13/02/2025 09:16
Thời điểm hiện nay, đang trong giai đoạn thời tiết mùa đông xuân với điều kiện khí hậu gió mùa thuận lợi cho các mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp phát triển, trong đó có bệnh cúm mùa. Đặc biệt trong những tuần gần đây, bệnh cúm mùa đang gia tăng ở Nhật Bản và nhiều quốc gia trên thế giới, làm dấy lên lo ngại cho nhiều người. Để bảo vệ sức khỏe, người dân cần chú ý thực hiện các biện pháp phòng bệnh và phòng các biến chứng khi mắc bệnh.
Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm phổ biến nhưng có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não và thậm chí tử vong, đặc biệt ở những người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người có bệnh nền. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 1 tỷ ca mắc cúm, với 3-5 triệu ca bệnh nặng và từ 290.000 đến 650.000 ca tử vong. Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận từ 600.000 - 1.000.000 trường hợp mắc cúm mùa. Tại tỉnh Đắk Lắk, theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC), từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận gần 500 trường hợp bệnh nhân mắc cúm. Theo bác sĩ Trần Kim Long – Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Phòng, chống bệnh Truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, vi rút cúm A(H1N1) tồn tại khá lâu ngoài môi trường, có thể sống từ 24-48 giờ trên các bề mặt như bàn, ghế, tủ… hay có thể tồn tại trong quần áo từ 8-12 giờ và duy trì được 5 phút trong lòng bàn tay. Đặc biệt, mầm bệnh có thể sống lâu trong môi trường nước như sống đến 4 ngày ở nhiệt độ khoảng 22 độ C và sống vài tuần ở nhiệt độ 0-4 độ C. Điều kiện thời tiết mưa nhiều, độ ẩm thấp, thiếu ánh nắng để tiêu diệt vi rút càng thuận lợi cho vi rút cúm phát triển. Thông thường, cúm thường diễn biến biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng, ho và phục hồi trong vòng 2-7 ngày. Tuy nhiên, bệnh có thể trở nặng và gây tử vong khi vi rút xâm nhập các cơ quan gây viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não, nhiễm trùng huyết. Đặc biệt, các nhóm đối tượng như người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, trẻ em, người có các bệnh lý nền về tim mạch, hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính, suy thận, đái tháo đường… khi mắc cúm có nguy cơ cao trở nặng hơn.
.jpg)
|
Người dân tiêm vắc xin cúm tại Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên.
|
Cũng theo bác sĩ Long, để phòng bệnh cúm, đặc biệt đối với những nhóm đối tượng có nguy cơ cao như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và những người có bệnh nền, việc chủ động tiêm vắc xin cúm là rất quan trọng và nên thực hiện càng sớm càng tốt. Việc tiêm vắc xin sẽ tăng hiệu quả phòng ngừa cúm và các biến chứng nguy hiểm do bệnh cúm gây ra. Tổ chức Y tế Thế giới thông báo, việc tiêm phòng vắc xin cúm làm giảm tỷ lệ tử vong do cúm đến 70-80% và có hiệu lực bảo vệ lên tới 80%-90%. Tính riêng với bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, tiêm vắc xin có thể giảm 35% tỉ lệ nhập viện và tử vong ở bệnh nhân tim mạch, giảm 58% tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân đái tháo đường, giảm 70% tỷ lệ tử vong ở người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Các nghiên cứu cho thấy, những người đã tiêm vắc xin cúm có nguy cơ phải vào viện chăm sóc đặc biệt (ICU) thấp hơn 26% và nguy cơ tử vong do cúm thấp hơn 31% so với người chưa tiêm. Tiêm cúm giúp thai phụ giảm 51% nguy cơ thai chết lưu, giảm 72% nguy cơ trẻ dưới 6 tháng tuổi nhập viện do cúm.
Vắc xin phòng bệnh cúm có khả năng bảo vệ tốt, làm giảm nguy cơ mắc bệnh và tiến triển nặng. Tiêm chủng không chỉ tạo miễn dịch bảo vệ bản thân mà còn đồng thời tạo miễn dịch cộng đồng, bảo vệ những người yếu thế, chưa được tiêm vắc xin hoặc chưa đến tuổi tiêm chủng như trẻ sơ sinh, thai phụ, người mắc các bệnh lý cấp tính. Hiện Việt Nam có hai loại vắc xin cúm tứ giá thế hệ mới, phòng 4 chủng vi rút phổ biến gồm cúm A/H1N1, A/H3N2, B/Yamagata, B/Victoria, dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn. Hiệu quả phòng bệnh đến 90% và ngăn biến chứng như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phổi, viêm cơ tim, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết…Đối với vắc xin cúm mùa, trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi cần tiêm hai mũi cách nhau tối thiểu một tháng nếu chưa từng chủng ngừa cúm. Trẻ từ 9 tuổi và người lớn chỉ cần tiêm 1 mũi. Phụ nữ nên tiêm phòng cúm trước và trong thai kỳ, tốt nhất từ tháng thứ 3 trở đi để bảo vệ sức khỏe, truyền kháng thể thụ động cho con. Vắc xin cúm cần tiêm nhắc lại hàng năm một mũi do cấu trúc kháng nguyên của vi rút cúm thay đổi mỗi năm và kháng thể bảo vệ từ vắc xin giảm dần theo thời gian.
Để tăng hiệu quả phòng bệnh lây qua đường hô hấp, bác sĩ Long khuyến cáo bên cạnh biện pháp vắc xin, người dân cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên rửa tay, vệ sinh mũi họng hằng ngày. Mỗi người giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh, hoặc người nghi ngờ mắc bệnh. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời, tránh tự điều trị theo mẹo dân gian khiến bệnh trở nặng.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác