20/07/2016 12:00
Bại liệt là gì?
Bại liệt là một bệnh truyền nhiễm do virus bại liệt gây ra, đây là bệnh nguy hiểm, thuộc nhóm A (theo Luật Phòng chống các bệnh truyền nhiễm), chủ yếu gặp ở trẻ em. Virus lây truyền chủ yếu theo đường phân miệng, một số trường hợp lây theo đường nước và thức ăn. Sau khi vào đường tiêu hóa virus nhân lên trong ruột non, từ đó xâm nhập vào hệ thần kinh và gây bại liệt. Các triệu chứng của bại liệt bao gồm sốt, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, cứng cổ và đau tay chân. Trong một số trường hợp gây liệt thường là vĩnh viễn. Hiện chưa có thuốc điều trị bại liệt, cách dự phòng tốt nhất là sử dụng vắc xin.

Bại liệt là một bệnh truyền nhiễm do virus bại liệt gây ra,
đây là bệnh nguy hiểm chủ yếu gặp ở trẻ em. (Bảo Châu)
Số ca mắc bại liệt trên toàn thế giới đã giảm 99% kể từ năm 1988. Tính đến cuối năm 2015, bệnh bại liệt vẫn còn là dịch lưu hành địa phương (endemic) tại 2 quốc gia là Afghanistan (52 trường hợp) và Pakistan (19 trường hợp). Những quốc gia khác vẫn còn nguy cơ bại liệt xâm nhập, bao gồm Cameroon, Equatorial Guinea, Ethiopia, Iraq, Nigeria, Somalia, Nam Sudan và Syria. Sáng kiến toàn cầu thanh toán bại liệt, Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Bill & Melinda Gates, và các tổ chức khác tiếp tục những nỗ lực để tiến đến thanh toán bại liệt trên toàn cầu. Việt Nam đã được WHO công nhận thanh toán bại liệt từ năm 2000.
Trong thời đại ngày nay, khi mức độ lưu thông giữa các nước là rất lớn, một khi có 1 trẻ mắc bệnh bại liệt ở 1 quốc gia nào đó sẽ là nguy cơ cho trẻ em tất cả các nước khác, bại liệt dễ dàng xâm nhập vào các quốc gia không có bại liệt và lây lan nhanh chóng trong những quần thể chưa được được tiêm chủng. Nếu chương trình thanh toán bại liệt thất bại hàng năm trên toàn thế giới sẽ có khoảng 200.000 ca bại liệt mới mỗi năm, trong 10 năm đến.
Vắc xin phòng bại liệt:
Hiện nay có 2 loại vắc xin phòng bại liệt đó là:
Vắc xin bại liệt bất hoạt dạng tiêm IPV (Inactivated Polio Vaccine) và vắc xin bại liệt sống giảm độc lực (live attenuated vaccine) dạng uống OPV (Oral Polio Vaccine).
Jonas Salk 1914-1995:
IPV (Inactivated Polio Vaccine) đây là loại vắc xin bại liệt bất hoạt, thường sử dụng bằng đường tiêm bắp; do Jonas Salk, phát minh và đưa vào sử dụng từ 1955. Tại Việt Nam hiện nay vắc xin bại liệt dạng tiêm có các dạng: Bại liệt dạng tiêm đơn thuần hoặc hết hợp trong các vắc xin 6 trong 1 (Infanrix Hexa - bạch hầu, ho gà, uốn ván, Hib, viêm gan B và bại liệt) hoặc vắc xin 5 trong 1 (Pentaxim- bạch hầu, ho gà, uốn ván, Hib và bại liệt) hoặc 4 trong 1 (Tetraxim - bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt). Hiện nay nhiều quốc gia phát triển sử dụng vắc xin kết hợp nhiều thành phần có bại liệt dạng tiêm trong tiêm chủng mở rộng mà không sử dụng OPV.
1906-1993
OPV - Vắc xin phòng bại liệt dạng uống do Albert Sabin phát minh và cấp phép vào 24/8/1960, lúc đầu vắc xin OPV chỉ có type 1; sau đó vắc xin chứa type 2 và 3 lần lượt ra đời. Năm 1963 vắc xin kết hợp chứa 3 type virus bại liệt được cấp phép; đây là loại vắc xin sống giảm độc lực, thành phần vắc xin chứa 3 type virus bại liệt - còn gọi là vắc xin bại liệt 3 type (Trivalent Oral Polio Vaccine -viết tắt là tOPV)
Khi uống vắc xin bại liệt sẽ tạo kháng thể đối với cả 3 type virus bại liệt. Trong trường hợp cơ thể bị nhiễm virus bại liệt, kháng thể này sẽ bảo vệ cơ thể khỏi bị bại liệt nhờ vào cơ chế ngăn cản sự xâm nhập của virus bại liệt hoang dại vào hệ thần kinh.
Vắc xin OPV tạo được đáp ứng miễn dịch tại chỗ, niêm mạc ở màng nhầy của ruột non. Trong trường hợp nhiễm trùng, miễn dịch từ niêm mạc ức hạn chế sự nhân lên của virus bại liệt hoang dại trong lòng ruột. Nhờ vào đáp ứng miễn dịch ở ruột đối với OPV, đấy là lý do chính giải thích cho những chiến dịch uống OPV có thể nhanh chóng cắt đứt sự lan truyền của virus bại liệt hoang dại.
- Thuận lợi của việc sử dụng OPV:Dùng đường uống, dễ dàng, không cần các dụng cụ tiêm chích vô trùng; giá rẻ; an toàn, hiệu quả, và có đáp ứng miễn dịch lâu dài với 3 type virus bại liệt hoang dại. Nhiều tuần sau khi uống vắc xin, virus nhân lên trong ruột và được đào thải qua phân, do vậy có thể gây nhiễm cho những người tiếp xúc gần. Điều này có nghĩa là ở những nơi điều kiện vệ sinh kém, vắc xin OPV có thể gây miễn dịch “thụ động” cho những người không được uống OPV.
- Những điểm bất lợi: Mặc dù OPV là an toàn và hiệu quả, trong một số trường hợp hiếm gặp (ước tính 1/ 2,7 triệu liều đầu tiên vắc xin) OPV sống giảm độc lực có thể gây ra liệt. Trong một số trường hợp vắc xin này liên quan đến bại liệt do vắc xin (Vaccine - Associated Paralytic Polio - VAPP) ở những trường hợp suy giảm miễn dịch. Những trường hợp liệt do vắc xin là nguy cơ rất thấp và có thể chấp nhận ở các chương trình y tế trên toàn thế giới, bởi vì không có OPV, hàng trăm ngàn trẻ em sẽ mắc bại liệt hàng năm. Một bất lợi rất hiếm thứ hai là virus trong vắc xin có thể biến đổi gen và bắt đầu lưu hành trong quần thể. Các loại virus này được gọi là virus bại liệt lưu hành có nguồn gốc vắc xin (Circulating Vaccine - Derived Polio Viruses - cVDPV), theo thống kê những trường hợp cVDPV hầu hết do virus bại liệt type 2 gây ra.
Tất cả OPV được sử dụng trong các chiến dịch tiêm chủng đạt tiêu chuẩn tiền kiểm định của WHO và quy trình của UNICEF. Khi uống OPV có hiệu quả cao đối với cả ba loại virus bại liệt hoang dại. Tuy nhiên, có sự cạnh tranh giữa ba loại virus gây miễn dịch, do vậy hiệu lực bảo vệ giữa 3 type không như nhau; hiệu quả là nhất là chống lại type 2. Một liều OPV khả năng sinh miễn dịch cho tất cả ba chủng virus bại liệt trong khoảng 50% người được uống. Ba liều tạo miễn dịch ở hơn 95%, miễn dịch tồn tại lâu dài và có lẽ là suốt đời.
Liều uống: 2 giọt/lần - khoảng cách tối thiểu giữa 2 lần uống là 4 tuần
Thay đổi vắc xin bại liệt 3 type tOPV sang bại liệt 2 type Bopv:
Kể từ 1999 đến nay WHO ghi nhận không có trường hợp mắc bại liệt hoang dại type 2. Mặc dù vắc xin OPV là an toàn và hiệu quả, tuy nhiên những năm qua hơn 98% những trường hợp bại liệt lưu hành có nguồn gốc từ vắc xin (cVDPV) chủ yếu là do bại liệt type 2. Trong chiến lược thanh toán bại liệt toàn cầu, WHO đã yêu cầu loại bỏ virus bại liệt type 2 ra khỏi OPV.
Do vậy, một sự thay đổi để loại bỏ vắc xin bại liệt type 2 đã bắt đầu từ ngày 17/4/2016 đến 01/5/2016 trên toàn thế giới. 155 Quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng OPV, tất cả các chương trình tiêm chủng các quốc gia ngừng sử dụng tOPV chứa 3 type (1, 2, và 3- gọi là Trivalent Oral Polio Vaccine) và bắt đầu sử dụng loại vắc xin chứa 2 type (1 và 3 - gọi là Bivalent Oral Polio Vaccine - bOPV) vắc-xin. Việc chuyển sang vắc xin hai type (bOPV) nhằm loại bỏ sự lưu hành của bại liệt type 2.
WHO khuyến cáo tất cả các nước hiện đang sử dụng bOPV trong tiêm chủng cho trẻ sơ sinh thường xuyên, nên thêm ít nhất 1 liều tiêm IPV trong lịch trình. Việc triển khai IPV nằm mục đích giảm nguy cơ lây nhiễm của bại liệt nếu tiếp xúc với virus bại liệt type 2, giảm nguy cơ lây truyền của virus bại liệt type 2, tăng cường khả năng miễn dịch đối với virus bại liệt type 1,2 và 3, để đẩy nhanh chiến lược thanh toán bại liệt trên toàn thế giới.
Hiện nay, với xu thế hội nhập quốc tế và thực hiện Chiến lược “Kết thúc và thanh toán bệnh Bại liệt trong giai đoạn 2013 - 2018” của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam sẽ đưa vắc xin bất hoạt tiêm IPV vào tiêm chủng mở rộng song song với việc sử dụng vắc xin bại liệt uống bOPV. Vắc xin 2 type bOPV bắt đầu sử dụng từ 6/2016 để thay thế cho tOPV, và sẽ triển khai tiêm IPV cho trẻ 5 tháng tuổi vào 2017 sau khi uống 3 liều bOPV. Phấn đấu trên 90% trẻ dưới 1 tuổi được uống 3 lần bOPV và 1 lần tiêm IPV; có thể kết hợp vừa uống bOPV và tiêm IPV cùng lúc.
Bài viết:Ths. Bs Trịnh Quang Trí
Ảnh: Bảo Châu
TT YTDP Đắk Lắk
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác