21/10/2016 12:00
“Từ trước đến giờ khi mua hàng tôi chỉ để ý đến tên nhà sản xuất và nơi sản xuất, không biết có thể kiểm tra hàng hóa bằng mã vạch”. Đấy là lời thổ lộ của cô Bùi Thị Loan, phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái ngày càng tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bản thân thì việc trang bị cho mình những thông tin cần thiết về mã vạch trên sản phẩm nhằm bảo vệ chính mình là rất quan trọng.
Dãy số trên mã vạch giúp người tiêu dùng biết được hàng hóa được sản xuất ở quốc gia nào.
Theo các nhà chuyên môn nếu chỉ dựa vào chữ viết hoa trên bao bì hoặc “made in” thì vẫn chưa đủ chính xác, các nhà sản xuất có rất nhiều tiểu xảo để che đậy như: tạo nên các loại vỏ bao bì chỉ viết bằng tiếng Anh, “made in “ thì dấu nhẹm. Do vậy người tiêu dùng có thể nhận biết mặt hàng bằng cách tra mã vạch.
Mã vạch là cách thể hiện thông tin trong các dạng nhìn thấy trên bề mặt hàng hóa mà máy móc có thể đọc được. Mã vạch có thể được đọc bằng các thiết bị quét quang học gọi là máy đọc mã vạch hay được quét từ hình ảnh bằng các phần mềm chuyên biệt. Nội dung của các mã vạch là thông tin về sản phẩm hàng hóa như nước sản xuất, tên doanh nghiệp, lô, tiêu chuẩn chất lượng đăng kí, thông tin về kích thước sản phẩm, nơi kiểm tra… Tùy theo dung lượng thông tin, dạng thức thông tin được mã hóa cũng như mục đích sử dụng mà người ta có thể phân ra nhiều loại mã vạch. Hiện trên thế giới thường sử dụng hai hệ thống mã vạch: Hệ thống UPC (Universal product code) là hệ thống thuộc quyền quản lí của Hội đồng mã thống nhất Mỹ UCC (uniform code council, inc) được sử dụng từ năm 1970 và hiện vẫn đang sử dụng ở Mỹ và Canada. Hệ thống EAN (European Article Number) được thiết lập bởi các sáng lập viên là 12 nước thành viên với tên gọi ban đầu Hội EAN (European Article numbering Association) được sử dụng từ năm 1974 ở Châu Âu và sau đó phát triển nhanh chóng, được áp dụng ở hầu hết các nước trên thế giới. Chính vì lí do này nên từ năm 1977, EAN trở thành một tổ chức quốc tế với tên gọi EAN quốc tế (ENA international).
Khác với cô Bùi Thị Loan, bà Hà Thị Tính, phường EaTam, Buôn Ma Thuột đã biết trang bị cho mình phần mềm Icheck (phần mềm kiểm tra sản phẩm bằng mã vạch). Tuy nhiên, bà Hà Thị Tính nói rằng: “Tôi phải phụ thuộc vào phần mềm Icheck, nếu điện thoại không có kết nối internet (wife, 3G) thì bà cũng không hiểu gì khi nhìn các chữ số trên mã vạch. Tôi quan tâm nhất là hàng hóa đó có nguồn gốc từ đâu? Việt Nam hay Trung Quốc? Tôi chỉ tin dùng hàng Việt Nam”
Trong hệ thống mã số EAN, có hai loại: loại sử dụng 13 con số (ENA-13), loại sử dụng 8 con số (ENA-8).
Mã số ENA -13, gồm 13 con số có cấu tạo như sau:
Từ trái sang phải: Mã quốc gia: hai hoặc ba con số đầu. Mã doanh nghiệp: có thể từ bốn năm hoặc sáu con số. Mã mặt hàng: có thể từ ba, bốn, năm hoặc sáu con số tùy vào mã doanh nghiệp. Số cuối cùng lá số kiểm tra.
Mã ENA-8, gồm 8 con số có cấu tạo sau:
Ba số đầu là mã quốc gia, giống như ENA-13. Bốn số sau là mã mặt hàng. Số cuối cùng là số kiểm tra.
ENA-8 chỉ sử dụng trên những sản phẩm có kích thước nhỏ, không đủ chỗ ghi mã ENA-13 như thỏi son, cây bút chì.
893 là đầu mã vạch cho biết sản phẩm có xuất xứ Việt Nam. Nếu mã quốc gia là các chữ số 690, 691, 692, 693, 694, 695 là hàng hóa có nguồn gốc Trung Quốc. Mỗi sản phẩm đều có mã vạch của mình, thường gồm 13 chữ số. Ví dụ sản phẩm có mã số: 8938503275026.
Khi hỏi về việc kiểm tra tính đúng đắn của mã vạch trên sản phẩm, rất nhiều người tiêu dùng đều có câu trả lời giống nhau: Không biết. Như tâm sự của chị Ngô Thị Thu Hà, phường Tự An, Buôn Ma Thuột “ Mình có nghe nói đến việc kiểm tra sản phẩm hàng hóa bằng mã vạch và cũng mới tải phần mềm Icheck về sử dụng nhưng không hề biết đến việc kiểm tra tính đúng đắn của mã vạch”
Theo Hệ thống đánh số sản phẩm, cách tính số kiểm tra như sau:
1.Cộng các số đứng ở hàng chẵn lại với nhau (tính từ trái sang phải).
2.Cộng các số đứng ở hàng lẻ trong dãy số lại với nhau (tính từ phải sang trái, trừ số cuối cùng).
3.Lấy tổng số ở hàng lẻ (bước 2) nhân với 3.
4.Cộng các kết quả của phép tính thứ 1 và thứ 3 với nhau.
5.Lấy bôi số của 10 lớn hơn kết quả bước 4 trừ đi kết quả bước 4. Kết quả trùng với số cuối cùng của dãy mã vạch, đây chính là số kiểm tra.
Ví dụ: 8938503275026
8 + 3 + 5 + 3+ 7 + 0 = 26
26 x 3 = 78
9 + 8+ 0 + 2 + 5 + 2 = 26
78 + 26 = 104
110 – 104 = 6
Để bảo đảm tính đơn nhất và tính thống nhất của mã số, mã quốc gia phải do tổ chức mã số vật phẩm quốc tế cấp cho các quốc gia là thành viên của tổ chức này. Mã doanh nghiệp do tổ chức mã số vật phẩm quốc gia cấp cho các nhà sản xuất là thành viên của họ. Ở Việt Nam mã doanh nghiệp do tổ chức ENA-VN cấp cho các doanh nghiệp là thành viên của mình. Mã mặt hàng do nhà sản xuất quy định cho hàng hóa của mình. Nhà sản xuất phải đảm bảo mỗi mặt hàng chỉ có một mã số, không có bất kì một sự nhầm lẫn nào.
Việc trang bị cho bản thân những kiến thức về mã vạch, cách kiểm tra tính đúng của các vã vạch sẽ giúp người tiêu dùng mua được những sản phẩm đảm bảo chất lượng.
Bài & ảnh: Hồng Vân
Trung tâm Truyền thông - GDSK
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác