01/09/2016 12:00
Càng tới gần Tết Trung thu, thị trường thực phẩm, nhất là các loại bánh kẹo càng trở nên nhộn nhịp. Vì vậy, để lựa chọn được sản phẩm chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề mà người tiêu dùng rất quan tâm.
Lựa chọn bánh trung thu ở những cơ sở uy tín, chất lượng để đảm bảo vệ sức khỏe của bạn và gia đình.
Đi dọc các tuyến đường của TP. Buôn Ma Thuột, các cửa hàng bán bánh trung thu cũng bắt đầu tấp nập. Bên cạnh các thương hiệu nổi tiếng như Kinh Đô, Bibica, Hữu Nghị… thì đây cũng là dịp để các cơ sở tư nhân sản xuất và kinh doanh mặt hàng này. Sản xuất và kinh doanh các loại bánh nướng, bánh dẻo đem lại lợi nhuận cao, nên vào dịp Tết Trung thu hàng loạt các cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh loại bánh này tung ra các loại sản phẩm bắt mắt, theo thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng. Mỗi dịp Trung thu, trong cả nước, lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ nhiều vụ mua bán, vận chuyển các loại phụ gia thực phẩm (chất tạo màu, tạo ngọt), nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ để làm bánh trung thu. Mặt khác, nguyên liệu để sản xuất bánh trung thu thường có: trứng, thịt, hoa quả, xúc xích, lạp xưởng… đây là những thực phẩm dễ bị ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh như nấm mốc, ký sinh trùng, nấm men, tả lỵ… Đặc biệt, nhằm vào thị hiếu của trẻ em, nhiều cơ sở sản xuất các loại bánh có hình các con vật nhiều màu sắc, được chế biến từ các loại phẩm màu ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế, gây độc hại cho người sử dụng. Việc ghi nhãn mác, ngày sản xuất, hạn sử dụng nhiều cơ sở chưa thực hiện đúng quy định như ghi hạn dùng đến ngày nào đó mà không ghi ngày sản xuất để đánh lừa người tiêu dùng, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cũng như sức khỏe người tiêu dùng.
Bên cạnh các sản phẩm bánh trung thu truyền thống và bánh trung thu hiện đại (sản xuất theo dây chuyền công nghệ hiện đại), mùa trung thu năm nay, trào lưu bánh trung thu tự làm tại nhà hay bánh làm thủ công (tên gọi khác là bánh handmade) xuất hiện nhiều và thu hút người tiêu dùng không kém. Tuy nhiên, loại bánh này có an toàn và đảm bảo vệ sinh thực phẩm hay không thì vẫn chưa được kiểm chứng. Dạo qua một số trang mạng xã hội như facebook, zalo… không khó để người tiêu dùng nhận thấy những mẫu mã bắt mắt cùng lời rao ấn tượng như: Bánh được làm từ những nguyên liệu tươi được chọn lọc từ bột mì, đậu xanh, đậu đỏ....tỉ mỉ trong từng khâu chọn, phân loại, trộn nhân, nướng bánh. Hoàn toàn không có chất bảo quản, không phẩm màu; hay Bánh Trung Thu 2016 được làm cẩn thận với tiêu chí: Tự nhiên và sạch tuyệt đối, an toàn cho người sử dụng... Không chỉ đánh vào niềm tin của người tiêu dùng về sự an toàn, sạch sẽ, mà còn đánh trực diện vào túi tiền của người tiêu dùng, khi những sản phẩm có giá bán phù hợp, ví dụ như: Bánh thập cẩm có giá từ 10.000 - 50.000 đồng/cái, tùy từng loại và tùy từng trọng lượng; bánh trung thu 12 con giáp có giá 250.000 – 300.000 đồng/hộp 12 cái. Hiện nay, các loại nguyên liệu làm nhân bánh có thể dễ dàng mua được tại các chợ, cửa hàng online. Tuy nhiên, những nguyên liệu này được bày bán tràn lan mà không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thường được đóng trong các túi ni lông không có nhãn mác, nơi sản xuất cụ thể và giá cả thì rất rẻ. Vì vậy, việc tràn lan bánh trung thu thủ công tiềm ẩn nhiều rủi ro về vấn đề VSATTP. Nghi ngại về vấn đề VSATTP đối với bánh trung thu thủ công chị Thanh, chị Ngọc Hiếu (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) cũng cho rằng, đối với bánh trung thu, dù là sản xuất bằng công nghệ hiện đại hay làm thủ công bằng tay, chất lượng tốt hay không thì vẫn phải có hạn sử dụng. Trong khi đó, với bánh làm thủ công hiện nay, người tiêu dùng vẫn mặc nhiên sử dụng mà không hề biết hạn sử dụng của bánh là bao giờ. “Với các loại bánh thương hiệu, quy trình sản xuất được kiểm tra gắt gao, nhưng nhiều cơ sở vẫn còn bị xử lý về vấn đề mất VSATTP. Trong khi đó, với bánh làm thủ công tại nhà, quy trình này không được kiểm soát, vì thế, vấn đề VSATTP là rất đáng lo ngại” - chị Thanh nghi ngại.
Với người tiêu dùng, ai cũng mong muốn mua được những sản phẩm biết rõ nguồn gốc xuất xứ, giá cả phù hợp…Tuy nhiên, với đặc thù của loại bánh trung thu, không phải cứ biết rõ quy trình sản xuất, nguồn gốc xuất xứ thì có nghĩa là sản phẩm đó an toàn. Vì vậy, để đảm bảo an toàn trong dịp Tết Trung thu, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo: Trong dịp tết Trung thu, người tiêu dùng nên mua bánh trung thu ở các cơ sở có địa chỉ rõ ràng, nơi bày bán bánh đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra kỹ nhãn mác, ngày sản xuất và hạn sử dụng; không sử dụng bánh đã mốc, hỏng.
Bài, ảnh: Võ Quỳnh – Đình Thi
(T4g Đắk Lắk)
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác