17/12/2023 10:48
Vảy nến là một bệnh viêm da mạn tính, không lây, liên quan đến yếu tố gen di truyền và hệ miễn dịch của cơ thể. Hiện nay vẫn chưa có phương pháp nào có thể điều trị khỏi hoàn toàn bệnh vảy nến. Mục tiêu chính của điều trị là giảm viêm và kiểm soát tình trạng tăng sinh tế bào da, giúp người bệnh ổn định cuộc sống, ngăn ngừa và hạn chế tối đa các biến chứng do bệnh gây nên.
Theo thống kê, trên thế giới hiện có khoảng 2-5% dân số mắc bệnh. Bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi, người mắc bệnh sẽ bị tổn thương da, điển hình là các mảng viêm, đỏ và có vảy trắng do hiện tượng tăng sinh sừng hóa, ngứa và đau. Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể, từ móng tay, bộ phận sinh dục đến lưng, lòng bàn chân nhưng khu vực thường bị tổn thương nhất là các vùng da xung quanh đầu gối, khuỷu tay, da đầu và thân… Khi mắc bệnh vảy nến, bệnh nhân có thể mắc các bệnh kèm theo như trầm cảm, béo phì, đái tháo đường, viêm khớp vảy nến, tim mạch. Trung bình cứ 3 người bị vảy nến thì có 01 một người bị mắc kèm viêm khớp vảy nến.
Tại khoa khám, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, số lượng bệnh nhân đến khám vảy nến chiếm khoảng 20% số lượng bệnh nhân đến khám ngoại trú tại bệnh viện. Đa số trường hợp đến khám trong tình trạng vảy nến thể mảng, vảy nến mủ và viêm khớp. Có những trường hợp nặng, bệnh nhân phải nhập viện để điều trị tích cực, hỗ trợ chiếu đèn, chiếu tia tử ngoại, UVB và chăm sóc ngoài da. Mặc dù bệnh có những dấu hiện đặc trưng riêng biệt, nhưng vẫn có thể gây nhầm lẫn với một số bệnh da liễu khác như viêm da dị ứng, vảy phấn hồng, nấm da….
|
Khi mắc bệnh vảy nến, bệnh nhân có thể mắc các bệnh kèm theo như trầm cảm, béo phì, đái tháo đường, viêm khớp vảy nến, tim mạch... (ảnh: Đình Thi).
|
Chị Huỳnh Thị Linh 26 tuổi ở huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk bị vảy nến đã 10 năm nay. Lúc đầu, bệnh xuất hiện nốt tròn như vòng xu ở khuỷu tay, chị cứ nghĩ mình bị chàm và mua thuốc bôi mãi không khỏi, sau đó các mảng da bị viêm cứ lan rộng ra kèm theo triệu chứng đau khớp. Chị đi khám tại Viện da liễu trung ương Quy Hòa thì biết mình mắc bệnh vảy nến, đã uống thuốc kết hợp bôi nhưng được thời gian bệnh lại tái phát. Hiện nay, cứ một tháng chị lại đi viện tái khám một lần lấy thuốc uống kết hợp bôi ngoài da để phòng biến chứng.
Trường hợp khác là ông Nguyễn Xuân Tòng trú tại phường Tân Thành, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, suốt 5 năm bị bệnh vảy là từng ấy thời gia ông sống chung với căn bệnh này. Ông Tòng có tiền sử mắc bệnh gút kèm đái tháo đường type 2. Ban đầu, bệnh xuất hiện những mảng gàu trên da đầu rồi lan nhanh xuống hai khuỷu tay và toàn thân khiến ông ngứa ngáy, khó chịu cứ nghĩ là mình bị bệnh viêm da thông thường chứ không biết đến căn bệnh vảy nến là gì. Khi nhập viện thì trong tình trạng các khớp sưng đau, mảng da có mủ, và đỏ toàn thân.
Hầu hết, người bệnh vảy nến chỉ bị ảnh hưởng bởi các mảng nhỏ trên da nhưng một số trường hợp, các mảng vảy nến có thể ngứa hoặc đau. Người bệnh cần xác định đây là bệnh cần điều trị suốt đời. Bên cạnh đó, có những trường hợp bệnh ổn định trong một khoảng thời gian rất dài và không xuất hiện tổn thương vẩy nến thì người bệnh không nhất thiết phải điều trị. Tuy nhiên bệnh nhân vẩy nến cần lưu ý các dấu hiệu tái phát để điều trị sớm và thăm khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.
|
Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể, từ móng tay, bộ phận sinh dục đến lưng, lòng bàn chân.(ảnh: Đình Thi)
|
Bác sĩ chuyên khoa I Đỗ Thị Huế - Khoa khám, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, bệnh vảy nến không được tự ý dùng thuốc, đặc biệt là các thuốc đông y, gia truyền, thuốc chứa thành phần corticoid, phải tuân thủ theo điều trị của bác sĩ và thường xuyên đến tái khám theo hẹn. Thường xuyên giữ ẩm cho vùng da bị vảy nến là rất quan trọng. Bệnh nhân cần giữ ẩm cho da bằng cách bôi kem dưỡng ẩm nhiều lần, ít nhất 3 lần một ngày, bôi ngay sau khi tắm và bất cứ khi nào cảm thấy khô da. Trẻ bị bệnh vảy nến cũng cần tránh cào gãi, chà xát tổn thương da vì có thể làm nặng bệnh thêm. Nếu người bệnh có bất thường trên da cần đến bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, cần luôn giữ tinh thần thoải mái, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, tăng cường ăn rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, hạn chế ăn mỡ động vật, tăng cường tập thể dục thể thao.
Kim Oanh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác