06/12/2023 02:15
Vừa qua, Ban quản lý Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số” hai huyện: Ea Súp và M’Đrăk đã phối hợp với Ban quản lý Dự án tỉnh và tổ chức Save the Children triển khai diễn tập cấp cứu nhằm tăng cường chuyển tuyến an toàn cho bà mẹ và trẻ sơ sinh tại 4 thôn Đừng Nhạp (xã Ia Lốp); thôn 14 (xã Cư Kbang) huyện Ea Súp, thôn 9 (xã Cư Króa) và thôn Ea Sanh (xã Cư San) huyện M’Đrắk.
Tại huyện M’Đrắk, thôn 9 (xã Cư Króa) và thôn Ea Sanh (xã Cư San) cách trung tâm xã trung bình từ 10 đến 35km, đường sá đi lại rất khó khăn, dân số hầu hết là người dân tộc Hmông di cư tự do từ miền núi phía Bắc vào, đời sống còn nghèo nàn. Đặc biệt, kiến thức về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh còn nhiều hạn chế, quan niệm về chăm sóc sức khỏe còn lạc hậu, vẫn còn tình trạng sinh đẻ tại nhà mà không có sự hỗ trợ từ cán bộ y tế.
Nhận thấy bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh là hai đối tượng dễ gặp phải những vấn đề về sức khỏe, dễ đe dọa đến tính mạng nếu không được sơ cấp cứu ban đầu kịp thời, vì vậy Ban quản lý Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số” tỉnh chọn thôn 9 (xã Cư Króa) và thôn Ea Sanh (xã Cư San) thành lập đội chuyển tuyến an toàn cho bà mẹ và trẻ sơ sinh với mục đích kịp thời hỗ trợ y tế cho những trường hợp bà mẹ, trẻ sơ sinh cần cấp cứu tại thôn, chuyển bệnh nhân đến trạm y tế hoặc các cơ sở y tế khác an toàn.
Theo đó, mỗi đội chuyển tuyến được thành lập gồm có từ 8-9 thành viên, là những người có uy tín, trách nhiệm trong thôn, như: trưởng thôn, phó thôn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, cộng tác viên y tế thôn, cán bộ trạm y tế xã…làm việc trên tinh thần tự nguyện và không có bất kỳ khoản thù lao nào.
|
Diễn tập chuyển tuyến an toàn bà mẹ mang thai có các dấu hiệu nguy hiểm tại thôn 9 (xã Cư Kroá) huyện M'Đrắk.
|
Tại các buổi diễn tập cấp cứu chuyển tuyến, các tình huống giả định được đưa ra là các dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ sơ sinh và bà mẹ đang mang thai, như: trẻ bị sặc sữa, bị sốt cao, trẻ ngừng thở; bà mẹ mang thai bị ngất xỉu, ra máu âm đạo, vỡ ối hoặc phù chân .v.v…Với các tình huống đưa ra, sau khi tiếp nhận thông tin từ gia đình bệnh nhân, các thành viên của đội chuyển tuyến có nhiệm vụ sơ cứu ban đầu, như: đo nhiệt độ bằng nhiệt kế thủy ngân, chườm hạ nhiệt, ủ ấm cho trẻ, xử trí trẻ bị sặc sữa…đồng thời gọi hỗ trợ từ các thành viên khác, sau đó dùng cáng hoặc phương tiện phù hợp vận chuyển bệnh nhân đến trạm y tế nhanh chóng, kịp thời. Tại Trạm Y tế, ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các y, bác sĩ tiến hành cấp cứu, đồng thời gọi điện báo cho tuyến trên về trường hợp vừa tiếp nhận để sẵn sàng ứng cứu nếu có tình huống xấu xảy ra. Anh Sùng Dùng, thành viên đội chuyển tuyến thôn 9, xã Cư Króa, huyện M’Đrắk cho biết: “Tại địa phương tôi sống, nhiều hộ gia đình không chú trọng đến chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh. Khi mang thai và sinh con, nhiều người chọn sinh tại nhà, vì vậy có nhiều rủi ro xảy ra cho mẹ và con, thậm chí tử vong. Vì vậy, Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số” tạo điều kiện thành lập đội chuyển tuyến không chỉ giúp các bà mẹ của thôn nâng cao nhận thức trong chăm sóc sức khỏe, mà còn giúp nhiều trường hợp vượt qua cơn thập tử nhất sinh nhờ sơ cấp cứu cũng như chuyển tuyến kịp thời”.
Tương tự tại huyện Ea Súp, huyện cũng đã thành lập 2 đội chuyển tuyến tại thôn Đừng Nhạp (xã Ia Lốp) và thôn 14 (xã Cư Kbang). Đây là hai thôn xa nhất và cũng cách trở nhất của hai xã. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số trên 90%, đời sống người dân còn nghèo nàn, tồn tại nhiều tập tục lạc hậu, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Những trường hợp đẻ tại nhà dẫn đến tử vong mẹ và trẻ sơ sinh do không được chăm sóc, sơ cứu và chuyển tuyến đúng cách vẫn còn xảy ra. Bác sĩ Nguyễn Viết Hữu, Giám đốc trung tâm Y tế huyện Ea Súp chia sẻ: “Việc thành lập đội chuyển tuyến tại các thôn có giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp thì hoạt động chuyển tuyến tại cộng đồng có ý nghĩa thiết thực, giúp người dân tiếp cận được cơ sở y tế sớm và được điều trị kịp thời. Đây cũng là dịp để đội chuyển tuyến tại cộng đồng nâng cao năng lực xử lý tình huống, nâng cao kỹ năng thực hành, sẵn sàng tiếp nhận và ứng cứu khi có tình huống thực xảy ra tại cộng đồng”.
|
Các thành viên đội chuyển tuyến thôn 14 (xã Cư Kbang) huyện Ea Súp được giảng viên hướng dẫn, ôn lại kiến thức sơ cứu ban đầu cho trẻ sơ sinh có các dấu hiệu nguy hiểm. (ảnh: Quang Nhật)
|
Thông qua hoạt động diễn tập đã giúp cho 4 đội chuyển tuyến của 4 thôn được củng cố thêm các kiến thức về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, đặc biệt là nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm ở bà mẹ trước, trong và sau sinh, các dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ sơ sinh. “Đồng thời đây cũng là dịp để các đội chuyển tuyến phát hiện các thiếu hụt về vận chuyển an toàn cho bà mẹ và trẻ sơ sinh từ thôn đến trạm y tế xã hoặc đến các cơ sở y tế khác; cải thiện các thiếu hụt về vận chuyển an toàn cho bà mẹ và trẻ sơ sinh tại tuyến thôn, buôn và nâng cao kỹ năng, năng lực sơ cấp cứu, chuyển tuyến an toàn cho bà mẹ và trẻ sơ sinh tại tuyến thôn, buôn cho thành viên đội chuyển tuyến địa phương. Kết thúc buổi diễn tập, các thành viên của các đội chuyển tuyến được đánh giá có sự phối kết hợp rất ăn ý, nhịp nhàng, thao tác vận chuyển nhanh nhẹn, thuần thục khi thực hiện các tình huống giả định”, ông Phạm Xuân Thủy, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ, Trung tâm Y tế huyện M’Đrắk thông tin.
Được biết, để đội chuyển tuyến hoạt động có hiệu quả, Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số” tỉnh đã hỗ trợ kinh phí ban đầu cho mỗi đội chuyển tuyến là 5 triệu đồng cùng với trang thiết bị phục vụ công tác chuyển tuyến. Từ ngày thành lập đến nay, tức tháng 9 năm 2022 các đội chuyển tuyến của hai huyện đã chuyển tuyến an toàn đến cơ sở y tế là 23 trường hợp./.
Mỹ Hạnh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác