15/12/2020 10:24
Hiện nay, việc kinh doanh thức ăn đường phố (TAĐP) ngày càng trở nên phổ biến, được sử dụng nhiều do giá rẻ, tiện và nhanh chóng. Tuy nhiên, thức ăn đường phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Một địa điểm kinh doanh thức ăn đường phố trên đường Y Nuê (p. Ea Tam, Tp. Buôn Ma Thuột)
Nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm là vì đa phần người bán TAĐP đều chưa qua tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa được trang bị những kiến thức cần thiết để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Để tăng lợi nhuận, không ít người kinh doanh TAĐP đã lựa chọn nguồn nguyên liệu không rõ nguồn gốc hoặc nguyên liệu kém chất lượng…Việc bảo quản, chế biến TAĐP cũng thường không đảm bảo các điều kiện về vệ sinh, an toàn sức khỏe người tiêu dùng, như: thức ăn không được che chắn bụi bẩn, côn trùng; người bán không đeo khẩu trang, găng tay, không dùng dụng cụ gắp mà chủ yếu dùng tay trần; quy trình bảo quản thực phẩm không đúng cách…Một số hàng quán không đặt sọt chứa rác nên giấy ăn, thức ăn rơi vãi dưới chân bàn, ruồi nhặng đeo bám; không có nguồn nước sử dụng trực tiếp nên việc sử dụng nước để rửa ly, chén cũng rất hạn chế…
Tuy nhiều cơ sở kinh doanh TAĐP không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng hầu hết thực khách vẫn tỏ ra dễ dãi khi chọn mua TAĐP, chưa thực sự quan tâm đến việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm an toàn để bảo vệ sức khỏe cho chính mình. Quan sát một địa điểm TAĐP bán vịt quay, lòng dồi nướng gần điểm Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định (phường Ea Tam, Tp. Buôn Ma Thuột), đây là đoạn đường xe cộ lưu thông rất đông, khói bụi rất nhiều. Thế nhưng những con vịt được quay trên lò than vẫn trơ trụi giữa làn khói, bụi và dòng người qua lại mà không được che đậy với bất kỳ dụng cụ nào. Tuy nhiên, điều đáng chú ý, chẳng ai quan tâm đến việc thức ăn có bị bụi bẩn bám hay không mà trái lại có rất đông khách hàng đến mua. “Chúng tôi là dân lao động nghèo, thu nhập thấp, thậm chí bấp bênh nên mua TAĐP là lựa chọn hàng đầu bởi tiện lợi, rẻ và hợp túi tiền”. Anh T.Đ.K, làm nghề bốc vác (Phường Ea Tam, Tp. Buôn Ma Thuột) cho hay.
Hiện nay, theo quy định, công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm TAĐP được phân cấp cho các địa phương. Ở tuyến xã, phường, thị trấn hầu hết mới chỉ dừng lại ở mức tuyên truyền, nhắc nhở, chưa có tính răn đe nghiêm khắc, do vậy hiệu quả mang lại chưa cao. Hơn nữa, kinh doanh TAĐP hầu hết là nhỏ lẻ, nay bán, mai nghỉ, thời vụ, không có giấy phép kinh doanh hoặc mang tính chất lưu động nên khó quản lý…
Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân, gia đình, bên cạnh các giải pháp của các ngành chức năng, người tiêu dùng cần trang bị cho mình những kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, nên tẩy chay những quán ăn vỉa hè, đường phố không đảm bảo điều kiện vệ sinh. Đồng thời, thông báo cho cơ quan quản lý xử lý kịp thời các quán ăn không tuân thủ và bảo đảm điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho cộng đồng.
Theo Nghị định 115/2018 của Chính phủ, nếu vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm ATVSTP trong kinh doanh TAĐP như: không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định của pháp luật; thức ăn không được che đậy, ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập sẽ bị phạt từ 0,5 đến 1 triệu đồng. Người bán hàng không sử dụng găng tay khi tiếp xúc với thực phẩm chín, thức ăn ngay cũng bị xử phạt. Một số hành vi như: sử dụng dụng cụ chế biến, ăn uống, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không bảo đảm ATVSTP theo quy định; người đang mắc các bệnh theo quy định không được trực tiếp tham gia kinh doanh ăn uống, thực phẩm; sử dụng phụ gia thực phẩm sang chia, sang chiết không phù hợp bị xử phạt từ 1 triệu đến 3 triệu đồng./.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác