05/05/2021 09:12
Vào mùa nắng nóng, thời tiết oi bức là điều kiện để vi khuẩn phát triển mạnh khiến thức ăn dễ bị ôi thiu, thay đổi mùi vị, biến chất, chứa các chất gây độc làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Do vậy, khi chế biến và ăn uống trong mùa nắng nóng, mọi người cần lưu ý để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.
Chị Nguyễn Thị Trang (trú tại phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: Do công việc nhiều khi bận rộn nên chị thường mua thức ăn tại các quán vỉa hè để ăn cho tiện. Tuy nhiên, tuần trước sau khi ăn bánh mì được mua trên đường, chị có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy. “Tôi nhập viện khám thì bác sĩ cho biết tôi bị ngộ độc thực phẩm. Rất may hôm đó chỉ mình tôi ăn chứ tôi mà mua về cho cả nhà, nhất là mấy đứa trẻ ăn phải thức ăn bị ngộ độc thực phẩm thì nguy hiểm lắm”, chị Trang nói.
Chị Trần Thị Tám (trú tại phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ: Tôi được biết vào mùa này rất dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm nếu chế biến và bảo quản thực phẩm không đúng cách. Do đó, để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình, tôi luôn tìm mua thực phẩm ở những địa chỉ uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thực hiện ăn chín, uống sôi và thường xuyên rửa tay sạch sẽ.
Theo các chuyên gia y tế, nguy cơ cao nhất dẫn đến nhiễm độc, nhiễm khuẩn thức ăn là khi sử dụng thực phẩm động vật còn tươi sống hoặc chưa đun nấu kỹ như ăn tiết canh, thịt tái, gỏi cá hoặc thức ăn từ sau khi nấu chín đến khi ăn quá 2 giờ có thể bị ôi thiu… làm người ăn dễ bị ngộ độc. Đối với các loại thực phẩm bị ôi thiu, biến chất, khi quan sát sẽ nhận thấy thay đổi màu và mùi, vị không bình thường.
Lực lượng chức năng kiểm tra thực phẩm tại một quán ăn trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột để đảm bảo ATTP cho người dân
Để đề phòng ngộ độc thực phẩm, người tiêu dùng cần thực hiện 10 lời khuyên trong chế biến thực phẩm an toàn, cụ thể như sau:
1. Lựa chọn và mua thực phẩm tại các cơ sở tin cậy, ổn định, có cửa hàng cố định, có giấy xác nhận, chứng nhận về ATTP do cơ quan thẩm quyền cấp. Nên chọn cá, tôm, gà, vịt... còn sống; với thực phẩm đã giết mổ, chế biến sẵn thì nên mua ở những nơi bán có uy tín, có bảo hành chất lượng cho các sản phẩm bán ra. Tuyệt đối không dùng thực phẩm quá hạn sử dụng, có mùi vị lạ bất thường hoặc bị ôi thiu, nấm mốc...
2. Nấu chín kỹ thức ăn trước khi ăn; thịt phải chuyển sang màu nâu đỏ hoàn toàn, tuyệt đối không ăn thịt còn màu đỏ hồng.
3. Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín.
4. Bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín. Không nên dùng lại đồ ăn thừa, nhất là khi chúng không được bảo quản vệ sinh. Để tránh lãng phí, hãy mua và nấu vừa đủ số lượng thức ăn cho mỗi bữa ăn của gia đình.
5. Các thực phẩm để dành, không để quá 2 giờ và phải hâm kỹ trước khi ăn.
6. Không để chung thực phẩm sống và chín. Bảo quản thịt, cá chưa chế biến trong bao kín và để trong ngăn lạnh không quá 5°C, chú ý các loại thực phẩm dễ bị ôi thiu.
7. Luôn luôn rửa sạch tay thật kỹ trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi vuốt ve, chạm vào động vật nuôi.
8. Giữ bề mặt thực phẩm; nơi và dụng cụ chế biến luôn khô ráo, sạch sẽ.
9. Sử dụng các thiết bị, biện pháp phòng chống côn trùng và động vật gây hại để bảo vệ thực phẩm. Khi ăn củ mì phải lột vỏ, ngâm trong nước lạnh nhiều giờ trước khi luộc, trong lúc luộc nên mở nắp nồi để loại bỏ độc tố có trong củ mì. Không nên ăn những củ khoai tây đã mọc mầm, củ có vỏ chuyển sang màu xanh, củ đã đào khỏi mặt đất quá lâu để tránh ngộ độc solanin.
10. Sử dụng nguồn nước đạt quy chuẩn kỹ thuật để chế biến thức ăn.
Sau khi ăn thức ăn, nếu xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc thực phẩm như buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy… thì cần bình tĩnh tiến hành sơ cứu khi bị ngộ độc thực phẩm. Cụ thể, gây nôn (nếu bệnh nhân không có biểu hiện nôn) để hạn chế độc tố từ thức ăn ngấm vào cơ thể. Trong lúc tiến hành gây nôn, cần đặt người bệnh nằm nghiêng, phần đầu kê hơi cao để chất thải khi nôn ra không bị trào ngược vào phổi, không kích thích quá mức gây sặc cho người bệnh. Với trường hợp đã hôn mê thì không nên thực hiện kích thích gây nôn vì sẽ dễ gây sặc, ngạt thở. Đưa bệnh nhân đến ngay tại cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bài: Mai Lê; ảnh: Quang Nhật
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác