01/07/2016 12:00
Chúng tôi về buôn Bhung, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk thăm H’Chúa Byă, nạn nhân duy nhất sống sót trong vụ ngộ độc cóc vào cuối năm 2015 vừa qua. Khác với hình ảnh 3 tháng trước, khi còn nằm trên giường bệnh tại bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk, H’Chúa bây giờ đã khỏe mạnh và giúp bố mẹ được nhiều công việc trong nhà. Nhưng trong đôi mắt em, nỗi buồn và sự day dứt lại hiện về mỗi lần nhắc đến hai em đã mất của mình.
Chuyện xảy ra đã hơn 3 tháng nhưng trong đôi mắt cả nhà , nỗi buồn và sự day dứt lại hiện về
mỗi lần nhắc đến hai thành viên đã mất của gia đình
Trước đó, khi bố mẹ vắng nhà, vì quá đói, mấy chị em H’Chúa đã bắt cóc về làm thịt ăn. Khi chế biến, em chỉ chặt bỏ phần đầu cóc, còn lại, kể cả da và nội tạng đều đem nấu canh. Vì là chị nên H’Chúa dành phần nhiều cho hai em. Khi mẹ đi làm về, thấy các con nôn ói liên tục liền đưa đi bệnh viện. Nhưng do ngộ độc quá nặng, hai đứa trẻ là H’Năc Byă (3 tuổi) và Y Thoắt Byă (2 tuổi) đã không qua khỏi, chỉ mình H’Chúa được cứu sống tại bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk.
Chuyện xảy ra đã hơn 3 tháng, những mỗi lần nhắc lại, chị H’Blắk Byă lại rơi nước mắt vì đau đớn, xót thương những đứa con của mình. Chị H’Blắk kể lại: “Thương con mà nhà thì nghèo, thỉnh thoảng, bố tụi nhỏ vẫn thường bắt cóc về làm thịt để thay cho các loại thức ăn khác. Buổi chiều hôm xảy ra tai nạn, trong nhà không có người lớn, chỉ có 3 đứa trẻ tự coi sóc nhau. Khi đi làm về thì thấy hai con mệt mỏi, li bì, cho đứa con trai bú thì nó khóc thét lên và nôn ói ra nhiều thứ lạ. Sau khi hỏi H’Chuá xong thì tay chân như rụng rời, tôi vội vàng hô hoán hàng xóm đưa đi cấp cứu”…
Chị chị H’Blắk Byă lấy anh Y Him Ksơr sau khi đã trải qua một cuộc hôn nhân không trọn vẹn. Năm 33 tuổi, sau khi sinh được đứa con trai theo nguyện vọng của chồng ở lần sinh thứ 8, chị H’Blắk mới quyết định không sinh thêm con nữa vì gia cảnh quá khó khăn. Căn nhà nhỏ anh chị được thụ hưởng từ Chương trình 134 của Chính phủ về hỗ trợ nhà ở cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo nay cũng đã xuống cấp. Rộng chưa đầy 40m2, nhưng đó là nơi ở của 10 con người đã bao năm nay.
Đất canh tác ít, để có tiền nuôi các con, anh Y Him Ksơr thường xuyên phải đi làm ăn xa. Thỉnh thoảng về thăm nhà, anh hay bắt cóc về làm thịt cho các con ăn vì nghĩ thịt cóc bổ dưỡng. Nhớ lại chuyện đã qua, ánh mắt của người cha mất con lại trở nên bần thần. Anh Y Him nói trong nghẹn ngào: “Tôi không ngờ việc làm của mình đã vô tình làm hại con”.
H’Chúa năm nay 10 tuổi nhưng có vẻ thấp bé hơn so với các bạn đồng trang lứa. Chị H’Blắk cho biết em vốn là một cô bé hiếu động, hay cười. Nhưng bây giờ lại trở nên lầm lì và ít nói. Chỉ những khi gia đình sum họp, quây quần, em mới chơi đùa và nói chuyện nhiều với các anh chị em. Chị H’Blắk lo lắng nỗi đau này sẽ mãi ám ảnh H’Chúa và ảnh hưởng đến tâm lý của em nên mỗi khi có dịp, chị lại trò chuyện và động viên con.
“Con cóc là cậu ông Trời
Hễ ai đánh nó thì trời đánh cho”
Trong trường hợp này, câu ca dao trên không còn dừng lại ở lời cảnh báo tưởng như chỉ có trong truyện cổ tích. Cái nghèo, cái đói, thiếu kiến thức và cả sự thiếu thận trọng của người lớn đã khiến cho những con vật bé nhỏ, có ích cho môi trường lại trở thành nỗi đau, nỗi day dứt, ám ảnh cho nhiều tuổi thơ. Có lẽ đây sẽ là bài học sâu sắc để thay đổi thói quen ăn thịt cóc trong cộng đồng và hi vọng không còn tái diễn nỗi đau đến từ ngộ độc cóc./.
Bài, ảnh: Thu Huế - Bảo Châu
Trung tâm truyền thông GDSK
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác