23/04/2024 08:22
Chỉ mới vào đầu hè 2024 nhưng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã liên tiếp ghi nhận các trường hợp đuối nước thương tâm, nạn nhân thường là trẻ nhỏ. Đây là đang là hồi chuông cảnh báo về tình trạng đuối nước ở trẻ em trong dịp hè bởi hiện nay, người dân, nhất là trẻ em có xu hướng tìm đến biển, sông, suối, ao hồ để bơi, tắm trong những ngày nắng nóng nên nguy cơ đuối nước cũng gia tăng.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có trên 500.000 trẻ em (chiếm 26,7%) dân số. Thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho thấy, giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh có 216 trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích, trong đó 181 trẻ bị tử vong do tai nạn đuối nước (chiếm 83,7%). Từ đầu năm 2024 đến nay, địa phương ghi nhận 9 trường hợp tử vong do tai nạn đuối nước, đa số nạn nhân tử vong là trẻ em… Điển hình là vụ việc mới đây vào ngày 22/4, trên địa bàn xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) đã xảy ra vụ đuối nước khiến 3 em học sinh tử vong. Theo ông Nguyễn Kim May - Chủ tịch UBND xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, các học sinh tử vong đang học lớp 3 và lớp 4 tại Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh. Vào khoảng 11 giờ 30 phút ngày 22/4, một nhóm 5 học sinh tan học đi về nhà. Khi đi ngang qua hồ Việt Đức 4, có 3 học sinh đã xuống hồ tắm. Trong lúc vui đùa, không may cả 3 em đều trượt chân xuống vũng nước sâu và chết đuối thương tâm. Một lúc sau, có một em nhỏ đi qua khu vực trên, phát hiện vụ việc và báo cho người lớn. Ngay sau đó, người dân đã tập trung vớt các em học sinh và đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng cả 3 học sinh đã tử vong.
|
Phụ huynh nên cho trẻ học bơi để phòng đuối nước ở trẻ.
|
Theo bác sĩ CK II Hoàng Ngọc Anh Tuấn – Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu Nhi – Nhi Sơ sinh Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, hằng năm vào mùa hè số trường hợp trẻ tử vong do ngạt nước thường gia tăng. Nguyên nhân của các vụ đuối nước mà nạn nhân chủ yếu là các em học sinh, đó là do các em chưa có nhận thức và không có khả năng chủ động đảm bảo an toàn khi tiếp xúc với môi trường nước. Trẻ thường có bản tính hiếu động, tò mò, thích khám phá, có các hành vi liều lĩnh, thích thể hiện bản thân; thiếu kiến thức, kỹ năng để đánh giá, nhận định các nguy cơ nguy hiểm có thể xảy ra đuối nước tại các môi trường như sông, hồ, ao, suối,… Nhiều trẻ em biết bơi, thậm chí bơi giỏi nhưng vẫn bị tử vong do đuối nước là do các em thiếu kiến thức, kỹ năng chủ động phòng tránh, không biết kỹ năng tự cứu và cứu đuối an toàn. Bên cạnh đó, môi trường sống xung quanh cũng luôn luôn có những yếu tố nguy cơ rình rập gây nên tai nạn đuối nước cho trẻ em như chậu nước, chum vại, bể nước, giếng nước,… không có nắp đậy an toàn; sông, hồ, suối, ao nước… không được rào chắn và có biển báo nguy hiểm. Ngoài ra, còn có một nguyên nhân nữa là do bố mẹ, người chăm trẻ và trẻ còn chủ quan thiếu sự giám sát đối với trẻ, chưa biết nguyên tắc an toàn với môi trường nước, chưa biết bơi, chưa có kinh nghiệm cứu đuối nước và sơ cấp cứu…
Bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn cho biết, khi trẻ đuối nước, trẻ sẽ bị nước xâm nhập vào đường thở làm trẻ khó thở, 90% trẻ ngạt nước có hít nước vào phổi gây tình trạng phù phổi, suy hô hấp khiến trẻ bị phù não, tăng áp lực nội sọ, ngừng tim khiến trẻ tử vong. Do đó, khi phát hiện có trẻ đuối nước, người dân cần thực hiện đúng các thao tác cấp cứu ban đầu cho trẻ. Cụ thể, sau khi vớt trẻ ra khỏi mặt nước, không nên bế ngược trẻ chạy lòng vòng để xóc nước ra khỏi cơ thể trẻ mà cần lập tức tiến hành hà hơi, thổi ngạt, ấn tim. Nếu trẻ có vấn đề chấn thương nhất là về cột sống cổ, cần cố định cột sống cổ và nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Trường hợp trẻ có biểu hiện tím tái, suy hô hấp, ngừng thở, hôn mê thì nên đưa trẻ tới các bệnh viện để được cấp cứu kịp thời. Đặc biệt, khi phát hiện thấy người bị rơi ngã xuống nước, cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân. Tuyệt đối không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu mình không biết bơi và không biết cách cứu đuối nước vì bản thân mình cũng có thể bị đuối nước.
Thời tiết ở Đắk Lắk đang bước vào mùa nắng nóng, để bảo đảm an toàn, phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em khuyến cáo người dân một số biện pháp bảo đảm an toàn như sau:
+ Mỗi gia đình phải chủ động trong việc cho các em học kỹ năng bơi, ngay từ khi còn nhỏ, nhất là các em sinh sống gần các khu vực ao, hồ, sông, suối.
+ Quản lý chặt chẽ các em trong sinh hoạt, nhắc nhở không để các em tự ý chơi tại các khu vực ao, hồ, sông suối có mực nước lớn, trơn trượt. Không cho các em tự ý đi tắm tại các khu vực không có người lớn trông coi, khu vực ao, hồ, sông suối có mực nước sâu, nguy hiểm.
+ Che chắn các vị trí nguy hiểm, trơn trượt, dễ dẫn tới té ngã, bố trí các biển cấm, biển cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực giếng, ao, hồ, sông suối để phòng tránh tai nạn đuối nước xảy ra.
+ Khi tổ chức cho các em đi du lịch đi chơi tại các khu vực có nước cũng phải chú ý trông coi, nhất là các em nhỏ, chưa biết bơi.
+ Chú ý nhắc nhở đối với các trẻ đã biết bơi: Không bơi khi trời đã tối, có sấm chớp, mưa; phải khởi động trước khi xuống nước; không ăn uống khi đang bơi để tránh sặc nước…
Tai nạn đuối nước vẫn là nguy cơ hàng đầu dẫn đến tử vong cho trẻ em, nhất là trong những ngày hè. Do đó, để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra và hạn chế thấp nhất tử vong do đuối nước, rất cần sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các ngành chức năng, các đoàn thể xã hội, gia đình và nhà trường nhằm xây dựng môi trường an toàn cho trẻ.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác