16/11/2023 02:33
Hiện nay, thời tiết Tây Nguyên thay đổi chuyển từ nóng sang lạnh là nguyên nhân gây ra tăng các bệnh về đường hô hấp, trong đó có viêm đường hô hấp trên.
Viêm đường hô hấp trên là tình trạng viêm nhiễm ở các bộ phận thuộc đường hô hấp trên bao gồm: mũi, hầu, họng, xoang, thanh quản. Đường hô hấp trên có nhiệm vụ dẫn không khí từ môi trường bên ngoài cơ thể, sưởi ấm, làm ẩm, thanh lọc và sau đó đưa không khí đến phổi để thực hiện quá trình hô hấp, trao đổi khí. Là các cơ quan tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài nên chúng rất dễ bị tấn công từ các tác nhân gây bệnh như vi rút, vi khuẩn… Viêm đường hô hấp trên thường xảy ra ở trẻ em, người có hệ miễn dịch suy yếu… Viêm đường hô hấp trên nếu không được chăm sóc và điều trị sớm, đúng cách có thể gây ra những biến chứng.
Trường hợp của cháu T.T.N, 8 tuổi trú tại phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột đến khám tại phòng khám Nhi, BVĐK TP Buôn Ma Thuột trong tình trạng sốt cao đã 2 ngày, đau họng, cơ thể mệt mỏi. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán cháu N bị viêm đường hô hấp trên.
|
Vệ sinh mũi, họng cho trẻ hàng ngày để phòng bệnh.
|
Hay trường hợp của cháu Đ.A.N, 20 tháng tuổi trú tại phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột với biểu hiện chảy nước mũi, ho, sốt, người nhà đưa đến khám tại phòng khám Nhi, BVĐK TP Buôn Ma Thuột cũng được bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm đường hô hấp trên.
Theo bác sĩ Lâm Mỹ Linh, phòng khám Nhi, BVĐK TP Buôn Ma Thuột, nguyên nhân của viêm đường hô hấp trên đa số là do vi rút, một số ít là do vi khuẩn. Mặc dù nguyên nhân gây viêm đường hô hấp trên là do vi rút nhưng đối với một số trường hợp vẫn có thể gây bội nhiễm phải dùng đến kháng sinh và có thể gây bệnh nặng hơn như ảnh hưởng đến đường hô hấp dưới bao gồm viêm phế quản, viêm phổi.
Theo các bác sĩ chuyên khoa: Một số biểu hiện khi trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp trên như chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau họng, ho, sốt. Trẻ có thể kèm theo các biểu hiện như khó thở, khàn tiếng, biếng ăn, nôn, rối loạn tiêu hóa.
Việc điều trị bệnh viêm đường hô hấp trên chủ yếu điều trị các triệu chứng của bệnh: viêm mũi, họng nguyên nhân do vi rút nên cần vệ sinh sạch sẽ mũi miệng cho trẻ bằng dung dịch vệ sinh có chưa muối đồng, muối kẽm làm tăng tính sát khuẩn khoang mũi, họng. Nếu trẻ có kèm theo các biểu hiện ho, sốt bác sĩ sẽ kê đơn cho trẻ phù hợp. Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn, đảm bảo ngủ đủ giấc để có thể được thoải mái, có thời gian tự hồi phục. Cho trẻ uống nhiều nước để bù lại nước và điện giải bị mất đi do bệnh. Ngoài ra, nếu bệnh xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn bác sĩ sẽ cho trẻ dùng thêm kháng sinh và một số loại thuốc với liều lượng phù hợp để điều trị bệnh dứt điểm, ngăn ngừa nguy cơ xuất hiện biến chứng.
|
Vệ sinh mũi, họng cho trẻ hàng ngày để phòng bệnh.
|
Để phòng nhiễm khuẩn đường hô hấp trên bác sĩ Mỹ Linh cũng khuyến cáo:
Tiêm chủng cho trẻ đầy đủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Đối với việc phòng bệnh viêm đường hô hấp trên cần tiêm đầy đủ vắc xin 5 trong 1, 6 trong 1, vắc xin phòng phế cầu.
Bên cạnh đó, cần giữ ấm cơ thể cho trẻ, đặc biệt là ở vùng cổ, ngực, lưng, bàn chân, nhất là khi đưa trẻ đi chơi ngoài trời vào buổi tối hoặc sáng sớm. Đeo khẩu trang khi ra ngoài trời lạnh, nơi đông người.
Thường xuyên vệ sinh mũi miệng cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý. Nơi ở phải đảm bảo sạch sẽ, thoáng đãng và vệ sinh hàng ngày để không khí lưu thông tốt.
Ngoài ra, để phòng tránh các bệnh lý đường hô hấp trên khi giao mùa, cần đảm bảo chế độ ăn uống cho trẻ như cung cấp đủ các nhóm chất bột, đường, đạm và vitamin. Bổ sung cho trẻ những thực phẩm có chứa lysine, kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng giúp cho cơ thể có thể chống đỡ bệnh tật.
Khi trẻ có các bệnh lý về mũi - họng cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám, tránh những biến chứng xuống đường hô hấp dưới.
Hồng Vân
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác