07/06/2016 12:00
Cưới nhau được 10 năm và đã có một cô con gái học lớp 2, nhưng hiện tại chị Thanh, anh Việt ở xã Ea M’Nang huyện CưM’Gar, tỉnh Đắk Lắk phải thường xuyên đi Bệnh viện Từ Dũ- Thành phố Hồ Chí Minh để điều trị vô sinh thứ phát. Chị Thanh cho biết: “Sau 7 năm kế hoạch, vợ chồng muốn sinh thêm đứa thứ hai cho có chị có em, nhưng chờ đợi đã hơn một năm rồi mà vẫn không có kết quả. Vừa lo lắng, vừa sốt ruột, vợ chồng tôi đi khám mới biết tôi bị tắc ống dẫn trứng nên khó có con, nguyên nhân là do bị viêm nhiễm phụ khoa nhiều lần mà không điều trị dứt điểm”.

Một bệnh nhân đang được tư vấn chữa trị vô sinh thứ phát tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Đắk Lắk
Còn trường hợp của vợ chồng chị Hòa ở xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột thì phải nỗ lực rất nhiều mới sinh được đứa thứ hai. Chị Hòa kể: “Năm 24 tuổi, tôi cưới chồng và có con ngay sau đó. Trong thời gian cho con bú, do không sử dụng biện pháp tránh thai nào nên đứa con đầu chưa tròn một tuổi, tôi đã mang thai. Lo lắng vì điều kiện kinh tế khó khăn, hai vợ chồng lại chưa có công việc ổn định, vợ chồng tôi quyết định phá bỏ thai để kế hoạch. Sau 5 năm, khi kinh tế khá hơn, vợ chồng muốn sinh thêm con cho vui nhà vui cửa. Vậy mà hơn một năm rưỡi dù không dùng biện pháp tránh thai, tôi vẫn không có con, đi khám mới biết bị vô sinh thứ phát do lần phá thai trước. Vì luôn khao khát có thêm con, được sự hỗ trợ của hai bên gia đình nội ngoại, bao nhiêu tiền làm được, vợ chồng tôi dốc hết cho việc chạy chữa vô sinh, làm thụ tinh nhân tạo. Kiên trì hơn một năm, tốn khoảng chi phí không hề nhỏ tôi may mắn mới có đứa con này”.
Mặc dù không có số liệu thống kê cụ thể về số người bị vô sinh thứ phát, song, bác sỹ Chuyên khoa I Nguyễn Thị Hoa- Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Hiện nay, Đắk Lắk chỉ dừng lại ở việc điều trị viêm nhiễm sản phụ khoa thông thường mà chưa áp dụng các kỹ thuật chuyên sâu về điều trị, chữa bệnh vô sinh nên hầu hết những người nghi ngờ bị vô sinh thường lên thẳng tuyến trên hoặc đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám. Do vậy, khó thống kê được số liệu cụ thể về bệnh vô sinh thứ phát. Tuy nhiên, có thể khẳng định, bệnh này đang ngày càng gia tăng”.
Theo định nghĩa y khoa, vô sinh thứ phát là những trường hợp đã từng có thai ít nhất một lần, muốn sinh tiếp nhưng không thể được thì gọi là vô sinh thứ phát. Có nhiều nguyên nhân gây vô sinh thứ phát, ở nữ giới thường liên quan đến các yếu tố, như: Viêm nhiễm đường sinh sản, trì hoãn thời gian có con, lớn tuổi và đặc biệt là các tai biến sau nạo phá thai nhiều lần v.v…Theo số liệu thống kê tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Đắk Lắk, năm 2015, toàn tỉnh có 2. 458 ca nạo phá thai tại các cơ sở y tế nhà nước và thực tế con số này còn nhiều hơn nếu thống kê tại tất cả các phòng khám tư nhân. Tình trạng nạo phá thai nhiều cũng đồng nghĩa với việc tỷ lệ người mắc bệnh vô sinh thứ phát ngày càng gia tăng. Bác sỹ Hoa cảnh báo: “Nạo phá thai dù có an toàn hay không thì cũng sẽ để lại những biến chứng khá nặng nề, có thể nhiễm trùng, tổn thương nội mạc, cơ tử cung, thủng tử cung, viêm tắc hai vòi trứng hoặc dính lòng lòng tử cung. Trường hợp nếu chỉ bị viêm tắc hai vòi trứng có thể thụ tinh trong ống nghiệm để có con, nhưng đã bị dính buồng tử cung, dính vòi trứng thì vô phương cứu chữa”. Vô sinh thứ phát không chỉ xảy ra ở nữ giới mà còn gặp ở cả nam giới. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm trùng đường sinh dục, sử dụng nhiều rượu bia, hút thuốc lá, rối loạn chức năng tình dục, tai nạn vùng sinh dục…và đặc biệt những người có đời sống tình dục không lành mạnh, dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục làm tăng khả năng bị vô sinh thứ phát.
Ngày nay, với nền y học hiện đại, việc điều trị vô sinh thứ phát không khó. Tuy nhiên, không phải cặp vợ chồng nào cũng có điều kiện để chữa trị bệnh vô sinh vì chi phí cho mỗi lần điều trị là vô cùng tốn kém và cũng không phải cặp vợ chồng nào cũng may mắn thành công. Có một thực tế là nhiều cặp vợ chồng vì quá áp lực tâm lý, lo lắng nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình điều trị.
Để hạn chế tối đa tình trạng vô sinh thứ phát như hiện nay, các cặp vợ chồng, ngoài việc cân nhắc về tuổi tác về người mẹ để có thai, không nên kéo dài khoảng cách giữa hai lần sinh con, thời gian lý tưởng, hợp lý nhất là từ 3 đến 5 năm và tốt nhất trước 35 tuổi. Trong trường hợp muốn có thai, nếu sau một năm không sử dụng bất kỳ một phương pháp tránh thai nào mà không có thai thì cả hai vợ chồng nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được kiểm tra sớm. Tùy vào tình trạng bệnh, bác sỹ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp để có cơ hội sinh thêm con. Đặc biệt, đối với phụ nữ nên đi khám phụ khoa 6 tháng một lần để tránh viêm, nhiễm khuẩn làm dính vòi tử cung. Nếu có ý định bỏ thai ngoài ý muốn, phải chọn cơ sở y tế an toàn bởi có không ít trường hợp bị vô sinh thứ phát do bị can thiệp quá thô bạo, không đúng kỹ thuật hoặc nhiễm khuẩn do không được hướng dẫn sử dụng kháng sinh đúng cách./.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh
(Trung tâm TT-GDSK)
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác