13/05/2025 08:15
Nhằm hạn chế những vụ đuối nước thương tâm trong dịp nghỉ hè, ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk đang tích cực triển khai đa dạng các hoạt động, đẩy mạnh tuyên truyền kỹ năng phòng, chống đuối nước nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em trên địa bàn.
Theo số liệu của phòng Bảo trợ xã hội – Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2021 đến hết tháng 4/2025 đều ghi nhận nhiều vụ tai nạn đuối nước trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, năm 2021 ghi nhận 51 trường hợp trẻ đuối nước, năm 2022 ghi nhận 80 trường hợp, 2023 có 50 trường hợp, năm 2024 có 58 trường hợp và từ đầu năm 2025 đến nay đã ghi 06 trẻ đuối nước, trong đó huyện Krông Năng 01 trường hợp, Krông Búk 02 và Cư M’gar 03 trường hợp. Mới đây nhất, sáng ngày 10/5, bốn em nhỏ gồm Y.H.K (8 tuổi), H.T.B (10 tuổi), Y.T (8 tuổi) và Y.L.N.N (9 tuổi, cùng trú buôn Đrao B, xã Cư Dliê Mnông, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk) rủ nhau ra hồ chứa nước trong buôn chơi và tắm. Đến khoảng 11 giờ trưa cùng ngày, hai cháu Y.H và Y.L.N.N chạy về báo với người nhà có người bị đuối nước. Người dân lập tức đến hồ tìm kiếm và trình báo cơ quan chức năng. Tuy nhiên, sau khi được tìm thấy và vớt lên, cả 2 cháu H.T và Y.T.B đều đã tử vong.
.jpg)
|
Đẩy mạnh hoạt động dạy bơi, cung cấp kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước cho trẻ em.
|
Theo ông Huỳnh Bảo Toàn – Trưởng phòng Bảo trợ xã hội – Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến việc tỷ lệ trẻ tử vong do tai nạn đuối nước, đó là do môi trường sống không an toàn; Trẻ em không biết bơi, không có kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước và đặc biệt, nhiều gia đình thiếu sự quan tâm, quản lý, giám sát đối với con em. Qua các vụ tai nạn thương tích, đuối nước cho thấy đa phần trẻ hạn chế về kiến thức, kỹ năng nhận biết các yếu tố nguy hiểm cũng như ý thức phòng tránh. Trước tình hình đó, để đảm bảo an toàn cho trẻ, giảm thiểu tối đa các vụ tử vong do tai nạn đuối nước gây ra, nhất là trong thời gian tới khi mùa hè đang đến gần, phòng Bảo trợ xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, trọng tâm là Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; UBND cấp xã, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ về phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em. Đồng thời định hướng trong công tác truyền thông phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em với mục tiêu trọng tâm là môi trường sống của trẻ em được đảm bảo, các yếu tố nguy cơ dẫn đến tai nạn đuối nước trẻ em như sông, suối, ao hồ, giếng tưới phải có biển báo, biển cấm, hàng rào bảo vệ, nắp đậy,… và nâng cao nhận thức của cha mẹ và trẻ em trong phòng, chống đuối nước. Bên cạnh đó sẽ tranh thủ các nguồn lực vận động từ các cá nhân, tổ chức để triển khai các dự án phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn. Trong đó, sẽ đặc biệt chú trọng triển khai hiệu quả hoạt động dạy bơi, cung cấp kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước cho trẻ em và đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của cha mẹ trong phòng, chống đuối nước trẻ em. “Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 500.000 trẻ em, trong đó độ tuổi từ 06 đến dưới 16 khoảng 300.000 trẻ. Chi phí để dạy 01 trẻ em biết bơi dao động trong khoảng 700 ngàn đến 1 triệu đồng (tổ chức lớp gồm 03 giáo viên, 20 học sinh) với điều kiện đảm bảo là có giáo viên, huấn luyện viên; có hồ bơi kèm các điều kiện về nước sạch, vận hành,…; trẻ em được cha, mẹ đưa đón… thì cần có kinh phí khoảng 300 tỷ đồng để dạy toàn bộ số trẻ trên biết bơi và có các kỹ năng phòng, chống đuối nước”, ông Huỳnh Bảo Toàn, cho biết thêm.
Để hoạt động phòng, chống đuối nước ở trẻ trong thời gian tới đạt hiệu quả, theo ông Huỳnh Bảo Toàn - Trưởng phòng Bảo trợ xã hội – Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, cần sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương và phụ huynh học sinh. Trong đó, Ngành Y tế sẽ tham mưu Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chính sách bố trí nguồn lực kinh phí dạy bơi phòng, chống đuối nước ở trẻ em. Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND cấp Xã/Phường tổ chức các lớp đào tạo giáo viên dạy bơi, huấn luyện viên dạy bơi (bao gồm kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu đuối nước ở cộng đồng) đảm bảo theo tiêu chuẩn, tập trung các nhóm có thể dạy bơi ở thôn, buôn, tổ dân phố. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu đuối nước ở cộng đồng cho cha mẹ, giáo viên, cộng tác viên dân số, y tế, trẻ em và tăng cường công tác truyền thông cũng như thực hiện tốt Dự án phòng, chống đuối nước trẻ em; Triển khai xây dựng Cộng đồng an toàn; xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em.
“Để việc phòng, tránh đuối nước cho trẻ đạt hiệu quả, trước hết mỗi gia đình, mỗi bậc cha mẹ cần tự nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong quản lý, giám sát con em mình. Chính quyền địa phương cũng cần phối hợp chặt chẽ với các trường học tăng cường tuyên truyền, trang bị cho các em kiến thức về cách thức phòng, chống đuối nước; bàn giao quản lý học sinh khi kết thúc năm học; kịp thời cung cấp thông tin, cảnh báo những địa điểm, khu vực có nguy cơ dễ xảy ra tai nạn đuối nước cho người dân… Bên cạnh đó, các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội cần tạo ra nhiều hơn nữa những sân chơi bổ ích cho trẻ em, tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ vào mỗi dịp hè về…”, ông Huỳnh Bảo Toàn chia sẻ thêm.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác