29/07/2016 12:00
Sắn là sản phẩm nông sản phổ biến ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia ở vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới, có nhiều công dụng trong chế biến công nghiệp, thức ăn gia súc và lương thực thực phẩm. Sắn chứa nhiều tinh bột và cũng là loại củ dễ chế biến thành những món ăn rẻ, ngon, hợp khẩu vị.
Trong sắn có chất độc HCN rất nguy hiểm nếu ăn phải.
Sắn đang được sử dụng chủ yếu là dạng củ, lá tươi làm nguyên liệu trong chế biến thực phẩm công nghiệp (dưới dạng tinh bột, sắn lát, sắn viên…) và chế biến thức ăn (sắn củ luộc, sắn củ hấp, lá sắn muối chua…). Tuy nhiên, trong sắn củ và lá sắn chứa một lượng a xít cyanhidric (HCN) đáng kể. Hàm lượng HCN trong sắn khác nhau tùy thuộc vào giống (sắn đắng, sắn cao sản chứa hàm lượng HCN cao hơn sắn ngọt), có nhiều ở vỏ củ, lõi củ và ở lá cao hơn củ 3-5 lần. Khi hàm lượng HCN cao trong thức ăn chế biến từ củ sắn vào cơ thể người sẽ gây ngộ độc thực phẩm. Liều độc cho một người lớn là 20mg HCN. Các biểu hiện chính khi ngộ độc cyanhidric cấp tính người là hội chứng nhiễm độc thần kinh. Bệnh nhân xuất hiện bệnh nhanh chóng sau khi ăn sắn và các chế phẩm từ sắn với các biểu hiện lâm sàng như: nôn mửa, đau bụng và ỉa chảy; ù tai, chóng mặt, nhức đầu, mệt mỏi chân tay, đi không vững, có biểu hiện nặng hơn là co giật, hôn mê; khó thở suy hô háp cấp, biểu hiện xanh tím, giảm huyết áp, tăng nhịp tim…. Nếu bệnh nhân không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Hầu hết mọi người đều gặp khó khăn trong việc phân biệt sắn ngọt không độc và sắn cao sản, sắn đắng chứa nhiều độc tố. Để tránh ngộ độc sắn, khi chế biến sắn cần phải sơ chế kỹ:
- Lột sạch vỏ rồi ngâm vào nước, tốt nhất là nước gạo;
- Đầu củ chứa nhiều độc nên phải cắt bỏ;
- Luộc đến lúc sôi thì mở vung cho chất độc thoát ra;
- Khi luộc nên thay nước 2 – 3 lần để loại bỏ chất độc;
- Nên ăn sắn với đường hoặc mật để trung hòa độc tố trong sắn;
- Không nên ăn vào buổi tối vì có thể các triệu chứng ngộ độc xảy ra vào ban đêm sẽ không phát hiện kịp hoặc không kịp thời đưa đi cấp cứu;
- Không nên ăn quá nhiều, đặc biệt là trẻ em;
- Không ăn sắn lúc đói vì sẽ dễ bị ngộ độc hơn;
- Nếu thấy sắn có vị đắng thì không được ăn nữa;
- Với món lá sắn muối chua, phải rửa lá thật sạch, ngâm nước lâu hoặc luộc kỹ trước khi ăn;
- Hàm lượng HCN trong sắn nướng rất cao, là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các vụ ngộ độc sắn. Vì vậy không nên chế biến sắn theo cách này.
Trong trường hợp bị ngộ độc, trước hết cần gây nôn cho nạn nhân, sau đó cho uống nước đường, nước mía và chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế để được sơ cứu kịp thời./.
Bài, ảnh: Võ Quỳnh
(T4g Đắk Lắk)
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác