16/05/2017 12:00
Hiện nay, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được xem là vấn đề nóng của xã hội. Người dân lo lắng về chất lượng của những thực phẩm sử dụng hàng ngày, họ kì vọng vào sự kiểm soát chất lượng của các cơ quan chức năng. Ngành y tế Đắk Lắk là một trong những đơn vị chủ chốt thực hiện công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Để đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, ngay từ những tháng đầu năm 2017 ngành y tế Đắk Lắk đã tham mưu cho UBND tỉnh ra Quyết định thành lập bốn đoàn thanh, kiểm tra liên ngành, chủ động phối hợp với các ngành liên quan như: Công Thương, Nông Nghiệp… đẩy mạnh công tác chỉ đạo, thanh kiểm tra cùng với việc tăng cường các biện pháp tuyên truyền về luật ATVSTP đến với người dân. Đặc biệt hướng đến các chủ cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm, nâng cao trách nhiệm của họ trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm vì sức khỏe của cộng đồng.
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2017 được triển khai tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh từ ngày 15/4/2017 đến 15/5/2017, với chủ đề “Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu”
Tại Đắk Lắk, Sở Y tế đã chỉ đạo cho Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, triển khai chiến dịch truyền thông bảo đảm an toàn thực phẩm bằng nhiều hình thức, cung cấp thông tin về an toàn thực phẩm kịp thời cho người dân; Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm các tuyến khẩn trương triển khai công tác chuyên môn kiểm soát an toàn thực phẩm. Giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân sản xuất, sơ chế, giết mổ, chế biến, rau, thịt, thủy sản tươi sống, quản lý nhà hàng, quán ăn, siêu thị, chợ đầu mối, khu du lịch, khu công nghiệp, các cửa hàng thực phẩm, kiểm tra giám sát các cơ sở sản xuất và kinh doanh rượu, truyền thông phòng chống ngộ độc rượu; Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATTP và kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, phát hiện những sai phạm, xử lý và chấn chỉnh kịp thời.
Bà Lê Thị Châu- Chi cục trưởng, Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Ngay từ đầu năm, đơn vị đã tham mưu cho ban chỉ đạo đảm bảo an toàn thực phẩm tỉnh xây dựng kế hoạch cho tháng hành động và cả năm 2017. Đẩy mạnh việc nâng cao kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân bằng nhiều hình thức, đồng thời đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, phát hiện sai phạm và xử lý nghiêm khắc.”
Nhờ đó, các chủ doanh nghiệp đã có ý thức cao trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, chế biến để cạnh tranh bằng chất lượng. Một số cơ sở nuôi trồng, người nông dân sản xuất rau đã chủ động đăng kí trồng rau an toàn cung cấp ra thị trường.
Khi thị trường thực phẩm ngày càng phong phú về hình thức, đa dạng về chủng loại. Người nội trợ gặp không ít khó khăn trong việc lựa chọn thực phẩm, để mua được những sản phẩm đảm bảo an toàn. Đối với các thực phẩm tươi sống, lựa chọn nguồn gốc xuất xứ, được kiểm duyệt chặt chẽ về chất lượng, bảo quản đúng quy định là vấn đề được ngành y tế khuyến cáo người tiêu dùng thực phẩm cần lưu tâm. Vớp ý thức cao trong việc lựa chọn thực phẩm tươi sống như: rau, củ, quả, thịt, cá… người nội trợ tin tưởng lựa chọn thực phẩm tại các siêu thị, và các đại lý kinh doanh uy tín. Bà Nguyễn Thị Thanh Yến- Khối 8 phường Tân An, tp Buôn Ma Thuột chia sẻ: “tôi tin tưởng vào các loại thực phẩm tươi sống ở siêu thị và lựa chọn để chế biến thức ăn cho cả gia đình hàng ngày, bởi vì rau không sợ thuốc và thịt cá được tươi ngon, ăn uống an toàn sẽ đảm bảo sức khỏe”.
Quý 1 năm 2017, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chưa có vụ ngộ độc rượu nào xảy ra. Tuy nhiên trên thị trường, rất nhiều loại rượu tự nấu thủ công được bán ở các quán tạp hóa, quán nhậu… chưa được kiểm định về chất lượng cũng là những nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng. Trước tình trạng đó, Ban chỉ đạo đảm bảo an toàn vệ sinh thục phẩm tỉnh đã có những biện pháp tuyên truyền cho nhân dân phát hiện, trình báo, để các cơ quan chức năng kịp thời xuống tại cơ sở nhắc nhở và hướng dẫn những hộ nấu rượu thủ công cam kết thực hiện đúng yêu cầu an toàn về sản xuất rượu.
Đối với những cơ sở kinh doanh rượu cần được nhắc nhở và kiểm tra thường xuyên, các sản phẩm được bày bán phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được cơ quan chức năng cấp giấy chúng nhận đủ điều kiện an toàn. Trong đợt ra quân của tháng hành động các đoàn liên ngành của tỉnh đã thanh, kiểm tra được 27 cơ sở, trong đó phát hiện 11 cơ sở sai phạm cần xử lý. Tổng số các đoàn liên ngành của tỉnh, huyện và xã đã kiểm tra được 902 cơ sở, trong đó, nhắc nhở 186 cơ sở, xử lý 41 cơ sở vi phạm.
Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là mục tiêu lâu dài, vì vậy không chỉ riêng có sự nỗ lực của ngành y tế mà còn cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành liên quan và sự chung tay của cộng đồng, nhằm góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sức khỏe cho người dân./.
Bài: Trần Lan
Ảnh: Quang Nhật
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác