22/11/2023 11:58
Mặc dù thời gian qua công tác tuyên truyền phòng chống bệnh dại đã được đẩy mạnh nhưng thực tế, vẫn còn không ít trường hợp người dân chủ quan không đi tiêm vắc xin, huyết thanh phòng dại sau khi bị chó cắn, mèo cào dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Do đó, người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức trong việc phòng chống bệnh dại.
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, mới đây ngày 18/11, Khoa Nhi Tổng hợp đã tiếp nhận bệnh nhi Đ.D.M (Nam, 6 tuổi, trú tại huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) trong tình trạng sốt, có vết thương sưng, trầy xước tại ngón tay thứ 3 bên phải do bị chó cắn. Được biết, trước đó bệnh nhi bị chó cắn nhưng chưa tiêm phòng vắc xin, đến khi con chó chết và bệnh nhi lên cơn sốt, gia đình mới đưa trẻ nhập viện. Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh – Trưởng khoa Nhi Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, ngay sau khi tiếp nhận trường hợp bệnh nhi, nắm rõ thông tin và lý do trẻ nhập viện, Bệnh viện đã ngay lập tức yêu cầu người nhà đưa trẻ đi tiêm vắc xin và huyết thanh phòng dại cho trẻ. Ngày 20/11, trẻ đã được tiêm huyết thanh. Hiện nay, trẻ đã hạ sốt và đang tiếp tục được theo dõi sát tại Bệnh viện.
|
Chó mèo cần được tiêm phòng định kỳ đầy đủ. (ảnh: Quang Nhật)
|
Thực tế, hàng năm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đều ghi nhận các trường hợp tử vong vì bệnh dại. Cụ thể, năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận 04 trường hợp mắc và tử vong do dại tại TP. Buôn Ma Thuột, huyện Cư M’gar, Krông Pắk, Ea Kar. Năm 2023, tính đến tháng 11 đã ghi nhận 3 trường hợp mắc và tử vong do dại tại huyện Krông Búk và Krông Pắk. Qua đó cho thấy, hiện vẫn còn có người chủ quan với bệnh dại, một căn bệnh gây chết người xuất phát từ vi rút dại truyền từ chó, mèo mang bệnh dại. Bác sĩ Trần Thị Thúy Minh chia sẻ, người dân trên địa bàn nuôi chó, mèo trong nhà khá nhiều, nên rất nhiều trẻ bị chó cắn, mèo cào. Tuy nhiên, khi bị chó cắn, mèo cào, còn không ít phụ huynh chủ quan nên không đưa trẻ đi tiêm phòng vắc xin, đến khi trẻ phát bệnh dại mới đưa nhập viện thì đã quá trễ, bởi bệnh dại khi đã lên cơn hầu như không thể cứu chữa được. Do đó, để tránh hậu quả đang tiếc có thể xảy ra, theo khuyến cáo từ ngành Y tế, khi bị chó, mèo cào cắn cần rửa vết thương ngay với xà phòng và xả dưới với nước sạch chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả nhất để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại. Sau đó, nên cho trẻ đi tiêm vắc xin phòng dại hoặc huyết thanh dại để tránh nguy cơ trẻ mắc bệnh, tuyệt đối không được điều trị bằng các bài thuốc chưa được Bộ Y tế công nhận, cấp phép.
Bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của con vật bị bệnh dại lên vùng da bị tổn thương. Bệnh dại trên người có thể hoàn toàn phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin hay huyết thanh kháng dại. Nếu tiêm ngay lập tức và đúng phác đồ có thể phòng bệnh 100%. Biểu hiện của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% đối với cả người và động vật. Đặc thù của bệnh dại là thời gian ủ bệnh dài và phát hiện bệnh muộn tùy tình trạng vết cắn, thường sau vài tuần, có khi cả năm nên vết thương do chó, mèo cắn, cào đã liền sẹo, thậm chí người ta còn quên mất việc người bệnh từng bị chó, mèo cắn. “Do đó, khuyến cáo các phụ huynh, người chăm sóc trẻ cần quan sát, chú ý trông nom trẻ cẩn thận, không nên cho trẻ chơi chung với chó, mèo nhiều. Nếu là chó mèo của gia đình thì phải bắt buộc tiêm phòng định kỳ đầy đủ. Khi nghi ngờ trẻ có tiếp xúc không an toàn với chó, mèo hoặc bị chó cắn, mèo cào cần đưa trẻ đi tiêm phòng dại ngay”, bác sĩ Minh khuyến cáo.
Theo Cục Chăn nuôi và Thú Y tỉnh Đắk Lắk, đối với bệnh dại, tính từ đầu năm 2023 đến tháng 10, trên địa bàn tỉnh đã phát sinh và tiêu hủy 27 con chó tại 21 hộ tại 6 huyện của tỉnh gồm huyện Cư M’gar, Krông Pắk, TP. Buôn Ma Thuột, huyện Cư Kuin, Krông Bông và thị xã Buôn Hồ. Điều đó cho thấy, vi rút dại lưu hành trên đàn chó khá nhiều. Trong khi đó, người dân vẫn giữ thói quen nuôi chó thả rông, không rọ mõm, không cột xích, dẫn đến không ít trường hợp để chó cắn người. Do đó, để tránh các trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, cẩn trọng trong việc nuôi và tiếp xúc với chó, mèo. Đồng thời, thực hiện tốt các biện pháp: Tiêm phòng cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; vật nuôi phải được xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác