28/03/2024 02:52
Viêm loét giác mạc do nấm là một bệnh nguy hiểm, nếu không được chữa trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ suy giảm thị lực, thậm chí dẫn đến mù lòa.
Viêm loét giác mạc do nấm là tình trạng nhiễm trùng giác mạc kèm theo nhiễm nấm vào lớp nhu mô hoặc nội mô giác mạc. Bệnh gây đau đớn, suy giảm thị lực, sợ ánh sáng, tăng tiết nước mắt hoặc dịch từ mắt.
Tại Khoa khám, Bệnh viện Mắt tỉnh Đắk Lắk, mỗi ngày tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân đến khám các vấn đề về mắt, trong đó bệnh viêm loét giác mạc do nấm chiếm trên 50%, bệnh thay đổi theo mùa, thường tăng cao vào những thời điểm vụ mùa, nông dân thu hoạch nông sản các loại. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân chủ quan không chú ý phòng hộ trong quá trình lao động, bị cành cây, lá cây, mảnh cỏ, bụi, đất đá... văng vào mắt làm trầy xước hoặc rách giác mạc, tạo điều kiện cho các tác nhân gây nhiễm trùng, nấm phát triển.
|
Bệnh nhân bị viêm loét giác mạc đang điều trị tại Bệnh viện Mắt tỉnh Đắk Lắk. (ảnh: Đình Thi)
|
Ông Y.P.N, trú tại xã Ea Hồ, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk, trong lúc cắt cành cho cây cà phê, ông bị cành cà phê quẹt trúng mắt trái. Ban đầu mắt chỉ cộm xốn, đau nhức nhẹ, nghĩ là không sao nên ông P chỉ rửa mắt bằng nước muối nhưng một tuần sau mắt ông đỏ lên và đau nhức nhiều. Do công việc bận rộn và tâm lý chủ quan nên ông tự đi mua thuốc nhỏ mắt về nhỏ. Sau khi dùng thuốc được ba ngày, mắt ông trở nên đau nhức nặng hơn, mi mắt sưng nề, nhìn mờ; lúc này ông mới đến khám tại Bệnh viện Mắt tỉnh Đắk Lắk và được chẩn đoán loét giác mạc do nấm. Vì đến trong giai đoạn muộn, có tổn thương nặng trên giác mạc nên cho dù được điều trị tích cực nhưng mắt trái của ông đã hoàn toàn mất thị lực.
Trường hợp khác là bà N.T.L trú tại Buôn Dung, xã Krông Ana, huyện Krông Ana bị bụi bay vào mắt, bà đưa tay dụi mắt nên nước mắt cứ chảy kèm nhức mắt, bà tự ý mua thuốc về vừa nhỏ kết hợp với uống nhưng mắt vẫn đau nhức và phát sốt nhưng bà vẫn chần chừ chưa đi khám, nào ngờ bệnh ngày càng nặng hơn, người nhà đã đưa bà đến Bệnh viện Mắt Đắk Lắk để khám. Qua thăm khám, theo dõi bác sĩ cho biết bà N.T.L bị viêm loét giác mạc do dùng thuốc có thành phần Corticoid làm cho giác mạc mỏng, trầy xước, phù nề. Sau 10 ngày điều trị, đến nay mắt của bà đã ổn định.
|
Khi có bất cứ triệu chứng nào bất thường liên quan đến mắt cần đi khám bác sĩ chuyên khoa Mắt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. (ảnh: Đình Thi)
|
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Minh Hải – Khoa khám tổng hợp Bệnh viện Mắt tỉnh Đắk Lắk cho biết, bệnh nhân bị viêm loét giác mạc thường cảm thấy cộm xốn, chảy nước mắt nhiều, cảm giác trong mắt luôn có dị vật khiến bệnh nhân dụi mắt liên tục. Đau nhức có thể âm ỉ kéo dài liên tục, trong trường hợp nặng có tăng nhãn áp kèm theo sẽ đau dữ dội lan lên nửa đầu. Mắt sợ ánh sáng, co quắp mi, đỏ mắt thường gây nhầm lẫn với viêm kết mạc. Nếu không được phát hiện kịp thời, bệnh tiến triển rất nhanh gây sưng nề vùng mi mắt, xuất hiện ổ loét và mủ viêm trên giác mạc làm giảm thị lực; trường hợp nặng hơn có thể gây hoại tử thủng giác mạc. Lúc này, bệnh khó điều trị và thời gian điều trị kéo dài; tỷ lệ tái phát cao nếu không được điều trị triệt để ngay từ đầu và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng như sẹo giác mạc, teo nhãn, mất thẩm mỹ, giảm hoặc mất thị lực hoàn toàn, viêm lây lan ra các tổ chức khác của nhãn cầu... ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống.
Viêm loét giác mạc hoàn toàn phòng tránh được nếu chúng ta biết cách chăm sóc và bảo vệ tốt cho đôi mắt của mình như: Sử dụng phương tiện bảo hộ như kính, mũ, đồ bảo hộ... trong quá trình lao động, sau khi làm việc trong môi trường nhiều bụi bẩn cần rửa mắt với dung dịch nước muối sinh lý, nhỏ các loại nước mắt nhân tạo để hỗ trợ thêm cho mắt; ăn uống đầy đủ các loại thức ăn cung cấp các nhóm vitamin A, D, omega-3... để tránh tình trạng khô mắt. Không dùng tay dụi hoặc tự ý lấy dị vật khi có vật lạ xâm nhập vào mắt, không tự ý nhỏ các thuốc điều trị không đúng chỉ định của bác sĩ. Khi có bất cứ triệu chứng nào bất thường liên quan đến mắt cần đi khám bác sĩ chuyên khoa Mắt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Kim Oanh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác