13/05/2025 08:27
Vừa qua, Khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã triển khai hoạt động điều tra, giám sát đánh giá tình trạng dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em năm 2025 tại 10 xã của 4 huyện Lắk, Buôn Đôn, Ea H’leo và Krông Năng. Đây là hoạt động nằm trong chương trình cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em của Viện Dinh dưỡng, nhằm thu thập thông tin về việc bổ sung chất dinh dưỡng của bà mẹ trong quá trình mang thai và sau sinh, khảo sát kiến thức về việc bổ sung vi chất dinh dưỡng, chế độ ăn của bà mẹ nuôi con dưới 5 tuổi và đặc biệt đánh giá tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em từ đó phục vụ cho công tác phân tích và hoạch định chính sách y tế dự phòng.
Đoàn đã tiến hành đo lường và phỏng vấn trực tiếp 512 trẻ em dưới 5 tuổi và 459 bà mẹ đang nuôi con nhỏ. Kết quả cho thấy tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân: 104 trẻ (20,3%); tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi: 128 trẻ (25,0%); tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể gầy còm: 27 trẻ (5,3%). Qua phân tích giới tính cho thấy: trẻ gái có tỷ lệ nhẹ cân cao hơn trẻ trai (59 so với 45), trong khi thấp còi lại phổ biến ở trẻ trai (71 so với 57), thể gầy còm phân bố tương đối đều (14 trai – 13 gái). Ngoài ra, trong số 459 bà mẹ tham gia, có 46 người đang nuôi từ hai con dưới 5 tuổi, cho thấy một dấu hiệu đáng chú ý về áp lực chăm sóc và nguy cơ suy dinh dưỡng lặp lại trong cùng một hộ gia đình. Bên cạnh việc cân đo nhân trắc, đoàn công tác đã thu thập thông tin về chế độ ăn uống, thói quen bổ sung vi chất dinh dưỡng trong thai kỳ và giai đoạn sau sinh. Đặc biệt, kiến thức và thực hành dinh dưỡng của bà mẹ trong việc lựa chọn thực phẩm, chế biến bữa ăn và nhận biết dấu hiệu thiếu vi chất cũng được đánh giá kỹ lưỡng. “Nhiều bà mẹ còn nhầm tưởng chỉ cần ăn no là đủ chất, hoặc chưa từng nghe đến vai trò của sắt, kẽm, vitamin A đối với sự phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ. Vì vậy, ngoài khảo sát, chúng tôi luôn dành thời gian tư vấn trực tiếp, hướng dẫn cách tận dụng thực phẩm sẵn có tại địa phương như trứng, rau xanh, trái cây… để bữa ăn hằng ngày thêm đủ chất và dễ thực hiện nhất có thể”, Bác sĩ Vi Thị Huệ, Trưởng Khoa Dinh dưỡng, CDC Đắk Lắk chia sẻ.
.jpg)
|
Nhân viên y tế thực hiện công tác thu thập thông tin, phỏng vấn bà mẹ nuôi con nhỏ. (ảnh: Vi Huệ)
|
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình giám sát, như: địa bàn xa, giao thông cách trở, khí hậu nắng nóng….; Đội ngũ y tế phải di chuyển liên tục, mang theo dụng cụ đo lường, bảng hỏi, tài liệu tuyên truyền… làm việc từ sáng sớm đến chiều muộn mỗi ngày. Dù không có kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho người dân, nhưng nhờ sự phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Y tế huyện, Trạm Y tế xã và đội ngũ cộng tác viên dinh dưỡng, cùng sự hưởng ứng tích cực của các bà mẹ, chương trình vẫn đạt kết quả khả quan: 95% trẻ dự kiến đã được khảo sát đầy đủ. Kết quả này sẽ được tổng hợp, phân tích và báo cáo về Viện Dinh dưỡng để làm cơ sở đề xuất chương trình bổ sung vi chất thiết yếu cho trẻ em và phụ nữ mang thai, các hoạt động giáo dục truyền thông thay đổi hành vi dinh dưỡng, và các biện pháp hỗ trợ phù hợp với từng địa phương, đặc biệt ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. “Chúng tôi không xem đây chỉ là một cuộc khảo sát đơn thuần, mà là bước khởi đầu để giúp trẻ em ở những vùng còn khó khăn có cơ hội được lớn lên khỏe mạnh, đủ đầy hơn. Từng con số, từng buổi tư vấn hôm nay sẽ là tiền đề để ngành y tế có những việc làm thiết thực, mang lại thay đổi thật sự cho các em trong những năm tới” bác sĩ Vi Thị Huệ nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, hoạt động giám sát sẽ tiếp tục được triển khai tại 20 cụm thuộc các huyện còn lại trên địa bàn tỉnh. Đây sẽ là bước đi có ý nghĩa trong việc xây dựng dữ liệu dinh dưỡng sát thực tế, giúp ngành y tế đưa ra các giải pháp can thiệp hiệu quả, phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng. Góp phần quan trọng vào mục tiêu nâng cao sức khỏe, cải thiện tầm vóc và chất lượng cuộc sống cho thế hệ trẻ.
Thu Phượng
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác