13/05/2025 05:02
Tâm thần phân liệt là bệnh lý để lại nhiều hệ lụy nặng nề đối với sức khỏe người mắc bệnh. Điều đáng nói, hiện có rất nhiều bệnh nhân do không tuân thủ quá trình điều trị khiến bệnh tái phát nhiều lần làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh.
Theo số liệu thống kê, hiện ở nước ta có khoảng 1% dân số mắc bệnh tâm thần phân liệt, tức khoảng 900.000 người. Tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk, chỉ trong tháng 4/2025, Bệnh viện Tâm thần đã tiếp nhận khám cho hơn 1.600 bệnh nhân, trong đó có tới gần 450 bệnh nhân mắc bệnh tâm thần phân liệt và có gần 70 bệnh nhân tâm phần phân liệt tái phát nặng phải nhập viện điều trị. Điều đó cho thấy các bệnh nhân mắc bệnh tâm thần phân liệt tái phát đang chiếm số lượng rất cao. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bé – Trưởng khoa Điều trị Nữ Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk, tâm thần phân liệt là một dạng rối loạn tâm thần nghiêm trọng, nếu không được can thiệp sớm có thể gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của người bệnh. Tâm thần phân liệt thường xuất hiện ở lứa tuổi từ 20-30 tuổi ở mọi tầng lớp xã hội. Bệnh có tiến triển theo xu hướng mạn tính, để lại di chứng suốt đời cho bệnh nhân. Khi mắc bệnh tâm thần phân liệt, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng hoang tưởng, ảo giác, kích động, nghĩ người khác hại mình… dẫn đến dễ gây tổn hại đến bản thân và người xung quanh. Thậm chí, bệnh nhân sẽ đối diện nguy cơ tự sát. Do đó, bệnh tâm thần phân liệt cần được điều trị sớm để giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục cũng như giảm thiểu các triệu chứng nguy hiểm đến sức khỏe. Tuy nhiên, thực tế hiện nay có không ít bệnh nhân tâm thần phân liệt sau khi điều trị tích cực, được xuất viện và về nhà đã không tuân thủ phác đồ điều trị, dừng sử dụng thuốc khiến bệnh tái phát làm trầm trọng hơn cảm giác hoang tưởng, ảo giác, kích động…của bệnh nhân.
Điển hình là trường hợp bệnh nhân V.T.H.T (26 tuổi, trú tại huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk). Cách đây 6 năm, khi đang là sinh viên đại học năm thứ 2 của một trường luật, chị T bắt đầu xuất hiện các triệu chứng ảo thanh nên chị bị sốc, buồn bã, khóc lóc, chỉ đóng kín cửa ở một mình. Thời điểm đó, gia đình thấy chị có các dấu hiệu bất thường nên đưa chị lên Bệnh viện Tâm thần khám, điều trị. “Từ đó đến nay, tôi đã phải nhập viện nhiều lần vì bị tái đi, tái lại. Đây là lần nhập viện thứ 3, sau khi được các bác sĩ điều trị, hiện tại tôi đã trở lại trạng thái bình thường và chuẩn bị được cho xuất viện. Những lần trước, mỗi lần xuất viện các bác sĩ đều dặn tôi phải uống thuốc đầy đủ nhưng do chủ quan, thấy bản thân không còn xuất hiện các triệu chứng nên tôi bỏ thuốc. Lần này về tôi tự nhủ bản thân phải tuyệt đối tuân thủ lời dặn của các bác sĩ để bệnh không còn tái phát nữa”, bệnh nhân T, chia sẻ.

|
Bệnh tâm thần phân liệt cần được điều trị sớm để giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục cũng như giảm thiểu các triệu chứng nguy hiểm đến sức khỏe. (ảnh: Quang Nhật)
|
Cũng nhập viện vì bị tâm thần phân liệt tái phát 6 lần trong 2 năm, do không tuân thủ điều trị và trước áp lực công việc, gia đình và cuộc sống, mỗi lần nhập viện, các triệu chứng tâm thần phân liệt của bệnh nhân N.M.K (trú tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) lại nặng nề hơn. Bệnh nhân gào khóc, la hét, thậm chí hoang tưởng. Tuy nhiên, sau khi được điều trị, khi ở trạng thái bình thường, bệnh nhân K tâm sự: Khi ở bệnh viện về nhà, quay lại với guồng công việc bận rộn, nhiều áp lực, thêm vào đó các thành viên trong gia đình không chia sẻ, cho rằng mình bị điên, phân biệt đối xử với mình khiến mình thêm buồn tủi. Về nhà thuốc các bác sĩ cho mình cũng không uống vì thấy uống vào khó ngủ nên nhiều lần tái bệnh rồi lại vào viện.
.jpg)
|
Người thân của người bệnh cần biết các dấu hiệu tái phát sớm để đưa bệnh nhân tới cơ sở khám, chữa bệnh chuyên khoa để được điều trị kịp thời. (ảnh: Quang Nhật)
|
Mặc dù đa số bệnh nhân tâm thần có thể điều trị ngoại trú, chỉ nằm viện trong giai đoạn cấp, thế nhưng một đặc trưng nguy hiểm của bệnh tâm thần phân liệt là khả năng tái phát của bệnh rất cao, dao động từ 50 - 92% trên toàn cầu. Bệnh nhân có thể có 1 hoặc nhiều lần tái phát. Nguyên nhân bệnh tái phát thường liên quan tới việc không tuân thủ thuốc điều trị, dùng thuốc chất kích thức, sang chấn tâm lý… Bác sĩ Nguyễn Thị Bé – Trưởng khoa Điều trị Nữ Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Khi bị tâm thần phân liệt tái phát, bệnh nhân sẽ có các dấu hiệu sớm để nhận biết như: Bệnh nhân thay đổi các thói quen sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ; Bệnh nhân có các suy nghĩ thần bí, hoang tưởng, kỳ quái, khó hiểu; Không chú ý vệ sinh cá nhân; Xa lánh, thu mình, tách rời khỏi xã hội; Mất hứng thú… Dần dần dẫn đến tình trạng bệnh nhân tan rã nhân cách. “Bệnh tâm thần phân liệt có đặc trưng tiến triển các đợt loạn thần tái phát. Vì vậy, người mắc tâm thần phân liệt cần phải tuân thủ điều trị để tránh hậu quả khi bệnh tái phát. Người thân của người bệnh cần biết các dấu hiệu tái phát sớm để đưa bệnh nhân tới cơ sở khám, chữa bệnh chuyên khoa để được điều trị kịp thời. Bởi việc phát hiện và điều trị sớm sẽ mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân, giúp quá trình điều trị rút ngắn, bệnh nhân nhanh chóng hồi phục cũng như giảm thiểu các triệu chứng nguy hiểm đến sức khỏe. Ngược lại, những trường hợp không được điều trị sớm, để bệnh kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân mà còn tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội”, bác sĩ Bé nhấn mạnh.
Để bệnh nhân tâm thần phân liệt không gặp tình trạng tái phát bệnh, bên cạnh việc tuân thủ điều trị, sự chia sẻ, thấu hiểu, đồng hành của người thân trong gia đình là điều vô cùng cần thiết. Bởi sự kỳ thị, xa lánh sẽ gây ra tác động tiêu cực đến nhận thức người bệnh, khiến họ tự ti, căng thẳng, thậm chí không muốn nhập viện điều trị. Tuy nhiên, nếu được gia đình, người thân thấu cảm và đồng hành với người bệnh thì bệnh tâm thần phân liệt có thể kiểm soát, giúp người bệnh hòa nhập với cộng đồng./.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác