18/02/2025 08:54
Khác với hệ điều trị là chữa khỏi bệnh cho từng người dân thì hệ dự phòng làm công tác phòng bệnh cho cả cộng đồng. Họ được ví như những người “gác cổng” dịch bệnh, dẫu đối mặt với nhiều khó khăn gian khổ, nguy cơ lây bệnh cao, nhưng họ vẫn luôn tràn đầy nhiệt huyết, dấn thân vì sức khỏe cộng động.
Âm thầm trong vùng dịch
Với 53 tuổi đời, đến nay bác sĩ Trần Kim Long, Phó phụ trách Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk đã có 27 năm gắn bó với nghề y tế dự phòng. Theo bác sĩ Long, đặc thù của cán bộ hệ dự phòng là rất nguy hiểm vì thường xuyên phải đi vào vùng dịch để giám sát. Công việc của họ vất vả không kém gì những bác sĩ trực tiếp cứu chữa bệnh nhân. Không chỉ là nhiệm vụ đi “săn muỗi”, phun hóa chất, thu thập số liệu khi có dịch, ngay cả chuyện vận động tuyên truyền người dân đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ cũng gặp không ít khó khăn.
.jpg)
|
Bác sĩ Trần Kim Long, Phó phụ trách Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk bắt muỗi để điều tra nguyên nhân truyền bệnh viêm não Nhật Bản. ( Ảnh: Quang Nhật)
|
Đáng nhớ nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, bản thân bác sĩ Long là một trong những cán bộ y tế đầu tiên tiếp xúc với các bệnh nhân mang mầm bệnh từ thành phố HCM trở về để giám sát, khống chế, khoanh vùng, lấy mẫu để xử lý ổ dịch kịp thời. Được coi là tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch Covid-19 do vậy, những cán bộ nhân viên y tế từ tỉnh đến địa phương đã tích cực đi từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, góp phần cùng cả nước từng bước khống chế dịch bệnh.
“Khi đại dịch COVID-19 “ập xuống”, lực lượng y tế rất mỏng, các ổ dịch xuất hiện rải rác trong toàn tỉnh. Cứ mỗi lần có ca bệnh là không kể nắng mưa, đêm ngày, chúng tôi phải lên đường truy vết tìm F1, F2… Vì là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, sau mỗi đợt truy vết, chúng tôi phải cách ly cả một thời gian dài, có khi cả tháng không về với gia đình và đã có nhiều đồng nghiệp bị phơi nhiễm”, bác sĩ Long tâm sự
Với tinh thần trách nhiệm cao, đội ngũ cán bộ làm công tác y tế dự phòng được ví như người gác cổng đối với dịch bệnh. Nhờ vậy, nhiều năm gần đây tỉnh Đắk Lắk đã có những thành công rất lớn trong việc khống chế, kiểm soát và tiến tới loại trừ bệnh sốt rét. Anh Đặng Tiến Hách, Khoa Ký sinh trùng côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đăk Lăk đã có thâm niên 35 năm trong nghề chia sẻ: Ở thời điểm năm 1990-1997 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra rất nhiều điểm bùng phát mạnh bệnh sốt rét như xã Cư Pơng huyện Krông Buk, Cư Suê huyện Cư M’gar; Cư Pui, Cư Đrăm, Yang mao huyện Krông Bông; xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. Thời điểm đó, những cán bộ y tế dự phòng như anh luôn xông pha tại các điểm nóng này mà không quản ngày, đêm để thực hiện nhiệm vụ được giao, thậm chí có năm ngày 29 tết các anh vẫn còn điều tra khám bệnh và phát thuốc cho người dân trong các ổ dịch sốt rét. Anh Hách chia sẻ, cách đây đã gần 30 năm chúng tôi đã đi bộ luồn qua cánh rừng rậm từ sáng tới chiều tối mới tới điểm sốt rét thuộc xã Cư Pui, huyện Krông Bông để điều tra dịch bệnh, tại đây nghe dân kể lại ở khu này đã có nhiey62 người chết vì bị sốt rét.
.jpg)
|
Anh Đặng Tiến Hách(ngồi bên phải)cùng đồng nghiệp đang điều tra ký sinh trùng sốt rét gây bệnh tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. ( Ảnh: Đình Thi)
|
“Tại các điểm điều tra chúng tôi đều phải tiến hành bắt muỗi truyền bệnh sốt rét. Bắt đầu từ 18h tối chúng tôi ngồi im lặng ở một góc nơi lặng gió, quần áo xắn lên để lộ ra một phần cơ thể để nhử muỗi đốt. Cứ như thế, chúng tôi thay phiên nhau cả đêm để bắt muỗi cho tới 6h sáng hôm sau. Trong thời gian phơi mình làm mồi cho muỗi, không chỉ bị muỗi đốt mà còn bị nhiều loài côn trùng khác cắn, đốt… thậm chí cả các mối nguy hại khác như rắn, bọ cạp, rết…. Ngày nay nhìn những Buôn làng vắng bóng bệnh sốt rét chúng tôi cảm thấy rất phấn khởi vô cùng”, anh Hách chia sẻ.
Nỗ lực phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe nhân dân
Khó có thể kể hết những gian khổ của đội ngũ các y, bác sĩ làm công tác dự phòng. Công việc vất vả, thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với nhiều hóa chất độc hại, có mặt đầu tiên tại các ổ dịch nguy hiểm… Đôi khi vì tính chất công việc, nhiều người còn bị lây bệnh và mang cả mầm bệnh về cho gia đình. Những hy sinh, cống hiến của đội ngũ y, bác sĩ dự phòng vì sức khỏe của nhân dân là không nhỏ, tuy nhiên ít người biết và hiểu hết vai trò của họ bởi công việc của bác sĩ dự phòng rất thầm lặng.
Thầy thuốc ưu tú, Thạc sĩ, bác sĩ CKII Hoàng Hải Phúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, với tinh thần trách nhiệm cao, đội ngũ cán bộ làm công tác y tế dự phòng được ví như người “gác cổng” đối với dịch bệnh. Chỉ cần một chút sơ sẩy hoặc năng lực hạn chế là các loại bệnh dịch sẽ có cơ hội đột nhập, tấn công cộng đồng ngay. Tuy nhiên, với tinh thần chủ động, nghiêm túc triển khai các biện pháp trong phòng, chống dịch nên dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát. Các ổ dịch được phát hiện, xử lý kịp thời không có ca bệnh thứ phát, không có ổ dịch lớn, hạn chế thấp nhất tử vong do bệnh dịch.
.jpg)
|
Công tác dự phòng góp phần đặc biệt quan trọng xây dựng cuộc sống an toàn, bảo vệ sức khỏe của nhân dân. (Ảnh: Đình Thi)
|
Trong năm 2024, toàn tỉnh đã có 12 bệnh giảm, 11 bệnh tăng, 17 bệnh ổn định so với cùng kỳ năm 2023. Công tác tiêm chủng mở rộng cũng được đơn vị tích cực triển khai, đặc biệt đơn vị đã tập trung đẩy mạnh tiêm bù, tiêm vét vắc xin cho các trẻ thiếu mũi tiêm. Kết quả, trong năm 2024 tỷ lệ tiêm chủng đủ liều cho trẻ dưới 1 tuổi đạt 91,7, 36,8 so với cùng kỳ năm 2023; Tỷ lệ tiêm Sởi - Rubella cho trẻ 18 tháng đạt 94,2% tăng 26,4 % so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ lệ tiêm DPT 4 đạt 61,3%, tăng 21,2% so với năm 2023; Trẻ được bảo vệ UVSS đạt 93,1%, tăng 6,9 so với năm 2024. Hoạt động phòng, chống các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, đái tháo đường và các rối loạn do thiếu Iốt đã triển khai nhiều đợt giám sát và các lớp tập huấn. Công tác truyền thông, giáo dục sức khoẻ được tổ chức đa dạng, phong phú với nhiều hình thức trực tiếp, gián tiếp đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe. Các Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển Kinh tế - Xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cùng các dự án RAI4E, HPA, Dự án SC, Dự án phòng chống tác hại thuốc lá... đều được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật chú trọng triển khai và đạt nhiều kết quả. Bên cạnh các hoạt động dự phòng, trong năm 2024, Trung tâm đã kịp thời, tích cực, chủ động tham mưu cho Sở Y tế trình UBND tỉnh ban hành các văn bản thuộc lĩnh vực theo chức năng nhiệm vụ được giao nhằm lãnh, chỉ đạo, tạo cơ chế phù hợp để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
“Y tế dự phòng có vai trò quan trọng trong chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Kể từ khi được thiết lập đến nay, hệ thống y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk không ngừng phát triển, ứng phó kịp thời với nhiều dịch bệnh và đại dịch nguy hiểm, góp phần bảo vệ, nâng cao sức khỏe người dân, thực hiện hiệu quả các chương trình, mục tiêu y tế. Trong muôn vàn khó khăn, thiếu thốn và nguy hiểm đã có nhiều lắm những giọt mồ hôi, máu, nước mắt, có tinh thần trách nhiệm, có ý chí quyết tâm, kiên cường của mỗi cán bộ, y bác sĩ dự phòng trên trận tuyến chống dịch đầy khốc liệt, gian khổ. Mặc cho “ngày đội nắng mưa, đêm đội sương gió rét” nhưng cán bộ y tế dự phòng vẫn thầm lặng bám đường, bám chốt, tiếp xúc trực tiếp với dịch bệnh mà không màng khó khăn, không sợ nguy hiểm, sẵn sàng vì mục tiêu chung là bảo vệ an toàn sức khỏe của nhân dân, vì nhân dân phục vụ”, Thầy thuốc ưu tú, Thạc sĩ, bác sĩ CKII Hoàng Hải Phúc chia sẻ.
Có thể nói: lặng thầm với những công việc tuyên truyền, giám sát, tẩm màn, bắt muỗi, điều tra, truy vết ca bệnh…, trong những năm qua, những người làm công tác y tế dự phòng vẫn đang ngày đêm đóng góp công sức của mình vào công cuộc phòng chống dịch bệnh cho nhân dân. Dẫu còn muôn vàn khó khăn nhưng họ không chùn bước. Với họ, trong cái khó khăn vất vả thì niềm vui chính là hạnh phúc của nhân dân và không có người dân nào mang vi rút bệnh, trong xã hội ai cũng ý thức tự giác trong việc phòng bệnh.
Bảo Trọng
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác