26/10/2024 03:46
Hút thuốc lá và thuốc lá thụ động đã và đang là mối lo ngại cho toàn xã hội với những hệ luỵ khôn lường về bệnh tật, tử vong do khói thuốc lá gây ra. Việc hút thuốc lá hiện vẫn diễn ra phổ biến ở nơi công cộng, nơi kinh doanh dịch vụ ăn uống, quán cà phê đến các cơ sở y tế…. Luật Phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu lực thi hành từ năm 2013 nhưng qua nhiều năm thực hiện đến nay vẫn chưa thực sự hiệu quả bởi Luật chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe để buộc ngươi dân phải tuân thủ.
Hiện nay không khó để bắt gặp hình ảnh người hút thuốc lá ở nơi công cộng, nơi đông người hoặc nơi có quy định cấm. Quan sát một bệnh viện công trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, có rất nhiều người nhà bệnh nhân đứng bên ngoài phòng bệnh, khu vực chờ khám bệnh, nhà vệ sinh, khuôn viên bệnh viện… vô tư hút thuốc lá, thậm chí ngay dưới bảng có biển báo “cấm hút thuốc lá”. Chị T.K.T (phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột) bức xúc: “Bệnh viện là nơi điều trị bệnh thì lẽ ra không khí phải được trong lành, điều này thì ai cũng phải biết. Vậy mà nhiều người vẫn vô tư nhả khói thuốc ngay bên ngoài phòng bệnh, nơi đang có nhiều người qua lại. Tôi biết là hít phải khói thuốc còn độc hại hơn cả người hút nhưng mình là phụ nữ, hơn nữa cũng không phải cán bộ hay quản lý trong bệnh viện thì không thể nhắc nhở được. Mong rằng bệnh viện hoặc cơ quan chức năng sẽ mạnh tay hơn trong việc xử phạt các trường hợp hút thuốc lá nơi công cộng”.
Tại các quán cà phê, nhà hàng cũng dễ dàng nhìn thấy hành vi hút thuốc lá nhưng không có ai nhắc nhở. Anh L.V.S (chủ quán cà phê Titi Cafe, đường Lý Thường Kiệt, thành phố Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Nhiều khách nam đến uống cà phê có hỏi mua thuốc lá nhưng tôi không bán thuốc lá. Vì vậy chủ yếu khách hút thuốc là tự mang theo. Tôi cũng không bao giờ nhắc nhở vì mình kinh doanh, nếu không cho khách hút thuốc thì khách sẽ không đến. Hoặc nếu khách hút thuốc mà ảnh hưởng đến những người xung quanh cũng phải xem sắc mặt của khách, người nào dễ hoặc hiểu chuyện còn dám nhắc nhở, nếu khách khó tính mình nhắc có khi bị phản ứng ngược”.
Thông tư 11/2023/TT-BYT của Bộ Y tế là văn bản mới nhất quy định về các địa điểm cấm hút thuốc lá, có hiệu lực từ ngày 1/8/2023. Theo đó, các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên, gồm: cơ sở y tế; cơ sở giáo dục; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở, hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao theo quy định về phòng cháy và chữa cháy. Các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà, gồm: nơi làm việc trong nhà của cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và nơi làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác; khu vực trong nhà của các địa điểm công cộng, như: cơ sở dịch vụ ăn uống, cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, nhà ga, bến tàu, bến xe, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, trung tâm hội nghị, trung tâm thương mại, chợ, nhà hát, nhà văn hóa, rạp chiếu phim, rạp xiếc, câu lạc bộ, nhà thi đấu thể thao, sân vận động, nhà sinh hoạt cộng đồng và các khu vực sinh hoạt chung của khu chung cư và địa điểm công cộng khác. Ô tô, tàu bay, tàu điện là những phương tiện giao thông cấm hút thuốc lá hoàn toàn.
|
Phóng viên (bên trái) trao đổi với Phó Ban tuyên giáo, Liên đoàn lao động tỉnh Đắk Lắk về công tác PCTHTL.
|
Mặc dù có thông tư quy định cấm hút thuốc lá hoàn toàn và công tác truyền thông về tác hại của hút thuốc lá và thuốc lá thụ động đã phủ khá dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng vẫn diễn ra khắp mọi nơi. Nguyên nhân là do thuốc lá được bày bán công khai, ai cũng có thể dễ dàng mua được mà không bị quản lý. Việc thanh, kiểm tra, xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng có quy định cụ thể nhưng triển khai chưa hiệu quả, thiếu lực lượng thi hành, hình thức và biện pháp răn đe còn thiếu.
Bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng Phòng Y tế huyện Krông Buk cho rằng: với hầu hết các vi phạm liên quan đến hút thuốc lá thì hình thức xử phạt là cảnh cáo hoặc phạt tiền và cũng có quy định rõ đơn vị nào có thẩm quyền đứng ra xử phạt. Tuy nhiên, trên thực tế thì không có lực lượng nào thực hiện công việc này. Hành vi hút thuốc lá cũng chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn, nên cũng khó phát hiện. Vì vậy, theo tôi những nơi có quy định cấm hút thuốc lá cần trang bị camera để ghi hình và phạt nguội hoặc clip của người dân ghi lại. Có như vậy mới hạn chế dần hành vi vi phạm.
Quan điểm của bà Lê Thị Quỳnh Thanh, Phó Ban tuyên giáo, Liên đoàn lao động tỉnh Đắk Lắk: Để lan toả phong trào phong chống tác hại thuốc lá đối với mọi tầng lớp nhân dân, tôi nghĩ các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể phải đi đầu trong hoạt động này. Lãnh đạo các đơn vị cần có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến về tác hại của thuốc lá, các quy định của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại cơ quan, đơn vị mình. Thực hiện quy định của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá; phải chỉ đạo đưa nội dung PCTHTL vào kế hoạch hoạt động hàng năm, đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ, tiêu chuẩn xét danh hiệu thi đua, khen thưởng của cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị. Đồng thời, bố trí biển báo cấm hút thuốc lá tại các khu vực, những vị trí dễ quan sát của phòng làm việc, phòng họp, lối đi nơi nhiều người qua lại. Thường xuyên kêu gọi, nhắc nhở nhân viên trong các cuộc họp phòng, ban về việc thực hiện nghiêm túc quy định cấm hút thuốc tại cơ quan, đơn vị. Cập nhật và phổ biến nội dung các văn bản của nhà nước về phòng chống tác hại của thuốc lá cho cán bộ, nhân viên. Thường xuyên kiểm tra định kỳ, đôn đốc việc thực hiện Luật PCTHTL tại cơ quan. Không xét tặng các danh hiệu thi đua, khen thưởng và có các hình thức xử lý theo quy định của pháp luật đối với cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý, thường xuyên xảy ra tình trạng vi phạm quy định của Luật PCTHTL tại cơ quan, đơn vị mình.
Ngoài ra, cần có chế tài xử phạt với hành vi vi phạm hút thuốc lá không đúng nơi quy định, phải thực hiện nghiêm. Phân công cụ thể người thi hành việc phát hiện và xử phạt. Các văn bản hướng dẫn chỉ đạo từ luật, nghị định, thông tư, các kế hoạch của Bộ Y tế, ban chỉ đạo PCTHTL của Trung ương, các cơ quan, đơn vị cần cố gắng tập trung thực hiện tất cả những nội dung trong đó thì công tác PCTHTL sẽ có chuyển biến tích cực.
Mỹ Hạnh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác