13/07/2016 12:00
Nấm là thực phẩm rất giàu dinh dưỡng không chỉ ăn ngon mà còn dễ chế biến. Đắk Lắk hiện nay đang vào mùa mưa, độ ẩm cao thuận lợi cho các loại nấm phát triển, tuy nhiên không phải loại nấm nào cũng ăn được. Vừa qua, Bệnh viện đa khoa tỉnh đã cấp cứu kịp thời các trường hợp ngộ độc nấm, đó là anh Y Hung Niê (21 tuổi) trú tại buôn Kuốp, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana và 6 anh em trong gia đình. Hiện nay các bệnh nhân này đã qua cơn nguy kịch và dần hồi phục sức khỏe. Bà Lê Thị Thanh Mai – Phó trưởng phòng Truyền thông – Quản lý ngộ độc thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đắk Lắk hướng dẫn một số cách nhận biết cơ bản về các loại nấm độc như sau:
Nấm là món ăn ngon, giàu dinh dưỡng. Ảnh: Bảo Châu
Đặc điểm của nấm độc là loại nấm thường có đủ: mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc. Bộ phận nấm độc nằm trong toàn bộ thể quả nấm (mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc nấm). Với các độc tố : Amanitin (Amatoxin), muscarin.
Ở Việt Nam thường hay gặp một số loại nấm độc như: Nấm độc tán trắng, nấm độc trắng hình nón, nấm mũ khía nâu xám và nấm ô tán trắng phiến xanh.
1.Nấm độc tán trắng. Loại nấm này thường mọc thành từng cụm hoặc mọc đơn chiếc trên mặt đất, thân cây khô mục, trong rừng và một số nơi khác.
Mũ nấm: Có màu trắng, bề mặt mũ nhẵn bóng, lúc còn non đầu tròn hình trứng, mũ nấm đính chặt vào cuống. Khi trưởng thành mũ nấm phẳng với đường kính khoảng 5-10cm. Khi già mép mũ có thể cụp xuống.
Phiến nấm: Màu trắng.
Cuống nấm: Màu trắng, có vòng dạng màng ở đoạn trên gần sát với mũ.
Chân cuống phình dạng củ và có bao gốc hình đài hoa.
Thịt nấm: Mềm, màu trắng, mùi thơm dịu.
2.Nấm độc trắng hình nón: Loại nấm này trông gần giống nấm độc tán trắng. Nấm mọc thành từng cụm hoặc đơn chiếc trên mặt đất, thân cây khô mục, trong rừng và một số nơi khác.
Mũ nấm: Màu trắng, bề mặt nhẵn bóng, mũ nấm lúc non đầu tròn hình trứng, mũ nấm đính chặt vào cuống. Khi trưởng thành mũ nấm thường khum hình nón với đường kính khoảng 4-10cm.
Phiến nấm: Màu trắng.
Cuống nấm: Màu trắng, có vòng dạng màng ở đoạn trên gần sát với mũ. Chân cuống phình dạng củ và có bao gốc hình đài hoa.
Thịt nấm: Mềm, màu trắng, mùi khó chịu.
3.Nấm mũ khía nâu xám: Nấm này mọc trên mặt đất trong rừng, nơi có nhiều lá cây mục nát và mọc một số nơi khác.
Mũ nấm: Hình nón, hình chuông, đỉnh nhọn, có các sợi tơ màu vàng, nâu tỏa ra từ đỉnh mũ xuống mép mũ nấm. Khi già, mép mũ nấm bị xẻ ra thành các tia riêng rẽ. Đường kính mũ nấm khoảng 2-8cm.
Phiến nấm: Lúc còn non màu hơi trắng gắn chặt vào cuống nấm và khi già có màu xám hoặc nâu tách rời khỏi cuống nấm.
Cuống nấm: màu từ hơi trắng đến vàng nâu dài từ 3-9cm, không có vòng cuống.
Thịt nấm: Màu trắng.
4.Nấm ô tán trắng phiến xanh: Thường mọc thành từng cụm hoặc đơn chiếc ở ven chuồng trâu, chuồng bò, trên bãi cỏ, ruộng ngô và một số nơi khác.
Mũ nấm: Lúc còn non hình bán cầu dài, màu vàng nhạt, có các vảy nhỏ màu nâu nhạt hoặc xám nhạt. Khi trưởng thành mũ nấm hình ô hoặc trải phẳng, màu trắng, đường kính mũ khoảng 5-15cm. Trên bề mặt mũ nấm có các vẩy mỏng màu nâu bẩn, vảy dày dần về đỉnh mũ.
Phiến nấm: (mặt dưới mũ nấm): Lúc non có màu trắng, lúc già có ánh màu xanh nhạt hoặc xanh xám, nấm càng già màu xanh càng rõ.
Cuống nấm: Màu từ trắng đến nâu hoặc xám, có vòng ở đoạn trên gần sát với mũ. Chân cuống không phình dạng củ và không có bao gốc. dài 10-30cm.
Thịt nấm : Màu trắng.
Để tránh xảy ra những vụ ngộc độc đáng tiếc do ăn phải nấm độc: Tuyệt đối không được ăn những loại nấm lạ, nấm hoang . Chỉ sử dụng khi biết chắc đó là loại nấm ăn được.
Bài: Hồng Vân - Ảnh: Bảo Châu
Trung tâm TTGDSK
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác