16/02/2017 12:00
Mới đây, vụ ngộ độc nghi do ngộ độc rượu methanol tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã có 6 trường hợp tử vong và nhiều bệnh nhân đang được điều trị là hồi chuông cảnh báo tình trạng lạm dụng rượu không rõ nguồn gốc. Đây là một trong những loại rượu gây nguy hiểm đến tính mạng của người dùng.
Không uống các loại rượu trôi nổi không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm định chất lượng và chưa qua kiểm tra của các cơ quan quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo báo cáo kết quả kiểm nghiệm mẫu rượu ngày 15/02/2017 của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, 03 mẫu rượu do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lai Châu lấy tại vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu có kết quả kiểm nghiệm hàm lượng methanol là 970 mg/l cồn 1000, 556.000 mg/l cồn 1000 và 475.000 mg/l cồn 1000. Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm Đồ uống có cồn (QCVN 6-3:2010/BYT) và Tiêu chuẩn quốc gia về Rượu trắng (TCVN 7043:2013), hàm lượng methanol trong rượu không lớn hơn 100 mg/l cồn 1000 . Như vậy, kết quả kiểm nghiệm hàm lượng methanol của 03 mẫu rượu này vượt ngưỡng cho phép nhiều lần. Do vậy, bước đầu xác định nguyên nhân gây tử vong có thể do sử dụng rượu có hàm lượng methanol vượt ngưỡng cho phép. (Nguồn: http://www.vfa.gov.vn/gioi-thieu/thong-tin-ve-ket-qua-kiem-nghiem-mau-ruou...)
Methanol thường được gọi là cồn công nghiệp, thường có nhiều công dụng khác nhau: làm sơn, dung môi… tuy nhiên chất này rất độc với cơ thể và hoàn toàn không được dùng làm rượu thực phẩm như ethanol. Methanol được hấp thu nhanh chóng và hoàn toàn qua đường tiêu hoá, thể tích phân bố 0,7L/kg, không gắn với protein huyết tương. Phần lớn được chuyển hoá qua gan nhưng chậm. Bản thân chất mẹ methanol tác dụng giống ethanol (các biểu hiện kiểu “say rượu”), nhưng sau đó methanol chuyển hóa thành a xít formic, sau đó thành formate, gây nhiễm toan chuyển hóa, độc với các tạng, đặc biệt là thần kinh và thị giác.
Các triệu chứng nhiễm độc thường xuất hiện trong vòng 30 phút sau uống nhưng có thể muộn hơn, tuỳ thuộc vào số lượng và bệnh nhân có uống ethanol hay không (nếu có triệu chứng xuất hiện chậm hơn). Thường có hai giai đoạn, giai đoạn kín đáo (vài giờ đến 30 giờ đầu) và giai đoạn ngộ độc rõ tiếp theo sau. Vì triệu chứng lúc đầu thường kín đáo và nhẹ (ức chế nhẹ thần kinh, an thần, vô cảm) nên thường bị bỏ qua hoặc trẻ nhỏ không được phát hiện. Biểu hiện chính thường gặp là:
- Thần kinh: Bệnh nhân khi đến viện thường còn tỉnh táo nhưng rất đau đầu, chóng mặt, sau đó có thể gặp các triệu chứng: quên, bồn chồn, ngủ lịm, lẫn lộn, hôn mê, co giật. Khi ngộ độc nặng có thể có xuất huyết hoặc nhồi máu não, tụt não.
- Mắt: Lúc đầu nhìn bình thường, sau đó 12 -24 giờ nhìn mờ, nhìn đôi, cảm giác như có mây che trước mắt, sợ ánh sáng, ám điểm, đau mắt, song thị, ám điểm trung tâm, thu hẹp thị trường, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị (ánh sáng chói, các chấm nhảy múa, nhìn thấy đường hầm...). Đồng tử phản ứng kém với ánh sáng hoặc giãn cố định là dấu hiệu của ngộ độc nặng và tiên lựợng xấu. Soi đáy mắt thấy gai thị xung huyết, sau đó phù võng mạc lan rộng dọc theo các mạch máu đến trung tâm đáy mắt, các mạch máu cương tụ, phù gai thị, xuất huyết võng mạc. Dấu hiệu thấy khi soi đáy mắt không tương quan với dấu hiệu nhìn của bệnh nhân nhưng thực sự tương quan với mức độ nặng của ngộ độc.
- Ngoài ra có các biểu hiện tổn thương các cơ quan khác trong cơ thể làm cho bệnh cảnh bệnh nhân càng thêm trầm trọng.
- Ngoài các xét nghiệm cơ bản, thường sẽ thực hiện xét nghiệm định lượng nồng độ methanol máu (> 20mg/dL), định lượng nồng độ ethanol máu: làm ít nhất 2 lần/ngày, xét nghiệm lúc vào viện, trước và sau lọc máu, khi kết thúc điều trị.
Việc ngộ độc methanol là loại ngộ độc nặng, tình trạng bệnh nhân nguy kịch và nhanh chóng đưa đến tử vong nhưng lại có thể phòng ngừa được.
Không uống các loại rượu trôi nổi không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm định chất lượng và chưa qua kiểm tra của các cơ quan quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tuyên truyền cho người dân, nhất là những người nghiện rượu, nhận biết sớm các dấu hiệu ngộ độc methanol để kịp thời đưa người bị ngộ độc đến chữa trị tại các cơ sở y tế.
Bài: Hữu Huyên–Sở Y tế
Ảnh: Bảo Châu
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác