01/12/2023 08:00
Lây truyền từ mẹ sang con là 1 trong 3 đường lây truyền của HIV. Do đó, đối với những phụ nữ mắc HIV, khát khao có được đứa con khỏe mạnh luôn là ước mơ cháy bỏng của những người không may mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Hành trình tìm đến bến bờ hạnh phúc của họ không dễ, bởi họ phải đối mặt với rất nhiều trở ngại của bệnh tật. Vậy nhưng, những năm gần đây, nhờ sự phát triển của y học hiện đại, phụ nữ bị nhiễm HIV hay kể cả những gia đình có cả cha, mẹ nhiễm HIV đã có thể sinh ra con hoàn toàn khỏe mạnh nhờ việc chủ động đến cơ sở y tế để được tư vấn can thiệp dự phòng toàn diện, giúp hạn chế tối đa những nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Theo số liệu thống kê của Khoa phòng chống HIV/AIDS Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, hiện nay tình hình bệnh nhân mắc HIV/AIDS có xu hướng gia tăng, nhất là trong nhóm có quan hệ đồng giới (LGBT), chủ yếu quan hệ đồng giới nam. Tính đến nay toàn tỉnh đang điều trị 763 bệnh nhân. Riêng về phụ nữ mắc HIV mang thai, trung bình mỗi năm toàn tỉnh ghi nhận từ 15-17 bệnh nhân. Trong 3 quý đầu năm 2023, toàn tỉnh có 11 phụ nữ mang thai mắc HIV được phát hiện, quản lý và điều trị dự phòng sớm bằng thuốc kháng vi rút ARV. Và tất cả những trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV đều không mắc bệnh. Theo kết quả của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 100 phụ nữ nhiễm HIV mang thai nếu không được can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV thì sẽ có 30 - 40 trẻ sinh ra bị nhiễm HIV. Còn nếu thai phụ được can thiệp dự phòng sớm, đúng thời điểm, đúng thuốc thì các trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV hoàn toàn khỏe mạnh không bị nhiễm HIV. Điều này đã mang lại rất nhiều hy vọng và niềm vui cho các cặp vợ chồng nhiễm HIV.
Trường hợp chị N.T.B (trú tại huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) mới 22 tuổi, lấy chồng và lần đầu tiên được làm mẹ, đối với chị N.T.B đó là cảm giác hạnh phúc vô bờ bến. Đến ngày chuyển dạ sinh con, chị háo hức chờ đón con gái cất tiếng khóc chào đời. Tuy nhiên, ngày tưởng chừng vỡ òa trong hạnh phúc cũng chính là ngày chị nhận cú sốc lớn trong cuộc đời: Bác sĩ thông báo chị mắc HIV chỉ ít phút trước khi vào sinh con. Nghe tin, chị không dám tin đó là sự thật, không nghĩ bản thân lại mắc căn bệnh HIV. Chị buồn bã, suy sụp vì lo cho con, thương con chưa chào đời đã chẳng may mắc HIV từ mình. Tuy nhiên, nhờ sự tư vấn, động viên của các bác sĩ, vượt lên tất cả nỗi đau, chị cố gắng vượt cạn thành công và chào đón bé gái bụ bẫm, khỏe mạnh. Chị N.T.B, chia sẻ: “Bé của tôi nay đã tròn 6 tháng. Nghĩ lại khoảng thời gian cách đây 6 tháng, khi vừa sinh con vừa biết mình mắc HIV, đó là những cảm xúc không bao giờ quên được trong cuộc đời tôi. Bất ngờ, buồn bã, đau đớn, tức giận, thương mình, thương con, thậm chí trách cả cuộc đời sao lại bất công với tôi đến thế… Tuy nhiên, khi con ra đời và được uống ngay thuốc dự phòng phơi nhiễm HIV, uống liên tục duy trì trong hơn 1 tháng đầu đời sau sinh, may mắn con tôi đã hoàn toàn khỏe mạnh, không bị lây HIV từ tôi. Đối với tôi, đó là một sự may mắn và hạnh phúc vô cùng lớn lao. Nhờ việc con mạnh khỏe mà tôi có điểm tựa và cố gắng vượt qua nỗi đau để sống cho đến ngày hôm nay. Bản thân tôi bây giờ cũng đang đều đặn uống thuốc ARV mỗi ngày để điều trị bệnh. Tôi biết sẽ có không ít trường hợp phụ nữ vô tình mắc HIV như tôi, nhưng mắc bệnh không có nghĩa là cuộc đời chấm hết, chúng ta vẫn mang thai, vẫn sinh con khỏe mạnh và bản thân mình vẫn sống, làm việc như người bình thường, chỉ cần mình tuân thủ điều trị”.
|
Bệnh nhân mắc HIV được bác sĩ Khoa Phòng chống HIV/AIDS Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk tư vấn để có 1 thai kỳ khỏe mạnh, con sinh ra không nhiễm HIV từ mẹ. (ảnh: Đình Thi)
|
Phát hiện mắc HIV cách đây 10 năm trong một lần vô tình đi khám sức khỏe, chị N.T.K (trú tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) cùng chồng rất bất ngờ không biết anh chị lây bệnh từ đâu bởi cả 2 vợ chồng đều rất cẩn thận trong sinh hoạt và cuộc sống hằng ngày. Thời điểm đó, anh chị chưa có con nên nỗi buồn càng tăng gấp bội. Chị N.T.K, tâm sự: “Nghĩ cả 2 vợ chồng đều mắc HIV nên chúng tôi đều tính sẽ không sinh con nữa bởi mình sợ sinh ra, con nhiễm bệnh từ mình thì tội con lắm. Tuy nhiên, sau khi cả 2 vợ chồng điều trị ARV, được các bác sĩ tư vấn nhiệt tình, chúng tôi đã mạnh dạn lên kế hoạch sinh con. Khi biết tin mình mang thai, tôi vừa mừng vừa lo. Mỗi ngày vợ chồng động viên nhau cùng cố gắng uống thuốc đều đặn, bổ sung đầy đủ dưỡng chất để con khỏe mạnh. Trong suốt thai kỳ các bác sĩ khoa Phòng, chống HIV/AIDS chính là điểm tựa tinh thần của vợ chồng tôi. Tất cả những chia sẻ lo lắng, hoang mang đều được các bác sĩ động viên cùng đồng hành. Đến khi con chào đời khỏe mạnh, vợ chồng tôi như được sinh ra thêm lần thứ 2. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ bến. Thấm thoắt 10 năm trôi qua, gia đình tôi đã có 2 con, một cháu 6 tuổi, một cháu vừa tròn 2 tuổi, cả 2 cháu đều thông minh, khỏe mạnh và không mắc HIV như vợ chồng tôi. Đó thật sự là một kỳ tích, là phép màu của gia đình tôi”.
Có thể thấy, lợi ích của chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con rất thiết thực và ý nghĩa. Được triển khai trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk từ năm 2009. Suốt những năm qua, chương trình đã mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho nhiều gia đình người nhiễm HIV/AIDS. Theo bác sĩ CKI Huỳnh Thị Hồng Sinh, Khoa Phòng, chống HIV/AIDS Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, HIV không chỉ gây ra những tác hại về mặt sức khỏe mà còn ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển của thai nhi trong bụng mẹ. Phụ nữ bị nhiễm HIV khi mang thai sẽ có tỷ lệ lây truyền sang con là rất cao (khoảng 30%). Nếu phụ nữ mang thai nhiễm HIV thì sự lây truyền từ mẹ sang con có thể xảy ra khi đang mang thai, giai đoạn chuyển dạ sinh con và thời kỳ cho con bú mẹ. Đối với phụ nữ mang thai không biết mình mắc HIV, bên cạnh các triệu chứng thường thấy giống với các sản phụ bình thường khi mang thai như mệt mỏi, nghén… thì phụ nữ mang thai mắc HIV chưa được tiếp cận thuốc ARV sẽ có dấu hiệu sụt cân và sức khỏe suy giảm nặng nề hơn so với thai phụ bình thường, trẻ sinh ra có thể bị suy dinh dưỡng. Do đó, để khống chế sự lây nhiễm HIV từ mẹ sang con việc phát hiện và can thiệp dự phòng sớm là hết sức quan trọng. Thực tế, tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con sẽ chiếm khoảng 30-40%. Tuy nhiên, nếu các trường hợp mẹ bị nhiễm HIV được chăm sóc dự phòng tốt thì tỷ lệ lây truyền sang con sẽ giảm xuống thậm chí chỉ còn 1%. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, tỷ lệ trẻ em bị lây truyền vi rút HIV sau dự phòng có kết quả âm tính chiếm trên 90%. Chính vì thế, việc trẻ sinh ra có bị lây nhiễm HIV hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào việc điều trị dự phòng ở người mẹ mang thai bị nhiễm vi rút HIV.
|
Bệnh nhân nhiễm HIV được nhận cấp thuốc ARV. (ảnh: Đình Thi)
|
Cũng theo bác sĩ Hồng Sinh, để dự phòng tốt và giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con ở người mẹ mang thai bị nhiễm HIV thì người mẹ cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn, chăm sóc thai sản và theo dõi, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Việc xét nghiệm HIV sớm và điều trị sớm bằng ARV là yếu tố có tính chất quyết định. “Điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc ARV đều an toàn cho cả mẹ và thai nhi. Thuốc ARV không ảnh hưởng đến thai nhi nên trước, trong và sau khi mang thai. Thực tế cho thấy, những trường hợp trẻ sinh ra từ sản phụ mắc HIV được điều trị dự phòng bằng thuốc ARV thời gian qua đều khỏe mạnh, phát triển bình thường”, bác sĩ Sinh chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tối đa trong quá trình điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, thai phụ cần lưu ý tuân thủ điều trị, uống thuốc ARV đẩy đủ đều đặn hằng ngày, uống đúng liều lượng, đúng thời gian và thai phụ cần thường xuyên xét nghiệm tải lượng vi rút trong máu để biết tải lượng vi rút có tăng cao không, hoặc có gặp vấn đề kháng thuốc hay không. Bên cạnh đó, thai phụ cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung đầy đủ dưỡng chất. Đặc biệt cần lưu ý bổ sung thuốc sắt, can xi cách xa thời gian uống thuốc ARV, bởi nếu uống gần nhau, các thuốc này sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc ARV.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác