28/03/2024 03:36
Là địa bàn có số bệnh nhân mắc lao cao nhất trong các xã của huyện Krông Pắk, để nâng cao nhận thức cho người dân và đạt hiệu quả trong hoạt động phòng, chống bệnh lao, thời gian qua, Trạm Y tế xã Ea Yiêng đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động nhằm sớm đẩy lùi bệnh lao ra khỏi cộng đồng, góp phần nâng cao sức khỏe người dân trên địa bàn.
Với dân số gần 7.000 dân, trong đó có tới 80% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số Xơ đăng, đời sống người dân tại xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắk còn nhiều khó khăn, trình độ nhận thức của bà con về công tác phòng, chống bệnh lao còn hạn chế. Do đó, khi có người mắc lao, nhiều bệnh nhân không tới cơ sở y tế khám, điều trị mà ở nhà tự chữa, đồng thời không thực hiện các biện pháp hạn chế tiếp xúc khiến bệnh lao lây lan nhanh trong các thôn, buôn. Theo số liệu thống kê của Trạm Y tế xã Ea Yiêng, năm 2021, toàn xã ghi nhận 5 trường hợp mắc bệnh lao, năm 2022, ghi nhận 9 trường hợp mắc bệnh nhưng đến năm 2023 số trường hợp mắc lao gia tăng lên 18 trường hợp. Riêng 3 tháng đầu năm 2024 tiếp tục ghi nhận 3 trường hợp mắc bệnh lao. Theo bác sĩ Trần Minh Cảnh – Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, khi phát hiện có người bị ho kéo dài, xuất hiện các biểu hiện của bệnh lao, cán bộ trạm đã động viên người dân ra cơ sở y tế làm xét nghiệm tầm soát nhưng nhiều người dân chủ quan, không đi khám mà ra tiệm thuốc tây tự mua thuốc uống khiến bệnh tình ngày càng nặng. Năm 2023, đoàn bác sĩ của Bệnh viện Phổi phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) tiến hành khám sàng lọc toàn bộ người dân trên địa bàn xã đã phát hiện nhiều ca bệnh mới. Sau quá trình vận động cũng như khích lệ, các bệnh nhân đã tiếp nhận khám và điều trị. Tuy nhiên, do thời gian điều trị bệnh lao kéo dài 6 tháng, thuốc điều trị có nhiều tác dụng phụ nên không ít bệnh nhân điều trị giai đoạn đầu thấy các triệu chứng giảm đã tự ý bỏ thuốc, không tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Bên cạnh đó, do bất đồng về ngôn ngữ, người dân còn tư tưởng để bệnh tự khỏi nên công tác phòng, chống bệnh lao còn gặp nhiều khó khăn. Với quyết tâm giảm tỷ lệ mắc bệnh lao xuống mức thấp nhất, tăng số người được khám, phát hiện và điều trị kịp thời, Trung tâm y tế xã Ea Yiêng đã tổ chức triển khai các chương trình phòng chống lao; cán bộ làm công tác phòng chống lao ở tuyến xã thường xuyên xuống cơ sở tuyên truyền, giải thích những thắc mắc, nghi ngờ về bệnh lao cho bà con hiểu rằng bệnh lao tuy nguy hiểm nhưng có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ của bác sĩ.
|
Bác sĩ Trạm Y tế xã Ea Yiêng thăm khám cho một bệnh nhân lao. (ảnh: Quang Nhật)
|
Để hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh lao trong cộng đồng, hằng năm, Trạm Y tế xã Ea Yiêng đã tập trung tuyên truyền lồng ghép trong các buổi tiêm chủng, các buổi tuyên truyền về biện pháp phòng, chống bệnh lao cho bà con nhân dân nhằm phát hiện người nhiễm lao mới. Những đối tượng nghi ngờ lao, mắc các bệnh mạn tính, gầy yếu, suy nhược hoặc những người có nguy cơ cao mắc lao được các nhân viên y tế, cộng tác viên y tế của Trạm tuyên truyền, vận động đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh, kịp thời đến các cơ sở y tế xét nghiệm, điều trị. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm sớm loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng, không còn bệnh nhân lao trên địa bàn xã, bên cạnh việc tích cực vận động, nhắc nhở người dân tới Trạm tái khám và lấy thuốc uống đều đặn, Trạm còn cử cán bộ y tế đi từng ngõ, gõ từng nhà dân có người mắc lao để kiểm tra lịch uống thuốc cũng như tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh, không để bệnh lây lan. Chị Nin – Nữ hộ sinh Trạm Y tế xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắk, chia sẻ: Tôi đã gắn bó với công tác phòng, chống lao tại Trạm hơn 12 năm. Suốt thời gian đó, bản thân tôi đã trải qua biết bao thăng trầm và kỷ niệm cùng hoạt động này. Lúc đầu, khi cán bộ y tế về tổ chức sàng lọc tầm soát lao, cán bộ trạm xuống từng nhà người dân vận động họ đi lấy đờm xét nghiệm nhưng họ từ chối không muốn đi. Sau đó, mình phải tuyên truyền vận động mãi họ mới chịu làm xét nghiệm và uống thuốc. Để nhắc nhở bệnh nhân tuân thủ điều trị, hằng tháng, tôi đều xuống nhà bệnh nhân để thăm và nắm bắt tình hình, đồng thời dặn dò bệnh nhân về chế độ ăn uống, đeo khẩu trang, chú ý ăn uống sinh hoạt riêng với các thành viên trong gia đình để hạn chế lây bệnh cho người thân… rất may sau thời gian kiên trì vận động, đến nay hầu hết các bệnh nhân đã điều trị xong phác đồ và khỏi bệnh. Đó là niềm vui rất lớn cũng là động lực để Trạm cố gắng hơn nữa trong hoạt động phòng, chống bệnh lao trên địa bàn.
Tới khám định kỳ và lấy thuốc điều trị lao tại Trạm Y tế, bà Naih (trú tại xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) tâm sự: Thời gian trước tôi xuất hiện các cơn ho nhiều, đau ngực, khó thở và rất mệt mỏi, cứ đến buổi chiều là lạnh trong người, sốt. Do nghĩ mình bị ốm thông thường nên tôi tự ra tiệm thuốc tây mua thuốc về uống nhưng mãi vẫn không đỡ. Đến khi có đoàn bác sĩ về gọi ra làm xét nghiệm, tôi mới biết mình mắc bệnh lao. Từ đó, cán bộ y tế trạm luôn nhắc nhở tôi uống thuốc đều đặn để nhanh khỏe bệnh. Nhờ có sự động viên của cán bộ trạm nên tôi cố gắng điều trị, đến tháng 4 này là đủ 6 tháng và sẽ kết thúc phác đồ.
Đối với những bệnh nhân tới lịch hẹn tái khám và nhận thuốc nhưng vắng mặt, sau khi rà soát lại danh sách, cán bộ trạm y tế sẽ chủ động tới từng nhà bệnh nhân để nắm bắt tình hình. Giữa cái nắng gay gắt của buổi trưa hè, trên mỗi con đường đất đỏ tại xã Ea Yiêng đều in hằn bánh xe của chị Nin cùng cán bộ y tế thôn, buôn. Khó khăn, vất vả nhưng đối với mỗi cán bộ y tế của trạm Ea Yiêng, chỉ cần người dân hợp tác điều trị, không bỏ thuốc, không chủ quan với bệnh lao là Trạm lại có thêm động lực để đồng hành cùng bệnh nhân trong cuộc chiến chống lại bệnh lao trên địa bàn.
Là người mẹ của 6 đứa con nhưng bản thân lại mắc lao nên chị Khôi (trú tại xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) không khỏi lo lắng khi phát hiện mình mắc bệnh lao. Trong căn nhà nền đất lụp xụp chỉ ngăn mỗi góc nhà để làm phòng ngủ, mọi sinh hoạt của các thành viên trong gia đình chị đều chung nhau nên việc hạn chế tiếp xúc là điều rất khó khăn. Vì thế mà có tới 4 người con của chị bị nhiễm lao tiềm ẩn. Chị Khôi tâm sự: Được cán bộ y tế cho biết về tác hại của bệnh lao, lo lắng cho sức khỏe của mình nên hằng ngày tôi đều uống thuốc đều đặn. 4 đứa con của tôi bị lao tiềm ẩn, phải uống thuốc trong 3 tháng, vì sức khỏe của các con nên tôi luôn cho con uống thuốc đầy đủ để không mắc bệnh. Để những người trong thôn hiểu về bệnh, gặp ai tôi cũng khuyên họ nên đi bệnh viện làm xét nghiệm nếu bị ho nhiều và phải cố gắng uống thuốc đều đặn mới khỏi bênh. Bản thân tôi khi uống thuốc cũng bị dị ứng nổi toàn thân, nhiều khi tôi cũng nản muốn bỏ thuốc lắm nhưng được cán bộ y tế thường xuyên xuống tận nhà hỏi han, chia sẻ và động viên, tôi cố gắng điều trị để nhanh khỏe bệnh.
|
cán bộ Trạm Y tế xã Ea Yiêng đồng hành cùng bệnh nhân trong cuộc chiến chống lại bệnh lao. (ảnh: Quang Nhật)
|
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống bệnh lao, nhưng với sự nỗ lực không ngừng của cán bộ Trạm Y tế xã Ea Yiêng, để tiến tới loại trừ bệnh lao, thời gian tới, Trạm Y tế xã Ea Yiêng quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động phòng, chống bệnh lao, tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, hiểu biết về bệnh lao hơn để tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người thân. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát tại cộng đồng; khuyến khích, vận động người dân khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường thì nhanh chóng đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều tị kịp thời, tránh để bệnh lây lan ra cộng đồng.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác