18/10/2024 10:43
Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, trong thời điểm giao mùa như hiện nay, nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh đều tăng nhanh. Ngành y tế Đắk Lắk đang tiếp tục triển khai các biện pháp phòng bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Tính đến 16/10, toàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 674 trường hợp mắc bệnh chân tay miệng. Trong đó, thành phố Buôn Ma Thuột có số ca cao nhất với 165 trường hợp; huyện Krông Pắc 83 trường hợp, huyện Cư M’gar 63 trường hợp..
Theo ngành y tế, tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ. Hiện nay, bệnh vẫn chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu. Số ca mắc bệnh thường tăng cao vào khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 11.
Để phòng bệnh tay chân miệng, ngành y tế Đắk Lắk khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, kể cả người lớn và trẻ em; ăn chín, uống chín; không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay; thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc với trẻ hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
|
Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế gần nhất để được chữa trị kịp thời. (Ảnh: Đình Thi)
|
Đối với dịch sởi, đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 278 trường hợp ở tất cả các huyện, thành phố, thị xã trong toàn tỉnh. Trong đó, thành phố Buôn Ma Thuột 152 trường hợp; huyện Krông Pắc 31 trường hợp; Krông Năng 31 trường hợp..
Để tập trung phòng chống bệnh sởi, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kịp thời kế hoạch triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch như giám sát chặt chẽ dịch tại cộng đồng, cơ sở y tế, vùng có ổ dịch cũ nhằm phát hiện sớm các trường hợp dịch bệnh để tổ chức xử lý kịp thời ổ dịch không để dịch lan rộng. Yêu cầu các bệnh viện đảm bảo khu cách ly đủ giường bệnh, thuốc, dịch truyền, trang thiết bị, nhân lực sẵn sàng tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân. Chỉ đạo cho ban chỉ đạo chống dịch ngành Y tế và củng cố các tiểu ban chuyên môn kỹ thuật của ngành trong hướng dẫn công tác phòng, chống dịch. Đồng thời đảm bảo đầy đủ các trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc... cho công tác phòng, chống dịch.
Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, Ngành y tế các huyện, thị xã, thành phố đã nhanh chóng thực hiện các giải pháp khoanh vùng dập dịch, tiêm vắc-xin phòng chống bệnh sởi nói riêng và các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác quản lý địa bàn, nắm rõ đối tượng để có biện pháp tuyên truyền, vận động trong phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn có hiệu quả. Đồng thời, chủ động nắm bắt tình hình dịch, đánh giá nguy cơ để có hướng tham mưu, đề xuất chính quyền địa phương trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo phương châm “bốn tại chỗ”.
Đối với dịch sốt xuất huyết, đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận trên 5.000 trường hợp, trong đó có 3 trường hợp tử vong. Thành phố Buôn Ma Thuột và huyện Cư M’gar là hai địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất trong toàn tỉnh với trên 1.000 trường hợp.
|
Bệnh nhân bị sốt xuất huyết thì không tự ý điều trị tại nhà, đặc biệt là không tự ý dùng thuốc vì có thể gây chảy máu nặng. (Ảnh: Đình Thi)
|
Theo đánh giá của Ngành Y tế Đắk Lắk, trong những năm gần đây, dịch tễ sốt xuất huyết đã thay đổi, không còn phát triển theo chu kỳ mà tăng đều hàng năm, đặc biệt vào thời điểm cuối năm. Nguyên nhân của tình hình này chính là do hậu quả của sự đô thị hóa và sự nóng dần lên của toàn cầu, tạo điều kiện cho muỗi gây bệnh sinh sôi phát triển mạnh. Vì vậy, tình hình sốt xuất huyết có sự biến động đáng kể về số lượng ca mắc theo từng năm. Cụ thể, năm 2016, toàn tỉnh có 13.243 ca mắc sốt xuất huyết, năm 2017 có 2.220 ca mắc; năm 2019: Có 23.017 ca mắc; năm 2022 có 10.350 ca mắc; năm 2023 có 4.904 ca mắc.
Hằng năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tham mưu Sở Y tế Đắk Lắk ban hành khuyến cáo, hướng dẫn người dân phòng ngừa các loại bệnh truyền nhiễm, trong đó có sốt xuất huyết. Đồng thời, Sở Y tế cũng yêu cầu các cơ quan, tổ chức và người dân chủ động tham gia thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, theo nguyên tắc chủ động từ sớm, từ xa. Người dân cần tìm hiểu thông tin, thực hiện theo các khuyến cáo về đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường từ các cơ quan y tế và chính quyền.
Thạc sĩ, bác sĩ CKII Hoàng Hải Phúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết gồm 2 loài thuộc họ chi Aedes, là Aedes aegypti hoặc Aedes albopictus (có tỉ lệ thấp hơn). Trong đó, Aedes aegypti là trung gian truyền bệnh SXH chủ yếu. Hiện nay thời tiết đang là mùa mưa, là môi trường thuận lợi cho muỗi Aedes – loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết – phát triển và lây lan. Để bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình, chúng ta cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết. Rõ ràng việc đầu tiên là phải loại bỏ nơi sinh sản của muỗi bằng cách: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước như bể, lu, thùng chứa. Thường xuyên kiểm tra và loại bỏ nước đọng trong các vật dụng như lốp xe cũ, chậu hoa, lọ hoa, vỏ chai, vỏ dừa, hoặc bất cứ vật dụng nào có thể chứa nước. Kể cả trong nhà cũng cần phải thay nước bình hoa thường xuyên và không để muỗi có cơ hội đẻ trứng.
“Mỗi người nên sử dụng biện pháp phòng chống muỗi, như: Mặc quần áo dài tay và sử dụng màn khi ngủ, kể cả ban ngày. Sử dụng các loại kem chống muỗi, nhang muỗi, hoặc máy đuổi muỗi. Lắp đặt lưới chắn muỗi ở cửa sổ và cửa ra vào để ngăn chặn muỗi vào nhà. Quan trọng hơn cả là ý thức cộng đồng: Cần phải phối hợp với cơ quan y tế địa phương trong các đợt phun thuốc diệt muỗi. Tham gia các chiến dịch vệ sinh môi trường, làm sạch khu vực sinh sống, và loại bỏ các ổ nước đọng. Truyền thông về các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết đến người thân, bạn bè, và cộng đồng. Còn đối với cá nhân khi có dấu hiệu nghi ngờ, nếu có triệu chứng như sốt cao đột ngột, đau đầu, đau cơ, đau khớp, phát ban, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị tại nhà, đặc biệt là không tự ý dùng thuốc vì có thể gây chảy máu nặng” Thạc sĩ, bác sĩ CKII Hoàng Hải Phúc, nhấn mạnh.
Bảo Trọng
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác