15/07/2016 12:00
Hiện nay, cụm từ “an toàn thực phẩm” xuất hiện dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng, các diễn đàn, mạng xã hội cũng như là chủ đề chính trong câu chuyện của chị em nội trợ. An toàn vệ sinh thực phẩm đã trở thành một vấn đề quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng, người sản xuất chế biến, người quản lý và các cấp chính quyền. An toàn vệ sinh thực phẩm không chỉ có vai trò quan trọng trong chiến lược bảo vệ sức khỏe con người mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Cá được bày bán, giết mổ ngay trên sàn xi măng tại chợ Tân Thành (thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk).
Ở Đắk Lắk, vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cũng đang nóng lên từng ngày. Dạo qua một số chợ trên địa bàn tỉnh, sẽ thấy rõ nỗi lo lắng của người tiêu dùng là hoàn toàn có cơ sở… Hiện nay hầu hết các gia đình có thói quen và chỉ đủ điều kiện sử dụng thực phẩm rau, thịt tại các chợ truyền thống trong khi điều kiện cần thiết về cơ sở hạ tầng, nguồn nước sạch, mặt bằng bán hàng nhìn chung ở hầu hết các chợ này chưa đạt điều kiện bảo đảm ATVSTP. Bất cứ một bà nội trợ “chuyên nghiệp” nào cũng có thể bắt gặp hình ảnh mất vệ sinh tại các chợ, đặc biệt là khu vực bày bán thủy sản (tôm, cá…) và giết mổ gia cầm. Vì sự tiện lợi của việc sơ chế sẵn tại chợ nên nhiều người tặc lưỡi chấp nhận tôm cá, gia cầm được mổ ngay trên mặt sàn bê tông. Khi được hỏi về nguy cơ có thể lây nhiễm bệnh từ gia cầm trong khi giết mổ và việc khám sức khỏe định kỳ, một người kinh doanh giết mổ gia cầm tại khu vực chợ Tân Thành (phường Tân Thành, thành phố Buôn Ma Thuột) cho biết: “Cả nhà tôi khỏe mạnh bình thường thì làm sao phải đi khám sức khỏe? Gà, vịt mà có mắc bệnh nhìn là biết ngay, không thể lây được”.
Thời gian qua, mặc dù ý thức của người tiêu dùng cũng như người sản xuất, chế biến, sản xuất kinh doanh dần được nâng lên, song công tác bảo đảm ATVSTP vẫn hết sức gian nan và nhiều thách thức, đòi hỏi sự chung tay của toàn hệ thống chính trị và xã hội. Vừa qua, toàn tỉnh thành lập 205 đoàn thanh tra, kiểm tra trong Tháng hành động vì chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm với 3.320 cơ sở/11.810 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và kinh doanh dịch vụ ăn uống được thanh tra, kiểm tra. Trong đó, có 2.363 cơ sở đạt yêu cầu chiếm tỷ lệ 71,2%. Số cơ sở sai phạm bị xử lý là 118/957 cơ sở vi phạm chiếm tỷ lệ 12,3% (phạt cảnh cáo 63 cơ sở, phạt tiền 55 cơ sở với số tiền 125.025.000 đồng). Qua đợt thanh tra, kiểm tra những cơ sở vi phạm về ATVSTP là những cơ sở nhỏ lẻ, làm theo thời vụ, quy mô hộ gia đình. Việc xử lý vi phạm về ATVSTP của các tuyến còn nương nhẹ, đặc biệt tại tuyến xã gần như chỉ nhắc nhở mà không xử lý.
Bao giờ bớt “nóng” về nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm? Không ít người tiêu dùng lo ngại thực phẩm “bẩn”, thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn đe dọa sức khỏe và tính mạng người thân song để việc lựa chọn, tiêu dùng thực phẩm an toàn một cách tin cậy thì thực sự là một bài toán khó với họ khi mà nguồn cung cấp thực phẩm chưa được kiểm duyệt. Chị Nguyễn Thị Hiền (phường Tân Thành, thành phố Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Các sản phẩm ở siêu thị có độ tin cậy cao hơn do có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nhưng giá cả lại cao, không phù hợp với túi tiền của hầu hết người tiêu dùng bình dân như chúng tôi nên cứ vừa ăn và vừa... lo thôi!”. Trong khi thói quen của hầu hết các bà nội trợ thường là mua thực phẩm chỗ quen biết, nhìn thấy tươi sống theo cảm quan thì phần lớn người bán hàng khi được hỏi đều chỉ có khái niệm về thực phẩm vệ sinh an toàn là không làm người ăn bị ngộ độc.
Trong những năm qua, nhà nước và các cơ quan chức năng của tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao ATVSTP cũng như tạo hành lang pháp lý để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng. Song vấn đề kiểm tra, kiểm soát ATVSTP hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn và bất cập cả về con người lẫn phương tiện giám định thực phẩm. Vì vậy để không ngừng nâng cao chất lượng ATVSTP thì phải không ngừng mở rộng và nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền cho mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh về ý nghĩa của ATVSTP đối với sức khoẻ con người. Bên cạnh đó các cơ quan chức năng như Y tế, Thú y, Bảo vệ thực vật, Quản lý Thị trường của tỉnh.... cần tăng cường kiểm tra, kiên quyết và triệt để hơn nữa trong việc xử lý các trường hợp vi phạm và cố tình vi phạm với hình thức xử phạt đủ sức răn đe. Các cấp có thẩm quyền cũng cần ban hành các chế tài pháp lý để xử phạt nghiêm khắc đối với các trường hợp sản xuất, vận chuyển, buôn bán, chế biến vi phạm các qui định về ATVSTP tuỳ theo mức độ cụ thể. Có như vậy chúng ta mới bảo vệ được sức khoẻ con người về trước mắt và lâu dài.
An toàn thực phẩm liên quan đến 5 khâu: Sản xuất, vận chuyển, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm. Để có thực phẩm an toàn đến người tiêu dùng thì tất cả các khâu nói trên đều cần phải được người sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm thực hành bảo đảm vệ sinh. Do đó, ngoài việc tham gia quản lý chất lượng VSATTP của các cơ quan chức năng, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức, trách nhiệm, của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Người tiêu dùng cần phải nêu cao vai trò của mình trong việc giám sát, phát giác các hành vi vi phạm VSATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Đặc biệt, người dân hãy “nói không” và “tẩy chay” với thực phẩm “bẩn”./.
Bài, ảnh: Võ Quỳnh
(T4g Đắk Lắk)
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác