01/03/2019 12:00
Ngày cưới là ngày vui trọng đại của mỗi gia đình. Khi nhà có đám cưới, ngoài việc chuẩn bị các nghi lễ truyền thống thì không thể thiếu là chuẩn bị tiệc cưới. Tuy nhiển, bên cạnh niềm vui, niềm hạnh phúc thì vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) cho cỗ cưới cũng đang là nỗi lo chung của nhiều gia đình và cả những người được mời đến dự.
Cỗ cưới phục vụ đông người cùng một lúc, do đó khó tránh khỏi nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm tập thể.
Hiện nay, dịch vụ nấu ăn lưu động phục vụ tận nơi đang được nhiều gia đình lựa chọn khi có tổ chức cưới hỏi thay vì phải tất bật nấu ăn như trước. Không thể phủ nhận dịch vụ nấu ăn lưu động tiện lợi, gọn gàng, giá cả cũng khá cạnh tranh, tùy theo túi tiền của gia chủ thì cơ sở nấu sẽ nấu những mâm cỗ phù hợp. Chỉ cần liên hệ số mâm cần đặt là gia chủ sẽ được tư vấn chi tiết về thực đơn, nước uống, dịch vụ đi kèm phong phú. Đặc biệt là gia chủ sẽ không cần “động chân, động tay” vào bất cứ việc gì từ nấu nướng, phục vụ hay dọn dẹp.
Gia đình bà Nguyễn Thị Thành (tổ dân phố 4, phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột), mấy ngày nay không khí chuẩn bị cho đám cưới của con khá nhộn nhịp. Bà quyết định chọn hình thức đặt cỗ tại nhà của dịch vụ nấu ăn lưu động. Bà Thành cho biết: “Trong điều kiện phục vụ từ 40 – 50 mâm cỗ với khoảng 400 – 500 khách, chỉ một sơ suất nhỏ trong khâu bảo đảm ATTP mà để ai đó bị ngộ độc do ăn cỗ thì rất đáng lo ngại. Chính vì vậy, tôi phải tìm hiểu kỹ và giám sát chặt chẽ đội nấu cỗ thuê từ khâu nguyên liệu đầu vào đến sơ chế, chế biến… Đội nấu cỗ thuê phục vụ khá chuyên nghiệp, chu đáo, thực phẩm bảo đảm chất lượng nên tôt rất hài lòng”.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, toàn tỉnh hiện có hơn 450 hộ kinh doanh, cơ sở dịch vụ nấu ăn lưu động, tập trung nhiều ở các huyện Cư Kuin, Krông Pắk, Cư M’gar và TP Buôn Ma Thuột. Ngày càng có nhiều hộ gia đình tham gia kinh doanh loại hình này và giúp nhiều gia đình tiết kiệm được thời gian, công sức đi chợ, nấu nướng… để làm việc khác. Nhưng bên cạnh sự tiện lợi ấy lại tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP.
Trên địa bàn tỉnh từ năm 2016 đến nay xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể sau tiệc cưới. Nguyên nhân bước đầu được xác định là do các cơ sở nấu ăn lưu động chưa tuân thủ các quy định bảo đảm vệ sinh ATTP trong kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trên thực tế, nhu cầu đặt tiệc ngày càng nhiều nhưng phần lớn những người có nhu cầu thường quan tâm đến giá cả chứ không lưu ý đến vấn đề ATTP, không đáp ứng đủ các điều kiện bảo đảm ATTP. Đáng lo ngại là những người chuyên nấu ăn tại các dịch vụ này không phải ai cũng được đào tạo bài bản và có kiến thức cơ bản về ATTP. Thông thường, để chuẩn bị kịp cho bữa cỗ, thực phẩm thường được chế biến sẵn, nếu không bảo quản cẩn thận rất dễ bị ôi thiu. Mặt khác, vị trí chế biến thực phẩm cũng chưa phù hợp, nhiều gia đình ở nông thôn thường quây bạt, bầy cỗ gần ở chuồng nuôi gia súc, gia cầm, hồ, ao hay bãi đất trồng trong vườn, thiếu dụng cụ che đậy, nguồn nước. Ở đô thị, không ít khu vực chế biến dựng gần vỉa hè, lòng đường, nơi có mật độ giao thông đông đúc, bụi bặm, thậm chí gần hố ga… những yếu tố đó dẫn đến mất ATTP.
Quy định của Bộ Y tế, tất cả những nơi chế biến thực phẩm cho khoảng 30 người ăn trở lên đều phải lưu mẫu thức ăn hằng ngày. Mẫu này phải được bảo quản an toàn trong nhiệt độ lạnh thích hợp. Nếu không may xảy ra ngộ độc, qua xét nghiệm mẫu thức ăn lưu sẽ tìm được nguyên nhân ngộ độc. Đây là cơ sở để các bác sĩ có phương pháp điều trị hiệu quả hơn và cơ sở chế biến rút ra bài học kinh nghiệm…
Tuy nhiên, theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, chỉ những nơi khách sạn, nhà hàng lớn mới chú trọng lưu mẫu thức ăn, còn những nhà hàng nhỏ, cơ sở nấu ăn lưu động… hầu như không lưu mẫu dù đã có quy định. Còn những điều kiện vệ sinh tối thiểu như người trực tiếp chế biến phải được khám sức khỏe định kỳ, đi găng tay, bịt khẩu trang, thức ăn nấu chín phải được để trên kệ cao… thì rất khó kiểm soát. Đây là loại hình bếp ăn tập thể, phục vụ đông người cùng một lúc, do đó khó tránh khỏi nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm tập thể.
Trước tình trạng này, Chị cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn các quy định về kinh doanh dịch vụ ăn uống, hướng dẫn sử dụng thực phẩm an toàn và phòng chống ngộ độc thực phẩm cho các hộ, cơ sở hành nghề nấu ăn lưu động. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm soát về ATTP, nhất là kiểm tra đột xuất các cơ sở này để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Để bữa cỗ cưới trở nên văn minh, an toàn, các gia đình cần lưu ý nơi chế biến cỗ phải được phân khu rõ ràng: Nơi sơ chế, chế biến thực phẩm và nơi chia thức ăn chín. Nơi làm cỗ cần bảo đảm về diện tích, không bị ảnh hưởng bởi nguồn gây ô nhiễm. Thức ăn và thực phẩm chế biến xong phải được bảo quản trong phòng kín… Đặc biệt, mỗi gia đình, mỗi người dân phải tự ý thức được trách nhiệm của mình trong công tác bảo đảm ATTP. Cùng với đó, các cấp chính quyền và ngành Y tế cũng cần vào cuộc siết chặt quản lý, đẩy mạnh tuyền truyền vệ sinh ATTP để mỗi bữa tiệc cưới luôn trọn vẹn niềm vui, bảo đảm sức khỏe chung của cả cộng đồng./.
Bài, ảnh: Võ Quỳnh
(T4g Đắk Lắk)
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác