23/12/2015 12:00
Nói đến bệnh ung thư, mọi người thường nghĩ rằng đây là căn bệnh vô phương cứu chữa. Tuy nhiên, ngày nay y học phát triển cùng với những phương pháp trị liệu tiên tiến, một số bệnh ung thư có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Và ung thư dạ dày cũng là một trong số các bệnh ung thư đó.

Một bệnh nhân bị bệnh ung thư dạ dày đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk
Hiện nay, ung thư dạ dày là một căn bệnh hay gặp, có tỷ lệ tử vong cao, xếp thứ hai ở nam sau ung thư phổi và xếp thứ hai ở nữ sau ung thư vú. Thường thì nam giới mắc nhiều hơn nữ giới.
Ung thư dạ dày có đặc điểm là bệnh tiến triển âm thầm, không có những triệu chứng đặc hiệu so với các bệnh lý thông thường về dạ dày, tiêu hóa. Nhiều bệnh nhân ung thư dạ dày cho biết, họ không hề có thói quen khám sức khỏe định kỳ cũng như kiểm tra, tầm soát bệnh. Một số người khác thì trì hoãn đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám vì nhầm lẫn giữa các triệu chứng của ung thư dạ dày với tình trạng viêm loét dạ dày thông thường.
Đó cũng là trường hợp của ông Dương Mạnh Hà, thường trú tại Buôn Krông A, xã Ea Tu- thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ông cho biết: “Khi được các bác sỹ phát hiện ung thư dạ dày, trước đó khá lâu, ông thường xuyên có cảm giác khó chịu ở dạ dày, nhưng vì nghĩ đó là triệu chứng của viêm dạ dày thông thường nên ông tự mua thuốc về điều trị. Đến khi thấy các biểu hiện ngày càng nặng hơn, ông mới đi khám ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk thì biết mình bị ung thư dạ dày ở giai đoạn khá muộn”. Mặc dù đã được phẫu thuật nối vị tràng, nhưng khối u vẫn còn nên việc hóa trị gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, ông Hà vẫn đang được điều trị hỗ trợ tích cực, mục đích nhằm kéo dài sự sống, hạn chế tiến triển bệnh.
Tương tự trường hợp ông Hà, ông Nguyễn Hữu Phượng- thường trú thôn 8 xã Ea Kiết, huyện CưM’Gar, tỉnh Đắk Lắk có rất ít thông tin về bệnh ung thư dạ dày. Trong một lần tình cờ đi khám tổng quát và được nội soi, các bác sỹ phát hiện ông bị tổn thương u sùi, u dạ dày. Đến tháng 6 năm 2015, khi đã phẫu thuật cắt bỏ khối u dạ dày, ông mới thực sự ngỡ ngàng trước căn bệnh âm thầm nhưng cũng thật nguy hiểm này. “Tôi không hề cảm thấy đau hay có bất kỳ một triệu chứng nào về dạ dạy, chỉ thấy da dẻ xanh xao và thiếu máu, đi khám mới phát hiện bị u dạ dày”. Ông Nguyễn Hữu Phương cho biết.
Theo các bác sỹ chuyên khoa, bệnh ung thư dạ dày nếu được phát hiện sớm ở giai đoạn đầu, tỷ lệ chữa bệnh thành công khá cao. Tuy nhiên, tại Khoa ung bướu- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, đa phần bệnh nhân đến khám khi đã ở giai đoạn muộn. Từ đầu năm đến nay, Khoa Ung bướu tiếp nhận 271 trường hợp bệnh nhân bị ung thư dạ dày trong tổng số 376 bệnh nhân bị dạ dày đến khám. Hiện khoa đang tích cực điều trị cho khoảng 10 bệnh nhân, trong đó, có đến 90% các ca bệnh đều đã rất nặng. Thời gian sống của những bệnh nhân này kéo dài được 15% trong vòng 5 năm.
Ung thư dạ dày ở giai đoạn đầu hầu như không có triệu chứng. Nhưng khi bệnh đã tiến triển nặng hơn, thì bệnh nhân thường cảm thấy khó chịu ở vùng thượng vị, cảm giác đầy bụng sau ăn, buồn nôn và ói mửa, sụt cân nhanh. Tuy nhiên, các dấu hiệu này không phải là triệu chứng đặc hiệu của ung thư nên bệnh nhân dễ nhầm lẫn với các bệnh khác của dạ dày. Đây cũng chính là nguyên nhân khi đã phát hiện ung thư dạ dày thì bệnh đã di căn ở giai đoạn muộn.
Bác sỹ Nguyễn Viết Luân- Khoa Ung bướu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Cho đến nay, y học vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ung thư dạ dày, tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh này đã được ghi nhận. Đó là những người bị bệnh viêm teo niêm mạc dạ dày, dị sản, polip dạ dày, viêm dạ dày mãn tính do nhiễm vi trùng Helicobacter Pylori; những người có thói quen ăn uống nhiều dầu mỡ, đồ nướng, hun khói, thức ăn quá mặn, thường xuyên sử dụng các chất kích thích, như: bia rượu, thuốc lá… cũng là nguyên nhân dễ mắc bệnh dạ dày”.
Ung thư dạ dày tiến triển âm thầm và triệu chứng ban đầu khá mơ hồ, nhưng ngày nay nhờ vào những tiến bộ của y học, nhiều trường hợp bệnh đã được phát hiện ở giai đoạn sớm, hiệu quả điều trị cũng được nâng cao đáng kể. Vì vậy, biện pháp tốt nhất để phát hiện ung thư nói chung và ung thư dạ dày nói riêng là nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần, ngoài việc làm các xét nghiệm thì nội soi dạ dày là rất cần thiết. Bởi đối với bệnh ung thư dạ dày, cho dù làm các xét nghiệm vẫn không thể phát hiện bệnh mà phải nội soi. Ngoài ra, nếu thấy cơ thể khác lạ, có các biểu hiện, như: chán ăn, đầy bụng, ăn không tiêu thường xuyên; từng mắc hoặc đang bị viêm dạ dày mãn tính; cơ thể mệt mỏi, bị sụt giảm cân nghiêm trọng; bị sốt dai dẳng mà không rõ nguyên nhân; đi đại tiện thấy phân đen thì nên đến các cơ sở y tế để khám, làm các xét nghiệm cần thiết.
Đối với những người đã mắc ung thư dạ dày, nên có một chế độ ăn uống phù hợp, tư tưởng luôn thoải mái, tinh thần lạc quan và đặc biệt trong quá trình điều trị nên tin tưởng và tuân thủ phương pháp điều trị của bác sỹ một cách nghiêm túc thì bệnh sẽ được cải thiện hơn rất nhiều./.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh - Đình Thi
(Trung tâm TT-GDSK)
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác