09/12/2023 10:31
Chẩn đoán bệnh, điều trị cấp cứu vốn là thế mạnh của y học hiện đại, song y học cổ truyền lại rất hữu ích đối với bệnh nhân mắc bệnh mạn tính hoặc bị di chứng do tai biến. Chính vì thế, trong thời đại y học hiện đại phát triển vượt bậc như hiện nay thì y học học cổ truyền vẫn mang lại lợi ích cho người bệnh. Phối hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền một cách phù hợp sẽ mang lại hiệu quả trong điều trị bệnh.
Có thể thấy, ngay từ những ngày đầu đất nước giành độc lập, Bác Hồ đã có những chỉ đạo rất cụ thể và xuyên suốt cho quá trình xây dựng nền y học Việt Nam xã hội chủ nghĩa là “kế thừa, phát huy, phát triển y dược học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại để hình thành nền y học Việt Nam hiện đại, khoa học, dân tộc, đại chúng”. Việt Nam có thể tự hào là một trong những quốc gia tiên phong trong định hướng phát triển y học, y tế khoa học, đại chúng, kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại. Đông y Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong nền văn hóa cộng đồng các dân tộc, gắn liền với kinh nghiệm phòng chữa bệnh có lịch sử lâu đời, có nguồn dược liệu phong phú, phù hợp với điều kiện khí hậu của Việt Nam.
Đông – Tây y phối kết hợp chính là xu thế phát triển tự nhiên và tất yếu của các nền y học trên thế giới. Có thể nói “Đông y – Tây y như hai bàn tay người thầy thuốc”. Vì thế, các thầy thuốc Đông y luôn có cách nhìn người bệnh toàn diện, từ đó có sự điều chỉnh, nâng cao sức đề kháng của cơ thể nhằm khắc phục bệnh tật, phù hợp với yêu cầu phòng và điều trị bệnh lý mạn tính hiện nay.
|
Bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, mắc di chứng liệt người, chữa trị bằng phương pháp y học cổ truyền như châm cứu, xoa bóp… sẽ giúp người bệnh dần phục hồi chức năng. (ảnh: Đình Thi)
|
Thiếu tướng, thầy thuốc nhân dân, tiến sĩ Đỗ Thế Lộc - Phó Chủ tịch thường trực Hội Đông y Việt Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu các bài thuốc dân tộc Việt Nam cho biết, y học hiện đại với nhiều máy móc, trang thiết bị mới có thể chẩn đoán đúng bệnh và điều trị cấp tốc những trường hợp cấp cứu. Trong khi đó, y học cổ truyền có thể giúp phục hồi chức năng cho những trường hợp bị di chứng như tai biến mạch máu não, viêm đau khớp, đái tháo đường, hoặc những bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính. Chính vì vậy mà trong thời đại học phát triển vượt bậc như hiện nay thì y học cổ truyền vẫn mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh. Y học cổ truyền là phương pháp điều trị bệnh theo cách thức được lưu truyền từ xa xưa, có hai phương pháp là dùng thuốc và không dùng thuốc. Dùng thuốc là dùng các loại thảo dược có trong các loại cây cỏ từ thiên nhiên, những dược phẩm Đông y có lợi thế là ít gây phản ứng phụ, bệnh nhân có thể điều trị lâu dài mà hoàn toàn yên tâm, còn không dùng thuốc là xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu, tập dưỡng sinh….
Ông Thái Văn Tân, trú tại xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk bị bệnh đái tháo đường từ nhiều năm nay, biến chứng của bệnh khiến ông bị suy thận, sức khỏe suy yếu, sau một thời gian điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Đắk Lắk, thể trạng của ông được nâng lên thấy rõ.
Còn ông Ông Đào Văn An ở phường Thành Công, thành phố Buôn Ma Thuột bị tai biến mạch máu não, đang điều trị tập phục hồi chức năng tại Bệnh viện y học cổ truyền tỉnh Đắk Lắk, ông vừa uống thuốc tân dược, vừa kết hợp với châm cứu, do đó sức khỏe của ông cũng hồi phục nhanh chóng.
Lợi ích rõ nhất có thể thấy được từ việc điều trị bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền là những bệnh nhân đã qua điều trị bằng y học hiện đại, sau đó có thể điều trị bằng y học cổ truyền sẽ cho hiệu quả rất tốt. Đơn cử như một bệnh nhân sau phẫu thuật có thể mắc chứng bí tiểu, nếu dùng thuốc tân dược không mang lại hiệu quả, thì chỉ cần vài lần châm cứu là có thể trở lại bình thường. Hay trường hợp bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, mắc di chứng liệt người, chữa trị bằng phương pháp y học cổ truyền như châm cứu , xoa bóp… sẽ giúp người bệnh có thể dần phục hồi chức năng. Ngoài ra, những bệnh nhân bị viêm khớp, mất ngủ, suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, rối loạn tiêu hóa, viêm dạ dày, viêm đường hô hấp … điều trị theo phương pháp y học cổ truyền sẽ có tác dụng toàn diện và hầu như không gây phản ứng phụ.
|
Những dược phẩm đông y có lợi thế là ít tác dụng phụ. (ảnh: Đình Thi)
|
Hiện nay, ở tỉnh Đắk Lắk, các Bệnh viện, Trung tâm Y tế tuyến tỉnh và huyện, một số Trạm y tế xã, phường, thị trấn đều có phòng khám và điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền, với chi phí điều trị ít tốn kém cho người bệnh. Không ít bệnh nhân sau một thời gian dài điều trị bằng y học hiện đại không có kết quả, đã chuyển sang áp dụng phương pháp y học cổ truyền để điều trị và cho kết quả khả quan hơn.
Những lợi ích của y học cổ truyền trong điều trị bệnh rất đáng ghi nhận, bên cạnh việc phát triển y khoa hiện đại thì cần phải chú trọng đầu tư cho sự phát triển của y học cổ truyền. Đầu tư đúng và đầy đủ cho y học cổ truyền phát triển song song với những tiến bộ của y khoa hiện đại là chiến lược quan trọng của ngành y tế, hướng đến mục tiêu chăm sóc toàn diện về sức khỏe cho tất cả người dân trong cộng đồng./.
Kim Oanh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác