08/10/2024 03:18
Sởi là loại bệnh lành tính, nhưng có khả năng gây suy giảm miễn dịch khiến trẻ dễ mắc các bệnh kèm theo như viêm phổi, tiêu chảy… nếu diễn biến nặng có thể dẫn đến tử vong. Hiện Ngành y tế Đắk Lắk đang đẩy mạnh hoạt động phòng, chống dịch bệnh ngay tại cơ sở với mục tiêu không để bệnh sởi bùng phát mạnh trong cộng đồng.
Tập trung phòng bệnh sởi ngay tại cơ sở
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, tính đến ngày 07/10, toàn tỉnh đã ghi nhận 194 trường hợp mắc bệnh sởi tại 14/15 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện M’Đrắk chưa ghi nhận ca bệnh). Trong đó, số ca mắc cao nhất tại Thành phố Buôn Ma Thuột với 110 trường hợp, tiếp đến là huyện Lắk với 29 trường hợp, huyện Krông Pắk 14 trường hợp, huyện Cư M’gar 09 trường hợp; huyện Cư Kuin 08 trường hợp…
Để tập trung phòng chống bệnh sởi, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kịp thời kế hoạch triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch như giám sát chặt chẽ dịch tại cộng đồng, cơ sở y tế, vùng có ổ dịch cũ nhằm phát hiện sớm các trường hợp dịch bệnh để tổ chức xử lý kịp thời ổ dịch, không để dịch lan rộng. Yêu cầu các bệnh viện đảm bảo khu cách ly đủ giường bệnh, thuốc, dịch truyền, trang thiết bị, nhân lực sẵn sàng tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân. Chỉ đạo cho ban chỉ đạo chống dịch ngành Y tế và củng cố các tiểu ban chuyên môn kỹ thuật của ngành trong hướng dẫn công tác phòng, chống dịch. Đồng thời đảm bảo đầy đủ các trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc... cho công tác phòng, chống dịch.
|
Tiêm vắc-xin sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. (Ảnh: Đình Thi)
|
Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, Ngành y tế các huyện, thị xã, thành phố đã nhanh chóng thực hiện các giải pháp khoanh vùng dập dịch, tiêm vắc-xin phòng chống bệnh sởi nói riêng và các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác quản lý địa bàn, nắm rõ đối tượng để có biện pháp tuyên truyền, vận động trong phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn có hiệu quả. Đồng thời, chủ động nắm bắt tình hình dịch, đánh giá nguy cơ để có hướng tham mưu, đề xuất chính quyền địa phương trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo phương châm “bốn tại chỗ”.
Bác sĩ Lê Quang Tâm, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Cư Êbur cho biết, sau khi ghi nhận các ca mắc bệnh sởi trên địa bàn, Trạm Y tế xã đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương tiến hành cách ly các trường hợp mắc bệnh sởi, chuyển các bệnh nhân đến bệnh viện điều trị nhằm hạn chế tình trạng lây lan. Đồng thời, tổ chức điều tra dịch tễ, vệ sinh, khử khuẩn tại những nơi phát hiện ca mắc sởi và nơi ở của bệnh nhân.
Trạm Y tế xã Cư Êbur cũng đã nhanh chóng rà soát số lượng trẻ đã tiêm chủng và chưa tiêm chủng phòng sởi trên địa bàn. Qua rà soát cho thấy, có 407 trẻ trong độ tuổi từ 1-5 tuổi còn thiếu mũi tiêm chủng phòng sởi.
“Lực lượng Trạm y tế đã đến từng hộ để tuyên truyền cho người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sởi. Đồng thời, vận động người dân đưa trẻ từ 1-5 tuổi đến trạm y tế để tiêm chủng phòng sởi... Đến nay, Trạm Y tế xã Cư Êbur đã tiêm đủ 2 mũi phòng sởi cho 341 trẻ, đạt tỉ lệ 83,7%. Hiện đơn vị đang tiếp tục tiêm vét cho các trường hợp còn lại”, bác sĩ Tâm chia sẻ.
Cách phòng, chăm sóc trẻ trong và sau khi mắc bệnh sởi
Bác sĩ CK II Cao Hoàng Phong, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, bệnh nhân mắc bệnh sởi có các triệu chứng như: sốt, ho, viêm lông đường hô hấp (chảy nước mũi, hắt hơi), viêm kết mạc mắt (mắt đỏ, đổ ghèn), có dấu hiệu phát ban, có dấu hiệu hạt Koplic trong niêm mạc má (dấu hiệu này chỉ xuất hiện trong khoảng thời gian từ 24-36 giờ)
“Với những trường hợp trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sởi thì gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám bệnh và điều trị kịp thời. Nếu trẻ mắc bệnh sởi không được điều trị kịp thời thì sẽ có những biến chứng nặng, có thể dẫn đến tử vong. Chẳng hạn, biến chứng viêm phổi, viêm tai giữa, viêm não, tổn thương đa cơ quan, nếu không được điều trị kịp thời tổn thương mắt thì có thể dẫn đến mù lòa... Ngoài ra, hậu quả lâu dài của bệnh sởi là trẻ bị suy dinh dưỡng, biếng ăn, còi cọc, chậm lớn... Trẻ mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh sởi phải được cách ly, nghỉ học và không đến nơi tập trung đông người để tránh lây lan trong cộng đồng” bác sĩ Phong chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Phong, hầu hết mỗi người chỉ mắc bệnh sởi 1 lần và hiếm có trường hợp nào tái nhiễm lại. Tuy nhiên, sau khi điều trị khỏi bệnh, nếu trẻ không được chăm sóc đầy đủ thì có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, còi cọc, chậm lớn. Chính vì vậy, sau khi điều trị bệnh sởi, cần cho trẻ ăn các loại thức ăn giàu dinh dưỡng, nhiều vitamin như thịt, cá, trứng, sữa, các loại trái cây,... Mặt khác, trẻ cần được tiêm chủng phòng bệnh sởi đầy đủ. Bởi, đây là giải pháp phòng bệnh sởi hiệu quả nhất.
Nói về cách chăm sóc trẻ bị mắc sởi, bác sĩ Phong cho biết, khi trẻ bị mắc bệnh sởi, phụ huynh cần chăm sóc, vệ sinh thân thể trẻ sạch sẽ, tắm rửa bằng nước ấm. Cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, uống nhiều nước, đặc biệt là các loại nước trái cây để tăng sức đề kháng. Cha mẹ và người chăm sóc nên chú ý đưa trẻ đến bệnh viện khi trẻ có sốt phát ban và kèm theo ho.
“Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do vi rút sởi gây nên, tiêm vaccine sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Để phòng bệnh sởi có hiệu quả, trẻ cần được tiêm đầy đủ các mũi vắc-xin theo đúng thời gian. Phụ huynh cần thực hiện đầy đủ hướng dẫn của cán bộ y tế khi đưa trẻ đi tiêm chủng. Nếu trẻ được tiêm một mũi vắc-xin sởi lúc 9 tháng tuổi, chỉ có 80-85% trẻ có đáp ứng miễn dịch, nếu trẻ được tiêm đủ 2 mũi thì tỷ lệ bảo vệ là 90-95%. Sau khi mắc sởi xong hoặc sau khi được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin theo lịch tiêm chủng thì miễn dịch có thể bền vững suốt đời", Bác sĩ Phong cho biết.
Bảo Trọng
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác