03/12/2024 01:58
Vitamin A là một vi chất dinh dưỡng thiết yếu đối với sức khoẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ. Thiếu Vitamin A sẽ gây ra các bệnh lý suy giảm một số chức năng của cơ thể như thị giác, tăng trưởng, biệt hoá tế bào, miễn dịch... Do đó, trẻ em trong độ tuổi cần được bổ sung Vitamin A đủ liều, đúng lịch theo khuyến cáo của ngành Y tế để đảm bảo sự phát triển thể chất và trí tuệ.
Theo Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế), trẻ em từ 6-59 tháng tuổi (tròn 6 tháng đến 59 tháng 29 ngày tuổi) có nguy cơ cao thiếu Vitamin A. Thường có những biểu hiện như: quáng gà (trẻ không nhìn thấy trong điều kiện ánh sáng yếu), nếu thiếu vitamin A ở mức độ nặng sẽ gây tổn thương giác mạc mắt, gây mù loà vĩnh viễn; trẻ chậm phát triển về thể chất so với các trẻ bình thường cùng trang lứa; dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, nhất là nhiễm khuẩn đường hô hấp, đường tiêu hoá và khi mắc sẽ kéo dài hơn. Những điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong ở trẻ em.
Theo bác sĩ chuyên khoa I Vi Thị Huệ, Trưởng Khoa Dinh dưỡng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật), Đắk Lắk là một trong 31 tỉnh có điều kiện kinh tế còn khó khăn, tỷ lệ trẻ em có khẩu phần ăn thiếu Vitamin A cao. Do vậy, định kì mỗi năm 2 lần, vào tháng 6 và tháng 12, ngành Y tế đều tổ chức Chiến dịch bổ sung Vitamin A liều cao cho trẻ trong độ tuổi từ 6-59 tháng. Trẻ từ 6-11 tháng tuổi uống bổ sung 1 liều Vitamin A 100.000 IU; trẻ từ 12-59 tháng tuổi uống bổ sung 1 liều Vitamin A 200.000 IU. Đối với trẻ từ 6-59 tháng tuổi có nguy cơ cao như: Mắc các bệnh nhiễm khuẩn kéo dài, trẻ bị suy dinh dưỡng nặng, mắc sởi... nếu đã được uống Vitamin A theo chiến dịch trong vòng 1 tháng trước đó thì không cho trẻ uống thêm Vitamin A liều cao. Nếu trẻ đã uống Vitamin A theo chiến dịch trên 1 tháng trước đó thì có thể uống thêm 1 liều dự phòng theo độ tuổi.
|
Cho trẻ uống Vitamin A tại Trạm Y tế xã Dliê Yang, Ea H'Leo (ảnh: Vi Huệ)
|
Trước khi cho trẻ đi uống Vitamin A, phụ huynh nên cho trẻ ăn uống đầy đủ, mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, tạo tâm lý vui vẻ, thoải mái cho trẻ. Vitamin A chống chỉ định với các trường hợp sau: Trẻ đang đau bụng, sốt cao (trên 38,5 độ C); trẻ đang mắc các bệnh mãn tính (tâm thần, suy thận, tim, gan, hen phế quản); trẻ có tiền sử dị ứng với các thành phần của thuốc.
Bác sĩ Vi Thị Huệ cho biết: Viên nang Vitamin A sử dụng an toàn và hiệu quả, tuy nhiên khi bổ sung Vitamin A liều cao sẽ gặp một số tác dụng phụ như: Đau đầu, buồn nôn và tiêu chảy..., thông thường các biểu hiện này sẽ biến mất sau vài giờ. Sau khi bổ sung Vitamin A, các bậc phụ huynh cần theo dõi trẻ nếu trẻ bị đau bụng nhiều, nôn ói liên tục hoặc dị ứng thì cần đưa ngày đến cơ sở Y tế. Mặc dù Vitamin A là một vi chất quan trọng nhưng các bậc phụ huynh tuyệt đối không nên tự ý bổ sung cho trẻ, nhất là mua các sản phẩm trôi nổi trên thị trường mà cần có sự tư vấn, chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa, tránh trường hợp bổ sung thừa Vitamin A có thể gây ngộ độc.
Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thiếu Vitamin A là do khẩu phần ăn nghèo nàn, không đủ chất dinh dưỡng, cơ thể tăng sử dụng Vitamin A khi mắc các bệnh nhiễm khuẩn (sởi, tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường hô hấp…), suy dinh dưỡng. Do đó, ngoài việc bổ sung Vitamin A trong Chiến dịch thì các bậc phụ huynh cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ, cải thiện chất lượng bữa ăn, nhất là đối với trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; ăn dặm đúng thời điểm (khi trẻ tròn 6 tháng tuổi); cân bằng các nhóm chất trong khẩu phần ăn với các thực phẩm giàu Vitamin A như các loại rau, củ, quả màu đỏ, vàng (cà chua, cà rốt, bí đỏ, ớt chuông, đu đủ chín…), gan động vật, lòng đỏ trứng, bơ, sữa… Ngoài ra cần tiêm chủng cho trẻ đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng.
Thu Huế
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác
- Ngày hội Hiến máu tình nguyện năm 2024 tại huyện Buôn Đôn ( 04/12/2024)
- Một số sai lầm cần tránh trong điều trị bệnh vàng da sơ sinh ( 04/12/2024)
- Trường THCS Nguyễn Viết Xuân (huyện Krông Bông) đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá tại trường học ( 03/12/2024)
- Sự cần thiết của việc khám, tư vấn sức khoẻ tiền hôn nhân ( 02/12/2024)
- Lợi ích của việc xét nghiệm HIV sớm ( 02/12/2024)
- Ngày thế giới phòng, chống AIDS - (World AIDS Day) ( 02/12/2024)
- Gia tăng tình trạng mắc bệnh sởi ở người lớn ( 27/11/2024)
- Cảnh giác với bệnh cúm mùa, chủng cúm A/H1pdm ( 27/11/2024)
- Sân khấu hóa truyền thông phòng chống tác hại thuốc lá tại trường học ( 26/11/2024)
- Đoàn công tác của ANRS thăm và làm việc tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk ( 22/11/2024)
- Bệnh Zona thần kinh ( 20/11/2024)
- Gia tăng các trường hợp mắc và tử vong do bệnh dại, người dân không nên chủ quan khi bị chó cắn, mèo cào ( 20/11/2024)
- Để Luật phòng chống tác hại của thuốc lá thực sự đi vào cuộc sống ( 19/11/2024)
- Lạm dụng tai nghe ở giới trẻ hiện nay ( 18/11/2024)
- Xét nghiệm đường máu định kỳ hàng năm để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường ( 15/11/2024)
- Thông tư quy định phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và điều chỉnh giá khám bệnh, chữa bệnh theo mức lương cơ sở quy định tại Nghị định 73/2024/NĐ-CP ( 15/11/2024)
- Những điều nên làm khi bỏ thuốc lá ( 14/11/2024)
- Ghi nhận buổi truyền thông Phòng chống tác hại của thuốc lá cho người dân xã Ea H’Leo, huyện Ea H’Leo ( 12/11/2024)
- Trường THPT Ngô Gia Tự với công tác phòng, chống tác hại thuốc lá ( 11/11/2024)
- Trung tâm Y tế huyện Krông Năng với việc thực hiện môi trường không khói thuốc lá ( 08/11/2024)