12/02/2025 08:30
Việc tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông vốn dĩ đã phức tạp thì đối với nạn nhân đã uống rượu bia thì việc này còn khó khăn, áp lực hơn đối với đội ngũ y, bác sĩ. Ghi nhận của nhóm Phóng viên chuyên mục tại Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Có mặt tại Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên trong những ngày giáp Tết Ất Tỵ 2025, chúng tôi chứng kiến rất nhiều trường hợp cấp cứu do tai nạn giao thông mà phần nhiều trong số này đều có mùi bia, rượu khiến cho các nhân viên y tế phải làm việc liên tục, không có một phút nghỉ ngơi. Càng về đêm, ngoài giờ làm việc và càng vào dịp lễ Tết thì nơi đây càng đông bệnh nhân, nhất là bệnh nhân bị tai nạn giao thông do bia, rượu.
Theo thống kê của Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên: Trung bình một ngày Khoa tiếp nhận từ 20 đến 30 bệnh nhân bị tai nạn giao thông liên quan đến bia, rượu. Ngày lễ, Tết tăng đột biến từ 40 đến 60 trường hợp. Thạc sĩ, bác sĩ CKII Nguyễn Doãn Sơn, Phó Trưởng Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên: Tai nạn giao thông do rượu, bia thường là đa chấn thương, chấn thương sọ não, thậm chí tử vong. Cái khó của các bác sĩ khi cấp cứu bệnh nhân tai nạn giao thông bị đa chấn thương đó là bệnh nhân có nồng độ cồn trong máu cao dẫn đến việc khó chẩn đoán hoặc nhiễu chẩn đoán. Nhiều trường hợp bác sĩ khó phân biệt bệnh nhân hôn mê do cồn hay hôn mê do chấn thương sọ não. Trong khi nguyên tắc cấp cứu là các bác sĩ phải nhìn, phải sờ vào hiện trạng và hỏi bệnh nhân. Nhưng với bệnh nhân nhập viện do tai nạn giao thông có uống rượu bia thì các cách này đều khó thực hiện được, dẫn đến dễ bị bỏ sót tình trạng bệnh. Ngoài ra, nhiều trường hợp cần phải phẫu thuật cấp cứu gấp nhưng do lượng cồn vẫn còn trong máu gây rối loạn đông máu, ảnh hưởng đến việc cầm máu, đặc biệt với những trường hợp chấn thương sọ não thì rất khó trong gây mê, tổn thương sau mổ cũng cao hơn so với những trường hợp tai nạn không phải do rượu bia”.
.jpg)
|
Các y, bác sĩ Khoa cấp cứu chăm sóc bệnh nhân. (ảnh: Bảo Trọng)
|
Bên cạnh áp lực cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân, nhân viên y tế còn chịu áp lực của chính sự an toàn cho bản thân. Đó là sự đe doạ từ phía người nhà bệnh nhân, thậm chí có những trường hợp bệnh nhân hoặc người đi cùng do say xỉn, mất kiểm soát, thiếu bình tĩnh đến to tiếng, có lời nói thiếu chuẩn mực, gây sự, xô xát, đe dọa hành hung nhân viên y tế……Tất cả những điều này càng làm chậm trễ thời gian cứu chữa, dẫn đến nguy cơ tử vong rất cao. Nguyên tắc trong cấp cứu là ưu tiên bệnh nhân nặng sẽ được đội ngũ y, bác sĩ tập trung cứu chữa trước sau đó mới đến bệnh nhân vừa và nhẹ. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân vì nóng lòng được cấp cứu, khám chữa bênh ngay nên đã có lời nói, hành vi và thái độ không đúng chuẩn mực, thậm chí có trường hợp đe dọa, hành hung nhân viên y tế.
Là người thường xuyên trực tiếp xử lý những trường hợp bị tai nạn giao thông do bia rượu, Thạc sĩ - bác sĩ CKII Nguyễn Doãn Sơn, Phó Trưởng Khoa cấp cứu không ít lần bị vạ lây liên quan đến tiếp nhận bệnh nhân say rượu, bác sĩ cũng từng bị người nhà bệnh nhân hoặc thân nhân bệnh nhân có những lời lẽ xúc phạm, đe doạ hành hung trong quá trình làm việc. “Vào khoa Cấp cứu thì đương nhiên ít nhiều đã có tổn thương về sức khỏe nhưng cũng có nhiều trường hợp bị chấn thương nhẹ nhưng bệnh nhân hoặc người nhà chửi bới om xòm, cho rằng cán bộ y tế thờ ơ, trong khi chúng tôi đang phải xử trí, theo dõi những bệnh nhân nặng hơn khác. Một số trường hợp khác khi chưa được thăm khám sẽ nghĩ chúng tôi vô cảm hay có tiền thì mới khám, họ có những lời nói, thái độ xem thường và can thiệp luôn vào chuyên môn của chúng tôi. Họ lạm dụng điện thoại đường dây nóng của bệnh viện, gọi cho lãnh đạo cho bệnh viện. Thực tế chúng tôi phải sắp xếp bệnh nhân nặng xử trí trước, bệnh nhẹ sau, chứ không phải bệnh nhân nào vào trước sẽ được cấp cứu trước. Nếu bệnh nhân hiểu được, tạo điều kiện cho chúng tôi thì quá tốt. Còn nếu không, chúng tôi vẫn phải áp dụng theo quy định, quy chế của Bộ Y tế để làm chứ không thể làm theo yêu cầu người bệnh. Việc bệnh nhân, người nhà chửi bới, quát nạt, đập phá ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của y, bác sĩ. Nếu sự việc đó xảy ra ngay từ đầu buổi trực thì nhân viên y tế sẽ bị ức chế, căng thẳng suốt cả ca trực. Từ đó sẽ ít nhiều tác động đến việc cấp cứu, khám, chẩn đoán, thủ thuật và người thiệt thòi nhất sẽ là bệnh nhân”, bác sĩ Sơn cho biết thêm.
Là người công tác tại Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên gần 10 năm, điều dưỡng Nguyễn Thị Châu cũng không ít lần bị bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân cầm dao rượt đuổi. Chị tâm sự: “Từ ngày tôi công tác ở đây trường hợp bị tai nạn giao thông liên quan tới rượu bia rất nhiều. Tai nạn giao thông mà trong cơ thẻ đã nồng độ cồn thì bệnh nhân thường có thái độ không tốt, dễ kích động, có thể chửi, gây hấn, không hợp tác với nhân viên y tế, làm lâu năm rồi cũng thành thói quen. Mới đầu tôi rất buồn, nhiều khi không muốn gắn bó với nghề nữa, nhưng cứ nghĩ vì đây là công việc, là nhiệm vụ nên phải vượt qua”.
Thực tế cho thấy uống quá nhiều rượu, bia, dẫn đến mất kiểm soát hành vi để lại hậu quả rất nặng nề về sức khỏe, có nhiều trường hợp sức khỏe không hồi phục, mất khả năng lao động, liệt vĩnh viễn và rất nhiều trường hợp đã tử vong. Do vậy, các bác sĩ khoa cấp cứu khuyến cáo người dân không nên uống rượu bia, nếu cần phải uống bia, rượu nên uống có chừng mực và biết kiểm soát, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Nếu đã sử dụng rượu, bia thì không nên lái xe, không tham gia giao thông, nếu phải di chuyển thì nên sử dụng phương tiện giao thông công cộng hoặc xe dịch vụ để bảo vệ sức khoẻ cho chính mình và cộng đồng./.
Mỹ Hạnh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác