01/08/2016 12:00
Thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng liên tục phát hiện, bắt giữ nhiều cơ sở chế biến, tàng trữ thực phẩm “bẩn”, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Thực phẩm bẩn trở thành nỗi ám ảnh, khiến cho người tiêu dùng luôn trong tình trạng hoang mang, lo lắng khi không biết mua gì và ăn gì để an toàn cho sức khỏe.
Hãy thận trọng khi lựa chọn thực phẩm để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình.
Từ thịt gia súc, gia cầm bị bệnh, hàng đông lạnh đã hết hạn sử dụng, thâm đen, bốc mùi hôi thối. Cho đến lòng lợn thối, gà bơm nước, măng ngâm hóa chất, tôm bơm tạp chất, dùng chất độc gây chết người để làm chuối chín và tạo độ cứng cho quả, sử dụng chất salbutamol tạo nạc cho lợn, măng ngâm chất vàng ô; sản phẩm rau xanh tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, hoa quả bị nhúng hóa chất ép chín, hay thịt, cá, đồ hộp chứa nhiều chất bảo quản… Những thực phẩm thiết yếu hàng ngày như rau, củ, thịt, cá hay ngay cả dầu ăn, nước mắm… tất cả đều có nguy cơ nhiễm bẩn. Chị Cao Thị Thanh (phường Tân Lợi, TP.Buôn Ma Thuột) cho biết, bây giờ việc đi chợ của chị mất nhiều thời gian hơn trước, bởi chị phải đắn đo suy nghĩ tìm cách chọn mua thực phẩm an toàn để sử dụng. Chị nói: “Giờ, khi đi chợ tôi không chỉ lo đổi món cho đỡ ngán mà còn phải suy nghĩ, tìm cách chọn loại thực phẩm nào ít nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe”.
Còn cô Vũ Thị Nhữ (phường Tân Thành, TP.Buôn Ma Thuột) cho biết do công việc bận rộn, không có nhiều thời gian lựa chọn thực phẩm mỗi ngày. Nhưng thời gian gần đây, nghe thông tin thực phẩm bẩn nên cô rất lo lắng cho sức khỏe của gia đình mình. Bây giờ, đi chợ cô chỉ mua ở những chỗ quen biết. Trước vấn nạn thực phẩm bẩn hiện nay, siêu thị đang là nơi được nhiều người tiêu dùng tin tưởng. Chị Nguyễn Ánh Linh (phường Tân An, TP.Buôn Ma Thuột) chia sẻ, trước thực trạng thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay, chị chọn giải pháp an toàn cho gia đình là vào siêu thị để mua thực phẩm. Chị bộc bạch: “Hoa quả, thực phẩm được bày bán trong siêu thị đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vì có ghi nguồn gốc xuất xứ và được đóng dấu kiểm dịch của cơ quan thú y trên thực phẩm”. Tuy nhiên, có người đã phó mặc cho số phận, nhiều người bảo: “Không ăn cũng chết, ăn cũng chết, thôi thì cứ ăn, bệnh đến lúc nào biết lúc ấy”.
Mỗi loại thực phẩm đều có quy định riêng về ngưỡng an toàn. Một thực phẩm được đánh giá là không an toàn (thực phẩm bẩn) khi nó chứa các chất cấm, gây hại cho sức khỏe. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có 600 triệu người mắc bệnh và 420.000 người tử vong do ăn thực phẩm bẩn (thực phẩm không đảm bảo an toàn). Thực phẩm bẩn có thể gây ra hơn 200 bệnh khác nhau. Việc sử dụng thực phẩm độc hại trong thời gian dài không chỉ gây các bệnh về đường tiêu hóa, mà còn khiến người tiêu dùng mắc những bệnh nghiêm trọng hơn, thậm chí là ung thư. trong 20 năm nữa, các ca ung thư trên toàn thế giới sẽ tăng 57% (từ 14 triệu năm 2012 lên 22 triệu vào năm 2032). Trong đó, Việt Nam được dự đoán là đất nước có số ca ung thư tăng nhanh nhất thế giới mà nguyên nhân chính là các loại hóa chất độc hại dùng để tẩm ướp tồn dư trong thực phẩm. Theo thống kê của Bộ Y tế, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2016, cả nước đã xảy ra gần 30 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm trên 1.386 người bị ngộ độc, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Riêng trong tháng 4.2016 đã xảy ra 9 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 375 người bị ngộ độc. Tại Đắk Lắk, 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm với 41 người mắc, 37 người nhập viện điều trị và 1 trường hợp tử vong. Hầu hết các bệnh nhân bị ngộ độc do ăn phải thức ăn bị nhiễm vi sinh vật bởi thời tiết nóng bức gây ra, cùng với đó là một số trường hợp bị ngộ độc do hấp thụ phải hóa chất tồn dư trong thực phẩm.
Thực phẩm nào là sạch, là hợp vệ sinh, cơ quan nào công bố thực phẩm sạch đáng tin cậy? Thịt gia súc, gia cầm được đóng dấu kiểm dịch, những mớ rau, củ quả được đóng mác “sạch” xuất hiện ở siêu thị liệu có tin cậy? Đó là những câu hỏi nhức nhối, luôn làm day dứt người tiêu dùng. Thực tế những gì đang diễn ra, việc ăn gì, uống gì vẫn nỗi lo nơm nớp với mỗi gia đình. Không lo sao được khi báo chí liên tục thông tin nay bắt chỗ này, mai phát hiện chỗ kia sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Thực phẩm bẩn không chỉ xuất hiện ở hàng quán vỉa hè, thực phẩm bẩn còn len vào vào bữa cơm gia đình và cả trên bàn tiệc ở các nhà hàng cao cấp. Những thiệt hại khi thực phẩm không an toàn thành nhiều hậu quả khác nhau, từ bệnh cấp tính, mãn tính đến tử vong. Thiệt hại chính do các bệnh gây ra thực từ phẩm đối với cá nhân là chi phí khám bệnh, hồi phục sức khỏe, chi phí do phải chăm sóc người bệnh, giảm thu nhập do phải nghỉ làm… Đối với nhà sản xuất, đó là những chi phí do phải thu hồi, tiêu hủy sản phẩm và tổn thất nặng nề nhất là mất lòng tin của người tiêu dùng.
Nâng cao hiểu biết cho người sản xuất lẫn người tiêu thụ về tác hại khôn lường, lâu dài của việc sử dụng, tiêu thụ thực phẩm bẩn. Đưa ra hình thức xử phạt đủ sức răn đe để loại bỏ việc sản xuất không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, quy định 5 tội danh liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó, mức phạt dành cho hành vi biết rõ thực phẩm “bẩn” mà vẫn cố tình chế biến, cung cấp ra thị trường có thể lên tới 20 năm tù. Đây được coi như một chế tài thể hiện tinh thần quyết liệt dẹp bỏ vấn nạn thực phẩm “bẩn” đang diễn ra phổ biến gây bức xúc cho xã hội thời gian qua. Người tiêu dùng và xã hội cũng đặt nhiều kỳ vọng, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng từ Trung ương tới địa phương để tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian tới sẽ được loại bỏ triệt để, nhằm bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.
Ngăn chặn tình trạng buôn bán thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn chế đến mức thấp nhất những vụ ngộ độc thực phẩm, đó là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Vì lợi ích của chính mình và cộng đồng, hãy là người tiêu dùng thông thái, cần nâng cao kiến thức về chọn mua và sử dụng thực phẩm an toàn; mạnh dạn đấu tranh tố giác sai phạm, giúp cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nghiêm minh. Người sản xuất kinh doanh cần làm ăn chân chính, vì mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo môi trường lành mạnh cho cộng đồng xã hội, góp phần hội nhập và phát triển./.
Bài, ảnh: Võ Quỳnh
(T4g Đắk Lắk)
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác