13/07/2016 12:00
Vừa qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra một số vụ ngộ độc do ăn thịt cóc để lại những hậu quả thương tâm, thậm chí chết người. Nguyên nhân xảy ra những điều trên một phần là do quan niệm cóc là loại thực phẩm vàng trong chữa bệnh còi xương suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ, một phần do sự thiếu hiểu biết về những chất độc khi chế biến thịt cóc.
Thịt cóc là một loại thực phẩm tốt nhưng không vì thế mà chúng ta bỏ qua sự nguy hiểm
do chất độc có chứa trong da, nội tạng của cóc.
Theo các nhà chuyên môn, thịt cóc là một loại thực phẩm chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, trong đó có nhiều chất có giá trị như sắt, phốt pho, can xi… và thịt cóc được nói nhiều đến ở công dụng chữa bệnh còi xương, chậm lớn, chứng biếng ăn ở trẻ nhỏ. Dù chứa hàm lượng dinh dưỡng cao và chữa được nhiều loại bệnh nhưng trong quá trình chế biến thịt cóc rất dễ bị dính các chất độc từ nhựa, gan, mật… cóc gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng con người. Chất độc của cóc như 5-MeO-DMT, bufagin, bufotaline, Epinephrine, Norepinephrine và Serotonin chủ yếu tập trung ở nhựa của cóc (tuyến sau tai, tuyến trên mắt và tuyến trên da), trong gan cóc và trong buồng trứng.
Ở Việt Nam, cóc lại có khắp nơi. Chính vì rất dễ tìm, dễ bắt chữa được còi xương, suy dinh dưỡng nên ở những vùng nông thôn, các bà mẹ thường truyền nhau kinh nghiệm dùng thịt cóc chăm sóc dinh dưỡng cho con khi thấy trẻ còi cọc, chậm lớn, chậm phát triển các chức năng vận động (biết bò, biết đi…). Chị Trần Thị Hoài Thu – p.Tự An, Tp Buôn Ma Thuột đã bộc bạch kinh nghiệm nuôi con: “ Thịt cóc chữa bệnh còi xương là tốt nhất. 2 đứa con của chị, đứa nào chị cũng bắt cóc về tự làm cho ăn, thịt cóc thơm và rất ngon. Có lúc chị làm đến hai mấy con cóc, để dành cho con ăn dần”.
Hay chị Phạm Thị Lan – Eakar, Đắk Lắk, là giáo viên tại một trường PTCS cũng từng thổ lộ về cách chăm sóc dinh dưỡng cho con: “ Mình thuê học sinh bắt cả bao cóc. Mình mang về làm thịt và cất cho con ăn dần. Ăn thịt cóc tốt lắm, giúp trẻ cứng xương, mau biết đi”.
Khi nói về sự nguy hiểm nếu ăn phải nọc độc của cóc, cả hai chị đều quả quyết: Mình làm thịt cóc sạch sẽ dưới vòi nước chảy, lột sạch da, bỏ hết nội tạng, đừng để bị dập nát. Phải tự tay mình làm, đừng để ai làm thay thì vẫn đảm bảo an toàn.
Để khẳng định việc thay thế thịt cóc cho các loại thực phẩm khác nhằm bổ sung chất đạm và can xi cho trẻ nhỏ, bác sĩ Bùi Thị Ngọc Hương – phó trưởng Khoa chăm sóc sức khỏe trẻ em & phòng chống suy dinh dưỡng, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe tỉnh cho rằng: “ Hiện nay, có rất nhiều loại thực phẩm giàu đạm, giàu can xi như thịt bò, thịt gà, tôm, cua… thậm chí còn có những loại thuốc để bổ sung hay chữa bệnh như bị còi xương đã có vitamin D, can xi… không nên mạo hiểm cho trẻ ăn thịt cóc chẳng may trong quá trình chế biến làm nhiễm chất độc từ da, gan, trứng cóc sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ”.
Các nhà chuyên môn cũng khẳng định rằng, thịt cóc là một loại thực phẩm tốt nhưng không vì thế mà chúng ta bỏ qua sự nguy hiểm do chất độc có chứa trong da, nội tạng của cóc. Mỗi người hãy tự trang bị cho mình những kiến thức về chăm sóc sức khỏe. Không tự thịt cóc làm đồ ăn hay thuốc chữa bệnh. Tuyệt đối không nên mua các loại thịt cóc được bán dạo trên thị trường. Tuyên truyền để mọi người cũng nâng cao nhận thức trong việc không sử dụng thịt cóc bởi những chất độc có chứa trong người con cóc.
Bài & ảnh: Hồng Vân - Bảo Châu
Trung tâm TTGDSK
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác