18/04/2024 03:34
Thời tiết nắng, nóng, nhiệt độ tăng cao ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, đặc biệt người già và trẻ em có sức đề kháng yếu. Vì vậy cần phải có chế độ chăm sóc, dinh dưỡng hợp lý để phòng, chống những bệnh thường xuất hiện vào mùa nắng nóng ở người già và trẻ em.
Tại Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên: Những ngày gần đây, có ngày khoa khám cho trên 600 trường hợp, trong đó có khoảng 100 bệnh nhân phải nhập viện điều trị trong tình trạng say nắng, mất nước, rối loạn điện giải, sốc nhiệt, ngộ độc thực phẩm, nặng hơn là các trường hợp bị đột quỵ.
Cách đây vài ngày, bà V.T.L, 70 tuổi ở huyện Buôn Đôn xuất hiện những con đau nhức, khó thở nên phải nhập viện để điều trị. Do bản thân đang mắc nhiều căn bệnh nguy hiểm nên bà L rất lo lắng, trong đó có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. “Mỗi khi thời tiết thay đổi tôi cảm thấy rất khó thở và tức ngực. Những lần trước do chủ quan, tự mua thuốc về uống nên bệnh cứ dai dẳng, không dứt điểm. Lần này, khi cảm thấy cơ thể không ổn, tôi nhập viện để các bác sĩ điều trị sớm, có như vậy tôi mới an tâm”, bà L chia sẻ.
|
Nắng nóng làm gia tăng số lượt bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để khám và điều trị. (ảnh: Bảo Trọng)
|
Theo bác sĩ Y Sa Muel Bkrông - Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên: Người già là đối tượng có sức đề kháng kém, dễ xảy ra các vấn đề về sức khỏe do thời tiết nắng nóng. Bởi thời tiết nắng nóng sẽ vô cùng nguy hiểm với người cao tuổi bị các bệnh lý mãn tính về tim mạch, hô hấp. Nguy cơ bị tai biến khi thay đổi nhiệt độ đột ngột giữa ngoài trời và trong phòng điều hòa là rất cao. Ngoài ra, do nắng nóng, ở trong phòng điều hòa nhiều dễ dẫn đến khô đường hô hấp, viêm phổi. Đặc biệt là những người bị phổi tắc nghẽn mãn tính hoặc bị hen thì sẽ có nguy cơ bị đợt cấp, nếu lên cơn ác tính sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Có một thói quen xấu với người cao tuổi nói chung, người dân nói riêng khi trời nắng nóng đó là sử dụng nước ngọt, nước có gas để giải nhiệt. Điều này sẽ rất có hại cho sức khỏe nói chung, nhất là đối với bệnh nhân tiểu đường. Ngoài ra, nhiệt độ tăng đột ngột gây ra sự chênh lệch nhiệt độ giữa cơ thể và môi trường khiến cho cơ thể dễ bị sốc nhiệt. Nắng nóng còn khiến cho tình trạng bệnh của bệnh nhân có thể nặng thêm, dẫn đến nhập viện nếu có các bệnh lý nền, mạn tính, như: tim mạch, cao huyết áp…Bởi nắng nóng khiến người cao tuổi dễ ra mồ hôi, nếu không uống đủ nước hoặc ăn ít rau, canh thì cơ thể sẽ bị mất nước và chất điện giải, điều này ảnh hưởng rất lớn đến hệ tim mạch, như tim đập nhanh hơn, huyết áp có thể bị tụt…hoặc cũng có thể gây nên đột quỵ. Còn đối với trẻ nhỏ, nắng nóng rất dễ mắc bệnh tiêu chảy hoặc ngộ độc thức ăn. Nguyên nhân là thời tiết nắng nóng, thức ăn dễ bị ôi thiu, môi trường ô nhiễm làm phát tán mầm bệnh tiêu chảy. Mặt khác, trẻ nhỏ khi khát nước thường uống nước ngọt hoặc những loại nước bán vỉa hè, không đảm bảo vệ sinh. Bên cạnh đó, trẻ dễ bị nhiễm siêu vi dẫn đến việc trẻ bị sốt, phát ban, quấy khóc, nôn ói, ăn uống khó khăn…Một số bệnh lý khác khiến trẻ dễ mắc phải là viêm não Nhật bản, viêm màng não, thuỷ đậu, tay chân miệng…đây là những bệnh thường xuất hiện vào mùa hè hoặc thời tiết nắng nóng. Có nhiều trường hợp bị biến chứng nặng, biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
|
Người già là đối tượng có sức đề kháng kém, dễ xảy ra các vấn đề về sức khỏe do thời tiết nắng nóng. (ảnh: Bảo Trọng)
|
Bác sĩ Y Sa Muel Bkrông khuyến cáo: Trong thời điểm nhiệt độ tăng cao, nắng nóng như hiện nay thì người dân, nhất là người già và trẻ em cần hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang chống nóng. Cần uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol… Tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng. Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp, không để gió quạt thổi trực tiếp vào người. Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Đối với người già, khi xuất hiện các triệu chứng cần được khám, điều trị theo phác đồ bác sĩ, không nên tự ý sử dụng thuốc. Với những người mắc bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường... cần tuân thủ việc dùng thuốc, kiểm soát huyết áp, đường huyết theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Đối với trẻ em, phụ huynh cần tuân thủ lịch tiêm chủng, đặc biệt đối với những bệnh có vắc xin tiêm ngừa, phụ huynh cần chú ý cho trẻ tiêm theo lịch, đúng chỉ định để tăng cường khả năng phòng bệnh. Ngoài các biện pháp phòng bệnh cơ bản, cha mẹ nên chú ý nâng cao sức đề kháng cho trẻ thông qua tăng cường dinh dưỡng, có chế độ sinh hoạt, tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý, khoa học. Khi trẻ bệnh cần đưa đi thăm khám ở bác sĩ chuyên khoa, tránh tự điều trị theo kinh nghiệm của người lớn sẽ ảnh hưởng đến phát triển thể chất của trẻ./.
Mỹ Hạnh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác