29/03/2024 03:32
Trước tình hình bệnh dại ở động vật trong cả nước đang diễn biến rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Ngành y tế tỉnh Đắk Lắk đang tập trung triển khai nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh dại và không để phát sinh người tử vong vì bệnh dại.
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh. Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền vi rút dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương (thường là chó, mèo). Trên thế giới hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Người đã bị bệnh dại gần như tử vong 100%.
Báo cáo của Sở Y tế Đắk Lắk cho biết, trung bình mỗi năm, toàn tỉnh có khoảng 5 trường hợp tử vong do bệnh dại trên người và khoảng 6.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng. Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 27 trường hợp tử vong do bệnh dại. Chỉ riêng 2 tháng đầu năm 2024, số ca tử vong do bệnh dại tại Đắk Lắk là 4 trường hợp. Các trường hợp tử vong do không được tiêm vắcxin khi bị chó, mèo cắn. Thực trạng này đòi hỏi các ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần tập trung thực hiện đồng thời các biện pháp điều tra, xử lý ổ dịch dại trên người và trên đàn chó, mèo. Đồng thời tăng cường công tác tiêm vaccine phòng dại cho người bị chó, mèo cắn; duy trì các điểm tiêm vaccine dại đảm bảo đủ mỗi huyện có ít nhất một điểm tiêm để tăng độ bao phủ và khả năng tiếp cận điều trị dự phòng bệnh dại cho người dân.
Mới đây, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến liên ngành giữa Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024, bác sĩ Hoàng Nguyên Duy, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho rằng: nguyên nhân trực tiếp gây tử vong do bệnh dại trên người chủ yếu là do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng vaccine. Nguyên nhân gián tiếp là do tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại trên đàn chó, mèo còn thấp; công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo. Trong tổng số 27 trường hợp tử vong do bệnh dại ở Đắk Lắk đều không được tiêm vắcxin dại/huyết thanh kháng dại.
|
Bác sĩ Hoàng Nguyên Duy, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại Hội nghị trực tuyến liên ngành giữa Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.(ảnh: Bảo Trọng).
|
Cũng theo dự báo của bác sĩ Hoàng Nguyên Duy, trong thời gian tới, tình hình bệnh dại trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có chiều hướng diễn biến phức tạp do thời tiết đang trong giai đoạn nắng nóng cao điểm, phù hợp cho sự phát triển của vi rút dại trên động vật; số người phơi nhiễm với vi rút dại đang có nguy cơ tăng cao, đa số là những người ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn không có điều kiện đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại; tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh dại trên vật nuôi còn thấp.(Hằng năm tỷ lệ tiêm phòng dại cho chó, mèo chỉ đạt khoảng từ 28,95 đến 37,71% so với tổng đàn chó, mèo trong toàn tỉnh).
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, để phòng, chống bệnh dại và giảm nguy cơ lây bệnh từ động vật sang người, việc tiêm phòng cho vật nuôi là biện pháp cần thiết và hữu hiệu nhất. Hiện nay, toàn tỉnh Đắk Lắk có 02 điểm tiêm phòng dại tuyến tỉnh; 01 điểm tiêm tuyến huyện và 25 điểm tiêm tư nhân.
Bệnh dại có thể xuất hiện quanh năm trên động vật và lây truyền sang người qua vết thương hở. Đặc biệt, trời nắng nóng là môi trường thuận lợi để bệnh dại bùng phát mạnh nhất. Thời gian ủ bệnh dại thông thường từ 1 - 3 tháng, tùy thuộc vào tình trạng nặng, nhẹ, vị trí của vết cắn có liên quan đến nhiều dây thần kinh và có gần não hay không. Nhưng khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong gần như 100%.
|
Thói quen thả rông chó mèo tiềm ẩn nguy cơ phát sinh bệnh dại.(ảnh: Bảo Trọng).
|
Vì vậy, Ngành Y tế khuyến cao người dân cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm. Không thả rông chó, mèo. Chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo. Tiêm phòng dại, không thả rông chó mèo. Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch. Sau đó, tiếp tục rửa vết thương bằng cồn. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại ./.
Bảo Trọng
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác