26/12/2023 04:47
Đối với các bệnh nhân HIV, việc đưa thuốc ARV vào danh mục thuốc được bảo hiểm chi trả được xem là chính sách nhân văn của Nhà nước, nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho người nhiễm HIV giảm gánh nặng khi điều trị và chữa bệnh. Hiểu được những giá trị đó, thời gian qua, Khoa Phòng chống HIV/AIDS của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk đã nỗ lực không ngừng nhằm bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người nhiễm HIV trên địa bàn.
Theo báo cáo của Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, tính đến nay toàn tỉnh đang điều trị cho 762 bệnh nhân HIV/AIDS. Những năm trước, phần lớn thuốc điều trị cho người nhiễm HIV được hỗ trợ bởi các tổ chức Quốc tế và nguồn hỗ trợ này đã kết thúc vào năm 2018. Vì vậy, có thể nói, BHYT đối với người nhiễm HIV là hết sức quan trọng, vì bệnh nhân phải dùng thuốc ARV liên tục, suốt đời. Nếu không có BHYT thì việc chi trả chi phí sẽ trở thành gánh nặng mà các bệnh nhân không thể chi trả nổi. Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Vinh - Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, cho biết, theo ước tính, nếu 1 bệnh nhân HIV tham gia BHYT và được điều trị thuốc ARV thì trung bình mỗi năm, BHYT sẽ chi trả khoảng 6-13 triệu đồng/người cho tiền thuốc ARV và các chi phí xét nghiệm, thuốc nhiễm trùng cơ hội. Nếu không có thẻ BHYT, người nhiễm HIV sẽ phải bỏ ra một số tiền khá lớn để được điều trị. Hiểu được giá trị của việc tham gia BHYT, những năm qua, bằng nhiều hình thức tư vấn, tuyên truyền, Khoa Phòng, chống HIV/AIDS của CDC đã nỗ lực để các bệnh nhân hiểu được tầm quan trọng của BHYT và qua đó, đã tích cực vận động người bệnh tham gia BHYT. Nhờ đó mà trong 762 bệnh nhân đang điều trị, đã có tới 701 bệnh nhân có BHYT, gần 60 phạm nhân mắc HIV hiện đang điều trị, quản lý tại các trại giam của tỉnh và chỉ có 3 bệnh nhân là chưa tham gia BHYT. Như vậy, số bệnh nhân tham gia BHYT toàn tỉnh đạt 99%.
|
Thuốc ARV được BHYT thanh toán, các bệnh nhân mắc HIV nên tham gia BHYT để được đảm bảo quyền lợi của mình. (ảnh: Đình Thi).
|
Việc khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân HIV được thực hiện theo đúng hướng dẫn của Thông tư 15/2015/TT-BYT về Hướng dẫn thực hiện khám chữa bệnh BHYT đối với người nhiễm HIV và người sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV và Quyết định 2188/QĐ-TTg ngày 15/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thanh toán thuốc kháng vi rút HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ khám bệnh, chữa bệnh BHYT và hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng vi rút HIV. Theo đó, người tham gia BHYT nhiễm HIV và người tham gia BHYT khi sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS được quỹ BHYT chi trả: Thuốc (bao gồm cả thuốc ARV), hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT; xét nghiệm HIV đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai và khi sinh con theo yêu cầu chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh nếu không được các nguồn kinh phí khác chi trả; kỹ thuật đình chỉ thai nghén ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV; khám bệnh, xét nghiệm HIV, thuốc ARV và các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS khác đối với trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV; xét nghiệm HIV theo yêu cầu chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh (trừ chi phí xét nghiệm HIV đối với người hiến bộ phận cơ thể người, người cho tinh trùng, noãn); xét nghiệm HIV, điều trị bằng thuốc kháng HIV đối với người phơi nhiễm với HIV, người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro (trừ các trường hợp tai nạn rủi ro nghề nghiệp đã được ngân sách Nhà nước chi trả); điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội.
Tới khám và nhận thuốc ARV tại Khoa Phòng chống HIV/AIDS -Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, bệnh nhân H.M.T (trú tại huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk), chia sẻ: Tôi phát hiện mắc HIV khi sinh con tại bệnh viện. Lúc đó kinh tế đang khó khăn, sinh con còn biết bản thân mắc HIV khiến tôi hoang mang, lo lắng vô cùng. Rất may có các bác sĩ tư vấn kịp thời, nhờ sử dụng thường xuyên thuốc ARV mà sức khỏe của tôi và con đều tốt. Sau khi biết lợi ích của việc tham gia BHYT để được điều trị bằng thuốc ARV, năm nào tôi cũng đăng ký mua BHYT để đảm bảo quyền lợi của mình. Nếu không có BHYT hỗ trợ thì các bệnh nhân HIV có hoàn cảnh kinh tế khó khăn như tôi chắc không thể duy trì uống thuốc ARV liên tục được.
|
Bệnh nhân HIV nhận thuốc ARV tại Khoa phòng, chống HIV/AIDS Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. (ảnh: Đình Thi).
|
Tuy nhiên, theo bác sĩ Vinh, để đạt được mục tiêu 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do còn có nhiều người bệnh không đủ sức lao động, kinh tế khó khăn không có tiền mua thẻ BHYT. Bên cạnh đó, cũng có không ít bệnh nhân sợ lộ thông tin cá nhân, sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử nên họ không tham gia BHYT. Lúc này, bệnh nhân phải bỏ tự bỏ tiền mua thuốc ARV sẽ khiến bệnh nhân bỏ điều trị dẫn đến kháng thuốc. Điều này sẽ dẫn đến các hệ lụy hết sức nguy hiểm cho cộng đồng và xã hội bởi sẽ xuất hiện các chủng kháng thuốc. Khi đó, công tác điều trị sẽ vô cùng khó khăn và tốn kém gấp nhiều lần.
Để tiến tới mục tiêu 100% bệnh nhân HIV đều tham gia BHYT, trong thời gian tới, Khoa Phòng chống HIV/AIDS sẽ tiếp tục công tác tuyên truyền về ý nghĩa của việc tham gia BHYT để người nhiễm HIV hiểu được lợi ích của BHYT, đồng thời thực hiện tốt công tác tư vấn xét nghiệm, quản lý giám sát người nhiễm HIV trên địa bàn để đảm bảo 100% người nhiễm HIV được điều trị ARV và được thanh toán qua nguồn BHYT.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác