế để an toàn tính mạng cho cả mẹ và con. Người chồng và gia đình cần quan tâm chăm sóc phụ nữ mang thai để đảm bảo sức khỏe của bà mẹ và sự phát triển của thai nhi. Sử dụng "Sổ theo dõi sức khoẻ bà mẹ - trẻ em" ngay khi bắt đầu có thai để biết cách chăm sóc, theo dõi phụ nữ trong quá trình mang thai. Khi phát hiện có dấu hiệu nguy hiểm, đưa ngay bà mẹ đến cơ sở y tế để được cứu chữa kịp thời. Khi sinh ra, trẻ cần được bú sữa non, bú sớm trong vòng một giờ đầu sau sinh. Trẻ cần được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục bú mẹ đến 24 tháng. Từ tháng thứ 7 tập cho trẻ ăn dặm trẻ cần được ăn đủ những loại thức ăn giàu chất dinh dưỡng, sử dụng muối iốt. Ngoài ra, tiêm chủng đầy đủ cho trẻ và uống vitamin A bổ sung. Chăm sóc trẻ tốt trong và sau khi trẻ mắc bệnh, thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường phòng chống nhiễm giun, sán. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bất thường cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác