08/12/2023 03:03
Thời gian gần đây, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên liên tục tiếp nhận điều trị các trường hợp bị rắn cắn, đáng chú ý, do sơ cứu không đúng cách, nhiều bệnh nhân bị hoại tử tay chân, nhiễm trùng máu, gặp các biến chứng khác... Vì vậy, nhận biết rắn độc cắn và sơ cứu ban đầu đúng cách là vô cùng cần thiết.
Chăm sóc chồng đang điều trị tại khoa Hồi sức tích cực và Chống độc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên vì bị rắn cắn, chị Nguyễn Thị Mỹ Linh (xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) vô cùng lo lắng cho sức khỏe của người thân. Hằng năm, cứ đến mùa thu hái cà phê, hai vợ chồng chị Linh lại nhận hái thuê cho các chủ vườn. Như mọi lần, khi đang hái cà phê thì bất chợt chồng chị Linh bị rắn lục xanh đuôi đỏ cắn vào tay. Dù bất ngờ, nhưng biết đây là loài rắn độc, chị Linh gọi những người xung quanh giúp đỡ, garo vết thương, nặn máu ở vị trí rắn cắn và dùng nhựa trái đu đủ xanh để bôi vào vết thương sau đó đưa người bệnh đến trung tâm y tế huyện. Sau khi sơ cứu ban đầu, chồng chị Linh có dấu hiệu hạ hồng cầu, có dấu hiệu đông máu, bệnh chuyển nặng và được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị tích cực.
Sau nhiều ngày nhập viện điều trị do rắn cắn, chị Ngô Thị Thúy Sang (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn chưa hết bàng hoàng vì bị rắn cắn ngay khi đang ở nhà. Chị Sang cho biết, để cải thiện bữa ăn hằng ngày từ nguồn thực phẩm sạch, gia đình chị tận dụng các chậu cây, thùng xốp để trồng rau xanh các loại. Vài ngày trước, trong lúc đang hái rau trước sân nhà, chị phát hiện bị động vật cắn vào tay gây đau nhức nhưng vẫn chưa biết là loại vật nào. Sau khi quan sát kỹ, chị phát hiện mình bị rắn lục xanh đuôi đỏ cắn. Biết đây là loài rắn độc, chị Sang ngay lập tức sơ cứu vết thương. Tuy nhiên, chỉ 5 phút sau, cả cánh tay chuyển từ nhức sang đau buốt, chị được người thân garo vết thương và đưa đến khoa Hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để điều trị. Tại đây, chị Sang được các y bác sĩ cho dùng 4 liều huyết thanh chống độc. Hiện, vùng cánh tay của chị đã có thể cử động nhẹ tuy nhiên vẫn đau nhức, sốt. “Sân nhà tôi rộng rãi, thoáng đãng nên để vài chậu cảnh nhỏ tận dụng trồng rau, tuy nhiên xung quanh nhà có khá nhiều vườn tược, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc rắn độc xuất hiện trong khuôn viên nhà ở và bản thân bị rắn cắn khi đang ở nhà”- chị Sang chia sẻ.
|
Bác sĩ thăm khám bệnh nhân bị rắn cắn đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
|
Theo thống kê của khoa Hồi sức tích cực và Chống độc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, từ tháng 9/2023 đến nay, khoa đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 150 bệnh nhân bị rắn cắn, trong đó, chủ yếu là rắn lục xanh đuôi đỏ. Trung bình mỗi ngày ngày có 2-3 bệnh nhân bị rắn cắn nhập viện, cao điểm có ngày lên đến 5 - 6 ca. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khác nhau như: tổn thương tại vùng bị cắn, hoại tử, phù nề, liệt phải thở máy, rối loạn đông máu, chảy máu… Đáng nói, có nhiều bệnh nhân đến viện trong tình trạng nguy kịch, nhập viện muộn do dùng thuốc nam sơ cứu hoặc sơ cứu theo phương pháp dân gian truyền miệng.
Bác sĩ Đào Thị Minh Hảo - Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên cho biết, khu vực Tây Nguyên nhiều nương rẫy nên vào mùa thu hái cà phê tình trạng bệnh nhân nhập viện do bị rắn cắn, nhất là rắn lục xanh đuôi đỏ gia tăng. Đặc điểm rắn lục xanh đuôi đỏ ban ngày nghỉ, đêm kiếm ăn nên từ chạng vạng tối trở đi là thời điểm người dân thường bị rắn cắn. Cũng tùy vào mức độ cắn của rắn, răng cắm sâu và bơm nọc độc nhiều hay ít sẽ tương ứng với mức độ nặng – nhẹ của bệnh nhân. Các bệnh nhân nhập viện đa phần đều phải dùng huyết thanh, vết thương đã sưng nhiều và lan diện rộng. Khi bị rắn lục xanh đuôi đỏ cắn rất nguy hiểm, sẽ gây rối loạn đông máu và sưng vết thương tại chỗ, khi đó sẽ gây chèn ép tại các mạch máu và gây hoại tử hay còn gọi là hội chứng chèn ép khoang. Khi chèn ép lâu ngày mà không xử trí được bệnh nhân sẽ bị hoại tử. Riêng rối loạn đông máu có thể diễn ra rất nhanh, rối loạn đông máu nặng nề gây xuất huyết nội tạng và nghiêm trọng nhất là xuất huyết não.
Để đề phòng rắn cắn, bác sĩ Đào Thị Minh Hảo khuyến cáo, không phải chỉ ở khu vực nông thôn, nương rẫy mới có rắn, ngay trong khu vực thành thị các loài rắn độc vẫn có thể xuất hiện và cắn gây thương tích. Do đó, người dân không đi đến chỗ có cây cối rập rạp, hạn chế đi vào ban đêm; cần mặc đồ bảo hộ mang ủng, đeo găng tay khi đi nương rẫy, hái cà phê. Đặc biệt, khi bị rắn cắn người bệnh không được đắp các loại lá thuốc dân gian bởi rất có thể sẽ khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn như: rối loạn đông máu, nhiễm trùng vết thương, nhiễm trùng huyết dẫn tới tử vong. Ngay sau khi bị rắn cắn cần tiến hành rửa vết thương bằng nước sạch, nhanh chóng đưa người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác