28/03/2024 04:05
Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế Đắk Lắk về việc tăng cường các hoạt động phòng chống bệnh dại ở người, những ngày cuối tháng 3 vừa qua Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã phối hợp với UBND xã Buôn Triết và trường THCS Lê Quý Đôn xã Buôn Triết huyện Lắk tổ chức các buổi truyền thông trực tiếp về phòng chống bệnh dại cho cán bộ xã, trưởng các thôn buôn, người dân xã Buôn Triết và học sinh của trường.
Hiện nay, bệnh Dại hiện vẫn là một trong các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao nhất thế giới cũng như tại Việt Nam. Bệnh dại là bệnh do vi rút lây truyền từ động vật sang người, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương nhưng có thể phòng ngừa được bằng vắc xin. Tuy nhiên, khi đã bị động vật nghi dại cắn mà không tiêm vắc xin phòng dại, khi đã xuất hiện các triệu chứng lâm sàng thì người bệnh gần như sẽ tử vong hoàn toàn. Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế, trong 3 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 27 trường hợp tử vong do bệnh này, tăng 16 trường hợp so với cùng kì năm 2023. Tại Đắk Lắk, báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, 3 tháng đầu năm 2024 tỉnh đã có 4 trường hợp tử vong do dại (03 trường hợp tại huyện Krông Păc, 01 trường hợp ở huyện Krông Buk). Bệnh dại đang có chiều hướng gia tăng, mặc dù thời điểm bệnh dại bùng phát mạnh thường là vào mùa hè, từ tháng 5- tháng 8 hàng năm. Nguyên nhân trực tiếp gây tử vong do vi rút Dại trên người chủ yếu là do người bị động vật nghi Dại cắn, không tiêm vắc xin. Nguyên nhân giáp tiếp là do tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Dại trên đàn chó, mèo còn thấp. Công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo.
Trước tình hình đó, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác phòng chống bệnh dại, đặc biệt là đẩy mạnh công tác truyền thông.
Tại các buổi truyền thông trực tiếp, cán bộ xã, trưởng các thôn buôn, người dân xã Buôn Triết và học sinh của trường THCS Lê Quý Đôn xã Buôn Triết đã được báo cáo viên của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật chia sẻ thông tin về tình hình bệnh dại gần đây trên cả nước và tại Đắk Lắk; được cập nhật các thông tin về bệnh dại, nguyên nhân mắc bệnh, nguồn lây, các biện pháp xử trí khi bị chó, mèo hoặc động vật nghi dại cắn; hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh và kịp thời đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại. Không nên tự ý chữa bệnh dại bằng các phương pháp của thầy lang, đắp lá hoặc bôi các loại thuốc tự chế, không chữa bệnh Dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận. Đặc biệt, người dân cần thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chó, không để chó chạy rông, khi đưa chó ra ngoài cần thực hiện nghiêm việc đeo rọ và có người dắt, chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh Dại.
|
Cán bộ CDC Đắk Lắk truyền thông trực tiếp về phòng chống bệnh dại cho cán bộ xã, trưởng các thôn buôn, người dân xã Buôn Triết. (ảnh: Đình Thi)
|
Theo báo cáo của chuyên ngành thú y, từ năm 2022 đến nay tỉ lệ tiêm vắc xin phòng dại chỉ đạt gần 50% tổng đàn chó, mèo; cá biệt có một số tỉnh chỉ đạt khoảng 10%. Tại Đắk Lắk, năm 2023 tỉ lệ tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo chỉ đạt khoảng 37%. Tại các xã vùng sâu vùng xa, tỉ lệ tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo cũng còn rất thấp. Nhiều người vẫn có thói quen nuôi chó, mèo để trông nhà, bắt chuột, trông rẫy vườn…., tuy nhiên rất ít người tự giác đưa chó, mèo đi tiêm vắc xin phòng dại.
Ông Phạm Văn Vũ - người dân xã Buôn Triết cho biết, nhà tôi cũng nuôi chó và mèo, tuy nhiên tôi không biết là phải tiêm vắc xin phòng dại cho chó mèo. Giờ được tuyên truyền phòng bệnh dại thì tôi sẽ về đưa chó, mèo đi tiêm vắc xin phòng dại để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và những người xung quanh khi tiếp xúc với chó, mèo nhà tôi.
Tại buổi truyền thông trực tiếp phòng bệnh dại tại trường THCS Lê Quý Đôn xã Buôn Triết, em Đặng Thị Ngọc Trâm, học sinh lớp 9B cho biết, qua buổi truyền thông trực tiếp này em và các bạn đã biết thêm được nhiều thông tin về căn bệnh nguy hiểm này, không ngờ bệnh nguy hiểm có thể đến từ những con vật gần gũi hàng ngày. Em sẽ về vận động gia đình đưa chó, mèo đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại , đồng thời tuyên truyền cho gia đình và những người xung quanh biết cách phòng bệnh dại, khi chẳng may bị chó, mèo cắn thì phải đi tiêm vắc xin phòng dại ngay.
|
Tăng cường công tác truyền thông trong trường học cho các em học sinh tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống là việc làm cần thiết và cần được chú trọng. (ảnh: Đình Thi)
|
Còn em Nguyễn Thảo Vy, học sinh lớp 8B trường THCS Lê Quý Đôn cũng cho biết, em thấy những buổi truyền thông này rất bổ ích, giúp các em có thêm thông tin và biết cách phòng bệnh dại, em mong nhà trường và các ngành chức năng sẽ tiếp tục tổ chức những buổi truyền thông như thế này để chúng em được trực tiếp nghe và hiểu về cách phòng bệnh dại cũng như các bệnh khác để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.
Tăng cường công tác truyền thông trong trường học cho trẻ em, học sinh, đặc biệt là tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống là việc làm cần thiết và cần được chú trọng. Qua các buổi truyền thông này, người dân và học sinh có thể trực tiếp hỏi lại báo cáo viên về những vấn đề quan tâm, những vấn đề liên quan thực tế trong cuộc sống để phòng bệnh tốt hơn. Qua đó, họ cũng được báo cáo viên giải đáp, hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng bệnh để từ đó có thể phòng bệnh đạt hiệu quả hơn. Khi phối hợp thực hiện tổ chức buổi truyền thông trực tiếp về phòng chống bệnh dại cho học sinh của trường THCS Lê Quý Đôn xã Buôn Triết, bà Nguyễn Thị Kim Phượng- hiệu trưởng trường THCS Lê Quý Đôn xã Buôn Triết cho biết, nhà trường thường xuyên phối hợp với Trạm Y tế xã để xây dựng kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho học sinh, không chỉ tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh mà còn tuyên truyền về các bệnh thường gặp ở lứa tuổi học đường như các bệnh về mắt, chế độ dinh dưỡng, các vấn đề vị thành niên. Hàng năm Trạm y tế cũng đã tổ chức khám sức khỏe, tiêm vắc xin phòng bệnh cho học sinh. Qua các buổi truyền thông như thế này các em học sinh cũng đã được tiếp thu thêm các kiến thức về phòng chống bệnh dại, từ đó các em sẽ là những tuyên truyền viên trong gia đình, cộng đồng, tuyên truyền mọi người cùng nhau thực hiện các biện pháp phòng bệnh dại để bảo vệ sức khỏe.
Có thể nói, bên cạnh việc tuyên truyền gián tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, thì việc truyền thông trực tiếp cũng thu hút sự chú ý của đông đảo người dân, học sinh. Qua đó, giúp người dân nâng cao nhận thức về phòng chống dịch bệnh nói chung và phòng chống bệnh dại nói riêng, đặc biệt nhận thức được sự nguy hiểm của bệnh dại, các biện pháp phòng chống và tiêm vắc xin ngay khi bị động vật nghi dại cắn nhằm hạn chế thấp nhất các trường mắc và tử vong do mắc bệnh Dại./.
Minh Thu
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác