29/03/2024 09:10
Là một trong những cặp vợ chồng cùng nhiễm H, anh NVT sinh năm 1983 và chị NTM sinh năm 1990, trú huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk không chỉ vượt qua chính mình để sống, công khai nhiễm HIV/AIDS mà còn tích cực trong hoạt động phòng chống căn bệnh thế kỷ.
Vợ chồng anh NVT và chị NTM quen nhau rồi nên duyên vợ chồng từ năm 2006. Anh chị sinh được hai người con, cuộc sống cứ êm ả trôi đi, cả hai vợ chồng chịu thương chịu khó làm lụng để nuôi con. Tuy nhiên, năm 2012, anh NVT có biểu hiện cơ thể mệt mỏi, ho kéo dài, sốt về đêm, không ăn uống được, sút cân nhanh, gia đình đưa anh đến cơ sở y tế khám và được bác sĩ chẩn đoán anh bị bệnh lao mủ màng phổi, tưởng như không còn cơ hội sống. Gia đình xin chuyển viện và quyết định đưa anh đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) khám, tại đây anh được chẩn đoán nhiễm HIV. Phát hiện anh NVT nhiễm H, chị NTM (Vợ anh NVT) cũng làm các xét nghiệm và nhận kết quả nhiễm HIV. Sự suy kiệt về thể xác khi lo lắng chăm sóc chồng bệnh, con nhỏ giờ thêm thông báo mình bị nhiễm HIV đã làm cho chị càng suy sụp về tinh thần. Trời đất như đổ sụp xuống chân chị, chị chỉ nghĩ đến cái chết. Mới 22 tuổi, cái tuổi xuân tươi đẹp nhất của cuộc đời. Lập gia đình chưa lâu với sự chào đời của hai đứa con nhỏ kháu khỉnh, đáng yêu. Thiết tưởng cuộc đời tươi đẹp, hai vợ chồng chịu khó làm ăn để nuôi con nhưng thật không ngờ, tai họa đã giáng xuống gia đình chị và mọi chuyện không thể ngờ trước. Chị NTM cũng chia sẻ: Là cô gái thôn quê, chị vừa học vừa làm rẫy phụ giúp bố mẹ. Rồi hoàn cảnh khó khăn chị nghỉ học và lấy chồng, lúc đó mạng xã hội chưa phát triển như bây giờ, các kiến thức về HIV chị cũng không nắm rõ, chỉ biết người bị HIV là rất nguy hiểm. Nhưng thật may mắn cho anh chị, hai đứa con của anh chị lại không bị lây nhiễm HIV từ bố mẹ.
|
Vợ chồng anh NVT luôn vui vẻ, lạc quan, đồng hành cùng nhau trên chặng đường điều trị căn bệnh HIV(ảnh: Đình Thi).
|
Vào năm 2012, tại tỉnh Đắk Lắk vừa triển khai chương trình điều trị thuốc kháng vi rút (thuốc ARV) nhằm ức chế sự nhân lên của vi rút, duy trì nồng độ vi rút trong máu ở mức thấp nhất có thể. Khi một người bị nhiễm HIV, HIV làm suy yếu hệ miễn dịch, do vậy nếu được điều trị bằng thuốc ARV, nồng độ vi rút trong máu thấp nên hệ miễn dịch vì thế mà không bị ảnh hưởng nên anh NVT đã tham gia điều trị thuốc ARV. Theo các chuyên gia y tế, điều trị ARV sớm có thể làm giảm 41% mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, giảm 96% nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục và giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%, đồng thời giúp giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình và ngành y tế trong hoạt động điều trị cũng như dự phòng. Đặc biệt, khi người nhiễm HIV được điều trị bằng ARV có thể phục hồi sức khỏe, tiếp tục học tập và lao động.
Một năm sau chị NTM mới tiếp nhận phác đồ điều trị. Thời đó, xã hội còn có sự kỳ thị rất lớn đối với căn bệnh này, anh chị đã trải qua quãng thời gian tăm tối nhất trong cuộc đời. Một phần chị đau nỗi đau thể xác nhưng nỗi đau tinh thần còn lớn hơn khi chính bản thân chị mặc cảm với mọi người xung quanh. Thời gian đầu, không khí gia đình luôn ảm đạm, ngột ngạt, chị chỉ nghĩ đến cái chết để giải thoát cho chính mình. Chị sợ mọi người xung quanh biết gia đình chị nhiễm H, chị sợ các con chị bị các bạn xa lánh, kì thị khi biết bố mẹ chúng nhiễm H. Nhưng trong một buổi tối, đứa con nhỏ đã bị chị bỏ bê bấy lâu suốt ngày đòi mẹ bế, bi bô những câu muốn được mẹ chăm sóc đã làm chị bừng tỉnh. Chị nhớ lại lời bác sĩ nói, nếu tuân thủ đúng phác đồ điều trị sẽ giúp anh chị sống khỏe mạnh và anh chị đã động viên nhau cùng điều trị thuốc ARV. Anh chị cũng nghĩ, các con mình hoàn toàn bình thường, mình phải mạnh mẽ, phải đối diện với sự thật để nuôi dạy hai con. Chính vì suy nghĩ như vậy nên anh chị đã mạnh dạn chia sẻ với mọi người xung quanh về tình trạng bệnh của mình, chăm chỉ làm ăn, xây dựng gia đình, xây dựng kinh tế. Trải qua 12 năm chung sống cùng HIV/AIDS, đến nay anh NVT và chị NTM vẫn khỏe mạnh và luôn giữ cho mình một thái độ sống lạc quan, tích cực. Hiện nay, hai đứa con của anh, chị đã khôn lớn, chăm chỉ học hành, ngoan ngoãn không chỉ phụ giúp bố mẹ những công việc nhà mà còn tham gia làm rẫy và đặc biệt không bị lây nhiễm căn bệnh từ ba mẹ.
Bs CKI Huỳnh Thị Hồng Sinh, khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, người trực tiếp theo dõi và điều trị cho hai vợ chồng anh chị NVT trong những năm qua cho biết: Anh NVT và chị NTM tuân thủ chế độ điều trị thuốc ARV. Đều đặn 12 năm nay, dù ngày nắng hay ngày mưa cứ đúng ngày, đúng tháng anh, chị đi hơn 50km từ nơi mình sinh sống đến khoa Phòng, chống HIV/AIDS để nhận thuốc ARV. Hiện nay, anh chị đã đủ điều kiện để điều trị thuốc ARV ổn định. Nghĩa là tái khám hàng quý hoặc sớm hơn. Nhận thuốc ARV 90 ngày một lần.
Để giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ hiểu hơn về HIV/AIDS, cơ hội sống anh, chị đã không ngần ngại công khai tình trạng nhiễm HIV của mình với nhiều người. Hai vợ chồng cùng nhau tìm hiểu kĩ hơn về con đường lây nhiễm HIV, về cách phòng bệnh HIV, về căn bệnh AID để chăm sóc hai con và phòng tránh lây nhiễm cho mọi người xung quanh và dành thời gian để tham gia các hoạt động truyền thông, cung cấp kiến thức phòng chống HIV cho cộng đồng, an ủi những người mới nhiễm HIV, giúp họ ổn định tâm lý.
|
Một số người nhiễm HIV tại tỉnh Đắk Lắk nhận quà từ Chương trình Hạt Gạo Chia Đôi (ảnh: Đình Thi).
|
Tại buổi trao tặng quà do Chương trình Hạt Gạo Chia Đôi dành cho các hộ gia đình và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV, người sống với HIV có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo tại tỉnh Đắk Lắk hồi đầu tháng 3/2024, chị NTM chia sẻ: Nhờ công khai tình trạng nhiễm bệnh của mình với cộng đồng mà gia đình tôi luôn được mọi người quan tâm, chia sẻ. Hằng năm hai vợ chồng tôi đều được UBND xã nơichúng tôi sinh sống cấp miễn phí thẻ BHYT. Một nguồn hỗ trợ kinh phí đắc lực cho chúng tôi trong quá trình điều trị bệnh. Đồng thời, vào các dịp lễ tết luôn được các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể, các nhà hảo tâm thăm động viên và chia sẻ giúp chúng tôi có thêm động lực điều trị và tuyên truyền mọi người cùng tham gia phòng, chống HIV/AIDS. Xây dựng cộng đồng người nhiễm HIV tự tin, lạc quan, kiên trì với hành trình chống lại căn bệnh HIV/AIDS, sống khỏe, sống có ích.
Bác sĩ Lê Phúc, phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho rằng, Trong các kết quả của công tác phòng, chống HIV/AIDS, ngoài sự tham gia của các tổ chức chính trị, ngành y tế, các tổ chức xã hội thì việc tuân thủ chế độ điều trị, mạnh dạn tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của chính những người nhiễm HIV/AIDS đã góp phần mang lại những kết quả tốt hơn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS hiện nay.
Hồng Vân
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác