01/08/2016 12:00
Tiết canh là món ăn phổ biến khắp các vùng miền, nhất là vào mùa nắng nóng. Nhiều người quan niệm ăn tiết canh có giá trị dinh dưỡng cao và có thể chữa bệnh. Đây là món ăn tươi sống, sử dụng nguyên liệu là huyết động vật tươi. Tuy nhiên nếu con vật đó nhiễm bệnh thì tác hại của tiết canh là không thể lường trước được thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Trên 70% bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh.
Tiết canh là huyết gia súc (lợn, ngựa, dê, chó) hoặc gia cầm như (ngan, vịt)… được hãm trước khi trộn với sụn, thịt băm nhỏ để làm đông tiết. Như vậy về bản chất tiết canh là món sống, chứa nhiều mầm bệnh chưa được loại trừ qua quá trình nấu chín. Thêm vào đó, do phương pháp chăn nuôi hiện nay khiến con vật có thể mang một số mầm bệnh nguy hiểm như virus cúm gia cầm (virus cúm A/H5N1, H1N1), giun, sán…liên cầu khuẩn lợn. Đặc biệt liên cầu lợn có thể gây bệnh trầm trọng cho người, bệnh diễn biến cực kỳ nhanh chóng, suy đa phủ tạng. Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tại Việt Nam, trên 70% bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh. Năm 2015 nước ta ghi nhận 96 ca mắc liên cầu khuẩn, trong đó có 13 ca tử vong (tăng 51 ca mắc và tăng 5 trường hợp tử vong so với năm 2014). Còn tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, từ đầu năm 2016 đến nay, Khoa Cấp cứu đã tiếp nhận và điều trị cho khoảng 30 bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn. So với cùng kỳ các năm trước, số ca mắc nguy kịch, tử vong có xu hướng gia tăng. Hầu hết đều có nguyên nhân ăn tiết canh, thịt sống cũng như ăn uống chưa bảo đảm vệ sinh...
Dù liên tục có cảnh báo về những nguy hại với sức khỏe từ món tiết canh nhưng đây vẫn là món khoái khẩu của nhiều người. Cũng vì khoái khẩu, nên ít người quan tâm đến những nguy cơ nhiễm bệnh khi ăn món này. Tiết canh lợn thường chứa nhiều vi khuẩn liên cầu lợn nhất. Bệnh liên cầu lợn do vi khuẩn Streptococcus suis (S.suis) gây nên. Triệu chứng ban đầu của liên cầu lợn là sốt cao, có thể rét, tiêu chảy, hôn mê, tụt huyết áp, lơ mơ, mất ý thức. Điểm dễ nhận ra là các biểu hiện ban hoại tử trên da, viêm màng não, li bì… Khi mắc bệnh này có nhiều người nhầm lẫn là rối loạn tiêu hóa, đau bụng do thực phẩm, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy đa tạng, nguy hiểm đến tính mạng. Khả năng cứu chữa bệnh này phụ thuộc nhiều vào thời gian vào viện điều trị sớm hay muộn. Việc điều trị ở bệnh nhân được áp dụng liên tục các biện pháp hồi sức tích cực nên chi phí điều trị vô cùng tốn kém. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh liên cầu lợn. Vi khuẩn S.suis gây bệnh liên cầu lợn có thể tồn tại lâu trong phân, nước, rác. Tuy nhiên, vi khuẩn này dễ bị tiêu diệt bởi các chất sát khuẩn và tẩy rửa.
Để chủ động phòng chóng bệnh hiệu quả, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cũng khuyến cáo: Để phòng bệnh liên cầu khuẩn, người dân cần tẩy trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khi giết mổ, chế biến thịt lợn cần đảm bảo vệ sinh và đeo găng tay để tránh tiếp xúc trực tiếp với thịt lợn bệnh. Không ăn thức ăn từ thịt lợn chưa được nấu chín, đặc biệt là tiết canh sống. Nếu thấy có các dấu hiệu như: sốt cao đột ngột, mệt mỏi, rét run, đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, rối loạn ý thức, mê sảng, có tiền sử tiếp xúc với lợn bệnh, ăn thực phẩm chưa nấu kỹ, thực phẩm tái (nem chua, nem chạo, tiết canh...) thì nên đến ngay cơ sở y tế để được điều trị sớm, tránh bệnh diễn biến nặng./.
Bài, ảnh: Võ Quỳnh
(T4g Đắk Lắk)
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác