20/11/2023 04:51
U tủy sống là tình trạng xuất hiện những khối u nằm trong tủy sống. Khi những khối u này phát triển to lên, chúng có thể chèn ép vào các dây thần kinh và gây liệt chi, ảnh hưởng đến chức năng vận động cũng như cuộc sống của người bệnh.
Theo bác sĩ CK2 Huỳnh Như Đồng, Trưởng Khoa ngoại thần kinh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên: U tủy sống là một bệnh thường gặp và u tủy có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trong ống sống, như: cổ, ngực, thắt lưng. U tủy sống là một bệnh lý có triệu chứng khởi phát không rõ ràng, thường tiến triển chậm có thể sau vài năm mới khởi phát những triệu chứng nghiêm trọng, nên dễ dàng bị bỏ qua những dấu hiệu trong giai đoạn đầu. Ở giai đoạn đầu phát bệnh, phần lớn bệnh nhân chỉ xuất hiện một số triệu chứng tại chỗ và một số triệu chứng của rễ thần kinh. Người bệnh thường có biểu hiện đau buốt từng cơn chứ không đau dữ dội. Những cơn đau sẽ lan rộng theo đường dây thần kinh bị khối u chèn ép lên khiến người bệnh có cảm giác tê hay yếu cơ. Ở giai đoạn sau, tình trạng bệnh ngày càng tiến triển và khối u tại tủy sống có thể đã phát triển to lên nhiều, đồng thời chèn ép một nửa tủy, có thể đẩy tủy sống sang một bên khiến người bệnh có thể bị liệt một bên người và mất cảm giác khi tiếp xúc với môi trường nóng lạnh. Ở giai đoạn này bệnh tiến triển nhanh và chuyển sang giai đoạn toàn phát, bệnh nhân có thể gặp phải những triệu chứng rối loạn ở cả hai bên cơ thể, gây rối loạn cảm giác, rối loạn vận động, bí tiểu, tiểu khó hoặc táo bón…
|
Bác sĩ thăm khám và hướng dẫn các phương pháp phục hồi sau phẫu thuật u tuỷ sống.(ảnh: Quang Nhật)
|
Cũng theo bác sĩ Đồng, u tủy sống dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý vùng cột sống, thắt lưng, ngực, đặc biệt là những bệnh thoái hóa thường gặp. Đa số u tủy sống giai đoạn đầu thường bắt đầu với các triệu chứng, như: đau lưng, tê bì chân tay…khiến người bệnh chủ quan. Do đó, phần lớn người bệnh khi đến bệnh viện thăm khám thì khối u đã phát triển lớn, chèn ép vùng tủy và các dây thần kinh, nguy cơ gây liệt chi thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Từ đầu năm 2023 đến nay, Khoa ngoại thần kinh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã phẫu thuật cắt bỏ khối u tủy sống cho 2 trường hợp. Những trường hợp này đều đến bệnh viện khi tình trạng bệnh đã quá nặng và trước đó đã đi nhiều nơi để điều trị bằng phương pháp châm cứu, uống thuốc nam, thuốc bắc …điều này khiến trì hoãn thời gian phát hiện bệnh sớm.
Trường hợp bệnh nhân T.T.Q, 48 tuổi (xã Tâm Thắng, huyện Cư Jut, tỉnh Đăk Nông) vừa được Khoa ngoại thần kinh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên phẫu thuật cắt bỏ khối u tủy sống đốt L1-L2, u bao sợi thần kinh có kích thước 1 x 2mm. Chị Q. chia sẻ: “Khoảng một năm trước tôi thường xuyên bị đau lưng, tê bì bên chân phải, đi lại khó khăn. Sau đó tôi có đi chụp phim nhưng không phát hiện bị bệnh gì mà cứ nghĩ bản thân bị các bệnh về xương khớp. Tôi đã đi chữa nhiều nơi, uống nhiều loại thuốc nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Gần đây, cơn đau xuất hiện nhiều và dữ dội hơn ở vùng lưng khiến tôi không thể ngồi, nằm được, đi tiểu rất khó khăn nên tôi đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để khám và được làm các xét nghiệm cận lâm sàng. Kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) các bác sĩ phát hiện khối u tủy sống L1-L2 và được chỉ định phẫu thuật bằng kính vi phẫu. Và chỉ một ngày sau phẫu thuật, tôi cảm thấy sức khỏe hồi phục nhanh chóng, ăn uống bình thường và hai chân bớt tê bì, cơ lực cải thiện rõ rệt, đại tiện cũng thuận lợi hơn rất nhiều”.
|
Sức khỏe bệnh nhân T.T.Q đã ổn định, phục hồi tốt sau phẫu thuật cắt bỏ u tủy sống.(ảnh: Quang Nhật)
|
“Để phẫu thuật cắt bỏ u tủy sống cho bệnh nhân Q., với sự hỗ trợ của kính vi phẫu hiện đại, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, ca phẫu thuật thành công. Khối u trong tủy được bóc tách toàn bộ đồng thời bảo vệ an toàn cấu trúc của tủy và các rễ thần kinh quan trọng”, bác sĩ Đồng thông tin thêm.
Giai đoạn phát hiện tính quyết định đối với hiệu quả điều trị bệnh u tủy là càng phát hiện sớm thì cơ hội được điều trị bệnh hiệu quả càng cao. Vì vậy, chúng ta không nên chủ quan với bất cứ sự thay đổi bất thường nào của cơ thể, nếu cơ thể xuất hiện một số biểu hiện nghi ngờ u tủy sống như đau vùng thắt lưng, tê hai chân và hai tay, yếu cơ…nên đi khám sớm để làm các xét nghiệm cận lâm sàng và được chẩn đoán cũng như chữa trị kịp thời, phòng tránh nguy cơ biến chứng.
Trước đây nếu phát hiện bệnh nhân bị u tủy sống, bệnh viện đều chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để phẫu thuật. Tuy nhiên, từ năm 2018, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên được đầu tư hệ thống trang thiết bị máy móc hiện đại, đặc biệt là triển khai kỹ thuật mới trong phẫu thuật u tủy sống bằng kính vi phẫu (Đây là kỹ thuật mới, có nhiều ưu điểm như vị trí vết mổ được phóng đại lên gấp 20 đến 30 lần giúp các bác sĩ dễ dàng nhận thấy các mạch máu thần kinh giúp quá trình phẫu thuật không bị tai biến) cùng đội ngũ y, bác sĩ được đào tạo bài bản, bệnh viện đã phẫu thuật thành công nhiều trường hợp mắc bệnh u tủy sống giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, kéo dài sự sống cho người bệnh. Và nhất là bệnh nhân không phải lên tuyến trên, góp phần giảm chi phí đi lại cũng như nằm viện. /.
Mỹ Hạnh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác